Hoa lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ đang "nổi đình nổi đám" vốn có "quê quán" ở đâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ông Nguyễn Văn Chương, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) bên cây đa đình làng - nơi cách đây gần một nửa thế kỷ đã được thiên nhiên ban tặng hoa lan phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ.

Giữa bộn bề, lo toan của cuộc sống, việc tìm đến giây phút thư giãn từ thú chơi tao nhã là điều mà những người yêu hoa phong lan hướng đến với mong muốn thanh lọc tâm hồn.

Hoa lan phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ nổi tiếng, được coi là giống lan rừng nhiệt đới quý hiếm, rất có giá trị bởi vẻ đẹp thanh khiết, hương thơm quyến rũ khiến nhiều người không tiếc công sức, tiền của kiếm tìm.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết “nguyên quán” của giống lan rừng quý hiếm-phong lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng này.


 

Ông Nguyễn Văn Chương (xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bên cây đa đình làng - nơi cách đây gần một nửa thế kỷ đã được thiên nhiên ban tặng hoa lan phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ.
Ông Nguyễn Văn Chương (xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bên cây đa đình làng - nơi cách đây gần một nửa thế kỷ đã được thiên nhiên ban tặng hoa lan phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ.


Ông Nguyễn Văn Chương (xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bên cây đa đình làng - nơi cách đây gần một nửa thế kỷ đã được thiên nhiên ban tặng hoa lan phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ.

Xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) chính là nơi “khai sinh” ra giống lan rừng quý hiếm đang “nổi đình đám” trong giới chơi lan - đó là phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ.

Gần đây, tên tuổi của ông Nguyễn Văn Chương - người được giới chơi lan đặc biệt quan tâm bởi ông là một trong những người đầu tiên của làng mang lan đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ về trồng tại vườn nhà.

Tiết thu mát mẻ, con ngõ nhỏ nơi vùng quê yên bình dẫn chúng tôi đi qua đình làng nơi có 2 cây đa cổ kính và đến nhà ông Chương. Qua điện thoại chúng tôi vừa đi vừa được ông chỉ đường nhiệt tình, tuy nhiên khi đến nơi, hai cánh cổng sắt vẫn khép chặt, ông có điều gì đó băn khoăn, ái ngại: “Các cô đến tìm tôi có việc gì?!”...

Sau khi xem thẻ nhà báo, ông Chương mới tin tưởng, mời vào nhà. Điều đầu tiên trong câu chuyện với chúng tôi, ông Chương chia sẻ vì sao ông luôn có sự cảnh giác cao đối với người lạ bởi sự nổi tiếng của ông - một trong những người đầu tiên gây dựng và phát triển giống hoa phong lan quý hiếm.

Vì vậy có nhiều người yêu lan tìm đến hỏi mua phong lan đột biến quý hiếm, nhưng trong số đó cũng không ít đối tượng đến đe dọa và có ý đồ xấu.

Vì nhà chỉ có hai vợ chồng đã có tuổi, thôn quê đất rộng, người thưa nên cẩn trọng đề phòng những bất trắc không khi nào thừa...

Trong ngôi nhà bề thế, khang trang được xây dựng từ lợi nhuận trồng phong lan và nhân giống hoa lan quý, với tính cách chân chất, mộc mạc, nhưng khá rắn rỏi, mạnh mẽ từ người nông dân quanh năm bám đất bám vườn, ông Chương say sưa kể về hoa lan.

Nói về lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ, ánh mắt người đàn ông có nước da rám nắng nay đã ở tuổi ngoài lục tuần như ánh lên niềm vui, tự hào vì được “trời” ban cho giống lan quý hiếm...

Đó là câu chuyện cách đây gần một nửa thế kỷ, tại khu 5, xã Cổ Tiết (nay là xã Vạn Xuân) có 3 cây đa ở đình làng. Trong một lần đoàn xiếc ở Hà Nội về biểu diễn, khi chuẩn bị căng phông bạt, tận dụng độ cao của cây đa để chằng buộc, họ đã phát hiện trên cây đa có loài hoa nở thành từng chùm nên lấy xuống chơi.

Người dân trong làng thấy hoa phong lan đẹp, nhiều người cũng mang về nhà trồng. Khi đó ông Chương mới 15 tuổi, thấy hoa phong lan lạ này có nét giống hoa bèo tây ngoài đồng, hiếu kỳ và tò mò nên ông đã lấy mấy nhánh mang về nhà trồng thử.

Ban đầu, ông trồng phong lan lạ vào xô nhưng do bí rễ nên cây hoa lan không phát triển được, ông đã thử buộc vào thân cây vải trong vườn, dần dần cây phát triển đẻ ra nhiều nhánh.

Rồi hoa lan nở hoa rất đẹp nên ông Chương lại tiếp tục nhân ra các khóm khác nhau trồng trong các giò và treo trên cây. Hàng ngày, ông chăm sóc hoa lan lạ như niềm vui và thú chơi tao nhã.

Cho đến một ngày vào năm 2011, có người tìm đến nhà ông Chương hỏi mua hoa lan, sau đó nhiều người từ khắp nơi đến, có cả người tỉnh ngoài đến hỏi mua hoa lan nhưng ông Chương chỉ cười và nói: “Cây lan này đáng giá bao nhiêu đâu mà các anh lặn lội đến tận nhà hỏi mua thế này. Tôi trồng vì thú chơi cho vui, các anh thích giò nào thì tôi tặng”.

Sau khi được tặng, họ lại tìm đến mua nhưng ông Chương không bán vì muốn giữ lại cho đẹp. Nhưng khi họ trả giá hơn một triệu đồng/giò thì ông Chương cũng suy tính vì số tiền đó lúc bấy giờ không phải là nhỏ với người dân vùng nông thôn nên ông đồng ý bán một giò.

