Hối lộ để được công bố công trình khoa học kém chất lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trang tin của Science phản ánh vấn nạn các công ty kinh doanh trong lĩnh vực học thuật hối lộ ban biên tập nhiều tạp chí khoa học để đảm bảo công trình khoa học (bài báo) kém chất lượng của mình được xuất bản.

GIÁ ĐĂNG BÀI PHỤ THUỘC VÀO DANH TIẾNG CỦA TẠP CHÍ

Ngày 18.1, trang tin của Science, một trong những tạp chí khoa học uy tín nhất trên thế giới, vừa đăng bài điều tra vấn nạn các công ty kinh doanh trong lĩnh vực học thuật hối lộ nhiều thành viên ban biên tập hàng ngàn USD để đảm bảo những bài báo của họ gửi đến tạp chí chắc chắn được chấp nhận công bố.

Các hình ảnh được quảng cáo trên Facebook của Jack Ben (khi chưa bị xóa). Ảnh: SCIENCE

Các hình ảnh được quảng cáo trên Facebook của Jack Ben (khi chưa bị xóa). Ảnh: SCIENCE

Kết quả điều tra phát hiện một số công xưởng bán bài (công ty kinh doanh học thuật) và trên 30 biên tập viên (BTV) của các tạp chí chính thống tham gia vào trò hối lộ này. Science nhận định, nhiều khả năng những gì bị lộ mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.

Theo Science, việc điều tra được bắt đầu từ tháng 6.2023, khi TS Nicholas Wise, một nhà nghiên cứu động lực học chất lỏng tại ĐH Cambridge (Anh), đồng thời là chuyên gia chống gian lận khoa học, phát hiện một việc mà anh chưa từng thấy trên Facebook của một người tự xưng là Jack Ben, làm việc cho Công ty Olive Academic, một công ty kinh doanh trong lĩnh vực học thuật tại Trung Quốc. Trên trang cá nhân, Jack Ben tìm kiếm đối tác là BTV của các tạp chí khoa học, với lời hứa hẹn: "Chắc chắn bạn sẽ kiếm được tiền từ chúng tôi". Những thông tin kèm theo cho thấy, một số BTV chịu "cộng tác" với Olive Academic đã được trả tới 20.000 USD, và hiện đã có 50 BTV ký hợp đồng với công ty này. Thậm chí, Jack Ben còn giới thiệu một biểu mẫu trực tuyến để các BTV quan tâm tới lời chào mời của Olive Academic điền thông tin vào.

Khi nhà báo của Science liên lạc với Jack Ben qua điện thoại, người này nhầm tưởng người gọi điện là một BTV của tạp chí khoa học muốn "cộng tác". Jack Ben cho biết rất nhiều khách hàng của Olive Academic cần công bố bài báo; nếu đồng ý hợp tác, BTV tạp chí khoa học có thể đưa ra mức giá tùy theo danh tiếng của tạp chí. Về hình thức thanh toán, BTV sẽ được nhận một nửa số tiền thỏa thuận khi bài báo được chấp nhận đăng, nửa còn lại chuyển khoản khi bài báo được xuất bản trực tuyến. Khi nhận ra người gọi cho mình không phải là BTV tạp chí, Jack Ben đã yêu cầu trao đổi tiếp qua WhatsApp (ứng dụng liên lạc trực tuyến) và phủ nhận việc "hối lộ" các BTV, đồng thời khẳng định công ty của anh ta chỉ làm dịch vụ tư vấn viết bài. Ngay sau đó, Jack Ben xóa các bài đăng mời chào "cộng tác viên" trên Facebook.

KHI BIÊN TẬP VIÊN CŨNG LÀ KẺ GIAN LẬN

Từ những thông tin trên Facebook của Jack Ben (khi chưa bị xóa), Science đã kịp phát hiện một trong nhiều BTV cộng tác với Công ty Olive Academic, đó là TS Malik Alazzam. Trên mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn, Alazzam nhận mình là "BTV của các tạp chí Scopus ISI", đồng thời từng là nhà nghiên cứu, hoặc cựu phó giáo sư tại các trường ĐH của Ả Rập Xê Út, Malaysia và Jordan. Một trong các bài báo được Alazzam biên tập cũng đã "bị lộ". Đó là bài báo được đăng trên một số đặc biệt (special issue) của Journal of Healthcare Engineering thuộc Nhà xuất bản (NXB) Hindawi. Một tài liệu khác cho thấy chỉ 3 ngày sau khi bài báo này được chấp nhận công bố, Công ty Olive Academic đã trả cho Alazzam 840 USD thông qua đơn vị trung gian là Công ty Tamjeed Publishing (do chính Alazzam quản lý). Những khoản hối lộ khác của Olive Academic cho Alazzam lên tới 16.300 USD. Tuy nhiên, Alazzam đã từ chối trả lời phỏng vấn của Science khi được hỏi về việc này.

Theo TS Wise, Công ty Tamjeed Publishing hoạt động như một nhà môi giới, kết nối các công ty kinh doanh học thuật với các BTV tạp chí khoa học. Một trong số các BTV trong mạng lưới này là TS Omar Cheikhrouhou của ĐH Taif ở Ả Rập Xê Út và ĐH Sfax ở Tunisia. Trước đó, qua thông tin trên trang Facebook của Jack Ben, TS Wise nhận ra Cheikhrouhou là người phụ trách quá trình bình duyệt một bài báo được công bố trên một số đặc biệt của tạp chí Mobile Information Systems cũng thuộc NXB Hindawi. Việc chấp nhận đăng bài này đã mang lại cho Cheikhrouhou khoản tiền hối lộ 1.050 USD. Nhà báo của Science đã liên hệ với Cheikhrouhou nhưng anh ta ngừng trả lời tin nhắn sau khi được yêu cầu phỏng vấn.

