Công an tỉnh và Sở Giáo dục-Đào tạo phối hợp đảm bảo an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Công an tỉnh Gia Lai và Sở Giáo dục-Đào tạo vừa ban hành Chương trình phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025.

Chương trình nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Công an tỉnh Gia Lai và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai theo các cấp (tỉnh, huyện, xã) trong việc trao đổi thông tin, phối hợp và chủ động thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025.

Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT, kỹ năng tham gia giao thông an toàn và xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh phù hợp với từng lứa tuổi nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các em; góp phần ngăn chặn và hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về ATGT và các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc liên quan đến học sinh, sinh viên (HSSV).

Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh tặng mũ bảo hiểm cho học sinh Trường THPT Lê Thánh Tông, thị xã Ayun Pa. Ảnh: Lê Anh
Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh tặng mũ bảo hiểm cho học sinh Trường THPT Lê Thánh Tông, thị xã Ayun Pa. Ảnh: Lê Anh

Nội dung trọng tâm của chương trình, gồm: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về TTATGT cho HSSV. Hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn và chú trọng xây dựng văn hóa giao thông cho HSSV.

Chỉ đạo các nhà trường phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Đội trong việc tham gia giữ gìn TTATGT; tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông ” và các mô hình hay, hiệu quả khác trên địa bàn toàn tỉnh.

Đưa nội dung giáo dục pháp luật về TTATGT và văn hóa khi tham gia giao thông vào chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp, lồng ghép vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục từ cấp mầm non đến trung học phổ thông theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tăng thời lượng thực hành và trải nghiệm thực tế.

Các bên phối hợp tuyên truyền và hướng dẫn HSSV các kỹ năng tham gia giao thông an toàn như: đi bộ, sang đường; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe đạp; ngồi trên ô tô đi học, tham quan, dã ngoại an toàn và kỹ năng thoát hiểm trong các tình huống giao thông nguy hiểm mà không có người trợ giúp...

Cùng với đó, giao Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) và Phòng Giáo dục Trung học, Giáo dục Chính trị và Giáo dục Thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo) làm đầu mối thường trực, giúp Công an tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình phối hợp này.

Cụ thể, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình này với các trường trung cấp nghề, cao đẳng, phân hiệu đại học và tương đương trên địa bàn. Các phòng Giáo dục và Đào tạo và Công an cấp huyện xây dựng kế hoạch phối hợp, ký kết, triển khai các nội dung của Chương trình này phù hợp với đặc điểm, tình hình tại địa phương. Định kỳ hàng năm tổ chức họp giao ban liên ngành để sơ kết, trao đổi thông tin, rút kinh nghiệm và công tác triển khai thực hiện, báo cáo Công an tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo theo quy định.

Định kỳ hàng năm, Công an tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức sơ kết, đánh giá thực hiện chương trình phối hợp này; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện. Năm 2025, tổ chức tổng kết Chương trình phối hợp giữa 2 ngành.

Có thể bạn quan tâm