Tiếp đó, nhiều người tìm đến nhà ông Chương hỏi mua hoa lan đột biến với mức giá ngày càng tăng cao hơn. Ông Chương đã gom được 30 giò lan trong vườn nhà để bán với giá 40 triệu đồng.

Thậm chí có người còn nhờ ông Chương đi thu gom hoa lan của các gia đình trong cả làng để họ mua với giá cao. Khi ông Chương nhận ra giá trị của “cây đam mê” của mình thì cũng là lúc trong vườn nhà ông không còn giò lan nào!


 

 Những bông lan phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ của gia đình ông Nguyễn Văn Chương, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ với vẻ đẹp thanh khiết làm say đắm lòng người yêu lan.
Những bông lan phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ của gia đình ông Nguyễn Văn Chương, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ với vẻ đẹp thanh khiết làm say đắm lòng người yêu lan.



“Duyên nợ” với lan đột biến

2 năm sau kể từ khi giò lan cuối cùng trong vườn được gom bán thì bỗng dưng trong vườn lan phi điệp của ông Chương, lan đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ “quay trở lại” như duyên nợ.

Khi đó, ông Chương vẫn chưa biết cách phân biệt cây lan phi điệp 5 cánh tím và cây phi điệp đột biến 5 cánh trắng nên chỉ đến khi giò lan nở ra 5 cánh trắng thì ông Chương mới biết mình vẫn còn “duyên nợ” với cây hoa lan quý.

Ông bắt đầu quan sát kỹ để phân biệt 2 giống lan này để từ đó nhân tiếp từ khóm mẹ của cây hoa lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ ra.

Tuy số lượng giò lan đột biến nhân ra không nhiều và giá trị thực thu lại không lớn bằng những người nắm rõ giá trị của lan, nhưng tên tuổi của ông Chương - người đàn ông “hai lần có duyên với phi điệp đột biến  5 cánh trắng Phú Thọ” bắt đầu từ thuở loài lan này mới được “khai sinh” trên mảnh đất giàu truyền thống văn hoá được nhiều người biết đến.

Chính bởi vậy, nhiều người buôn bán hoa lan trên mạng xã hội đã “mượn” tên tuổi của ông để chào bán “lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ”!

Trong câu chuyện với chúng tôi, bằng kinh nghiệm trồng và chăm sóc loài lan quý hiếm này, ông Chương cũng chia sẻ về những điều làm nên giá trị của loài hoa lan tưởng chừng như mộc mạc, giản đơn nhưng lại khiến cho giới yêu lan mê mệt kiếm tìm và sẵn sàng bỏ tiền tỷ ra mua...

Ông cho hay, nếu được trồng và chăm sóc tốt, cây lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ có thể dài đến 1,6 mét, thậm chí hơn 2 mét.

Khi được trồng ở nơi có đủ ánh sáng, lá cây lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ có ánh vàng mỡ gà óng ả, còn trồng trong bóng râm cây sẽ xanh đậm hơn.

Là dòng lan đột biến nên khi mầm non mới nhú hoặc lên ki, cổ lá và đầu chóp lá có phớt tím, về sau sẽ xanh dần, thân đốt có tia trắng trong và sâu.

Quá trình phát triển của cây lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ, năm đầu tiên lá cây có hình lá tre, sang đến năm thứ ba, 4 cặp lá đầu tiên sẽ có bản to, tròn.

Tuy nhiên, với một số cây lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng có thể có biến thể, không giống như cây gốc ban đầu. Ngoài những đặc điểm về thân, lá, giá trị nổi bật nhất của lan phi điệp 5 đột biến cánh trắng chính là mặt bông hoa với vẻ đẹp hài hoà, cánh đỉnh cao, vươn thẳng, đầu cánh hơi cong, hai cánh vai ngang, xếp đều nhau.

Bên trong, môi hoa lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ có hình tim, có nhung tuyết ở bờ môi và hai mắt nổi rõ màu tím.

Khác với các loại phi điệp thông thường, 5 cánh của loại phi điệp này có màu trắng, trong như ngọc. Đặc biệt, sau khi nở từ 3 - 5 tiếng, phi điệp đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ toả mùi hương quyến rũ, thoang thoảng bay xa, hấp dẫn lòng người…

Được thiên nhiên ban cho vẻ đẹp đặc biệt, được giới chơi lan ghi nhận và đánh giá cao về giá trị kinh tế, đến nay tại nơi đã “khai sinh” ra lan phi điệp 5 đột biến cánh trắng Phú Thọ - xã Cổ Tiết (nay là xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) vẫn còn nhiều gia đình lưu giữ được loại lan rừng quý hiếm này không chỉ đơn thuần là thú chơi tao nhã mà nhiều người cũng có cuộc sống khấm khá hơn từ lan.

 

Nhưng với ông Nguyễn Văn Chương, trồng lan như một thú chơi tao nhã, niềm đam mê như vốn có. Đó chính là đam mê và tình yêu với hoa lan. Ông Chương cũng bộc bạch, ông cũng đang bàn với những người yêu lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ trong làng sẽ cấy loài lan quý hiếm này lên cây đa - nơi đã “khai sinh” ra nó nhằm mục đích tri ân, tâm linh và bảo tồn loài lan quý hiếm sống trên quê hương anh hùng, giàu truyền thống văn hóa.


https://danviet.vn/hoa-lan-phi-diep-dot-bien-5-canh-trang-phu-tho-dang-noi-dinh-noi-dam-von-co-que-quan-o-dau-20210221134939709.htm

Theo HUYỀN NGA (Dân Việt)
 

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.