Cheikhrouhou và Alazzam đều đã biên tập nhiều số đặc biệt khác của NXB Hindawi và hiện là BTV khách mời cho một số tạp chí của NXB MDPI và IMR Press.

Cả hai bài báo nói trên đều bị rút bỏ vào tháng 11.2023 (cùng với hàng ngàn bài báo khác đăng trên các số đặc biệt do quá trình bình duyệt bị lũng đoạn). Gần đây, Wiley (công ty mua lại NXB Hindawi) thông báo sẽ xóa sổ thương hiệu Hindawi do hàng loạt tạp chí của NXB này đã bị các công xưởng bán bài báo rởm xâm nhập ở quy mô và mức độ quá lớn khiến 19 tạp chí bị loại khỏi danh mục ISI và 4 tạp chí bị Wiley đóng cửa. Một người phát ngôn của Wiley thừa nhận với Science: "Trong năm ngoái, chúng tôi phát hiện hàng trăm kẻ gian lận trên các tạp chí của chúng tôi, một số kẻ giữ vai trò BTV khách mời, những kẻ này đã bị loại khỏi hệ thống của chúng tôi".

Ảnh: SCIENCE

Ảnh: SCIENCE

CÁC CHIÊU TRÒ CỦA CÔNG TY KINH DOANH HỌC THUẬT

Theo Science, không chỉ có 2 doanh nghiệp là Công ty Olive Academic và Công ty Tamjeed Publishing hối lộ các BTV để đăng bài. Một công xưởng bán bài ở Ukraine là Công ty Tanu.pro còn cài cắm được người vào ban biên tập một tạp chí thuộc NXB Wiley.

Một BTV có tên Liudmyla Mashtaler đã chấp nhận công bố vài bài báo của công xưởng này trên một số đặc biệt của tạp chí Review of Education. Trong danh sách ban biên tập tạp chí Review of Education, Liudmyla Mashtaler được giới thiệu với học vị tiến sĩ. Nhưng một tài liệu của chính phủ Ukraine cho thấy tại thời điểm năm 2020 Liudmyla Mashtaler mới đang học năm đầu chương trình thạc sĩ. Không chỉ bịa đặt học vị, các BTV phụ trách một số đặc biệt của tạp chí Scientific Programming thuộc NXB Hindawi còn không phải là người thật. Đây là thủ đoạn mới của các công ty kinh doanh học thuật nhằm kiểm soát toàn bộ quá trình đăng bài, từ liên hệ với tạp chí để đề xuất mở số đặc biệt với BTV là một cái tên giả mạo do công xưởng bịa ra, đến tự tay chấp nhận công bố bài của chính mình.

Hiện tượng hối lộ BTV để đăng bài kém chất lượng không chỉ xảy ra với các số đặc biệt, vốn là mục tiêu dễ xâm nhập của các công xưởng bán bài. Trong số những thành viên ban biên tập có quan hệ với Công ty Olive Academic, nhiều người giữ vai trò BTV thường trực của các tạp chí thuộc Wiley, Elsevier (một trong những NXB khoa học lớn nhất thế giới - Thanh Niên) và các NXB khác. Một thí dụ điển hình là Oveis Abedinia, kỹ sư điện tại ĐH Nazarbayev ở Kazakhstan, BTV thường trực của tạp chí Complexity thuộc NXB Hindawi. Tạp chí này cũng được TS Malik Alazzam quảng cáo trên mạng xã hội rằng công ty của ông ta có hợp đồng và mời chào các nhà nghiên cứu đăng bài.

Một trường hợp nữa được nhắc đến trong bài điều tra của Science là iTrilon, công ty làm dịch vụ đăng bài ở Ấn Độ.

Siddhesh Zadey, nghiên cứu sinh ĐH Columbia (Mỹ), cho biết trong một lần về thăm bố mẹ mình ở Ấn Độ, anh được TS Sarath của iTrilon liên hệ, mời "mua" vị trí tác giả một bài báo khoa học đã được viết sẵn với cam kết 100% rằng bài báo sẽ được chấp nhận công bố trên tạp chí khoa học. Để tìm hiểu kỹ hơn, Siddhesh Zadey đóng vai một sinh viên y khoa hỏi thêm một số thông tin thì được TS Sarath khẳng định iTrilon có mạng lưới "tay trong" là BTV nhiều tạp chí khoa học. Một trong những tạp chí mà iTrilon đang "cộng tác" là Health Science Reports của NXB Wiley.

Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo của Science, TS Sarath thừa nhận chuyện bán vị trí tác giả các bài báo nhưng phủ nhận việc iTrilon thông đồng với BTV. Tuy nhiên, Science đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy iTrilon mua chuộc được các BTV tạp chí khoa học trong việc công bố bài báo kém chất lượng. (còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

Chị Siu H’Teo (ở giữa, làng Phung, xã Ia Phang) phấn khởi khi kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Ảnh: Q.T

Đào tạo nghề: “Chìa khóa” thoát nghèo bền vững ở Chư Pưh

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Chư Pưh đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, người dân được định hướng, tiếp cận nghề nghiệp mới, góp phần cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non với nhiều điểm mới. Theo dự thảo, chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.