Hỗ trợ người dân từ vùng dịch về quê: Ý nghĩa, nhân văn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đón đồng bào về quê hay hỗ trợ đưa người dân từ vùng dịch về nhà… đều rất đúng và rất nhân văn trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Nam. Trên các cung đường, nhiều hành động đẹp được nhân lên và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Những ngày TP. Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lác đác rồi đến số đông theo hiệu ứng dây chuyền, hàng ngàn rồi đến hàng vạn người, phần lớn là công nhân làm ăn, sinh sống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai lần lượt về quê bằng nhiều con đường khác nhau.
Biết chuyện, đầu tiên là tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng rồi đến Gia Lai, Bình Định, Quảng Ngãi và một số tỉnh thành khác… đã có thư, công văn thông qua các Hội đồng hương kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ người dân có nhu cầu về quê. Bằng nhiều nguồn lực khác nhau kể cả nguồn xã hội hóa, vài tỉnh, thành đưa máy bay vào đón công dân, còn lại, đa phần dùng xe chất lượng cao và tàu hỏa.
Nhưng vẫn không kịp và không xuể, bởi số lượng công dân có nhu cầu về quê quá lớn. Vì vậy, bà con cứ thế mạnh ai nấy đi. Nhưng ngay sau đó, cơ quan chức năng ở các địa phương nơi người dân đi đã nhanh chóng từng đoàn người được tập hợp lại ở đầu tỉnh, khai báo y tế, ai về tỉnh thì đưa đi cách ly luôn, ai đi tiếp chỉ qua tỉnh thì đợi, đủ đoàn khoảng vài trăm người thì có xe công vụ dẫn đầu, kèm giữa và khóa đuôi, đi hết địa phận thì bàn giao cho tỉnh kế tiếp.
Phía quốc lộ 14 điểm đầu là từ Bình Phước, rồi chuyền qua Đak Nông, Đak Lak, tới Gia Lai….Phía quốc lộ 1 cũng tính điểm đầu từ Đồng Nai lần lượt trở ra. Nhiều trường hợp có điểm cuối trên 1.000 km, cá biệt, có trường hợp cả gia đình di chuyển nhiều ngày bằng xe gắn máy về tận Cao Bằng, nhiều trường hợp rất hoàn cảnh, không mua được đồ ăn thức uống, ngủ tạm ven đường vì quán xá, dịch vụ hai bên đường đều đóng cửa.
- CSGT phát nước uống cho người đi đường về quê
Cảnh sát Giao thông phát nước uống cho người đi đường về quê. Ảnh: Gia Cư
…Mấy hôm nay, Tây Nguyên mưa liên tục, nhiều người khi xem clip xe Cảnh sát Giao thông dẫn đoàn hàng mấy trăm xe máy xuyên đêm xuyên mưa về nhà mà xúc động và thương. Ở Gia Lai, trong khi chờ đón bà con tại điểm cầu 110, huyện Chư Pưh-nơi giáp ranh với tỉnh Đak Lak, sau khi liên lạc thường xuyên của ngành chức năng 2 tỉnh, phía tỉnh Gia Lai, lực lượng Cảnh sát Giao thông phối hợp với các đoàn thể chuẩn bị xôi, bánh mì, nước uống... cho người dân. Riêng khoản hỗ trợ xăng, để bà con không phải dừng lại đổ xăng dọc đường (sau khi chứng kiến nhiều xe tới Gia Lai thì hết xăng), một lãnh đạo Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh cho biết, đã trực tiếp vận động cán bộ, chiến sĩ đóng góp mua, đóng chai sẵn, cùng với nước uống để phục vụ đồng bào mình. Ngay sau đó, câu chuyện bánh chưng, xôi và xăng tiếp tục được lan tỏa sang nhiều địa phương kế tiếp.
Phía quốc lộ 1, Cảnh sát Giao thông TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng làm thế. Dẫn bà con lên đỉnh đèo bàn giao cho tỉnh kế tiếp để đi tiếp. Nhiều trường hợp ra Bắc bằng xe gắn máy tới Huế thì kiệt sức, phải dùng xe y tế chở tiếp ra Quảng Trị, xe Quảng Trị lại chở tiếp... Các trường hợp này không những được hỗ trợ xăng, đồ ăn, thức uống mà còn được hỗ trợ thêm lộ phí đường dài.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại và nhấn mạnh, việc để cho bà con về quê lúc này là điều không thể dừng lại mà cần phải có tổ chức, có sự kiểm soát nghiêm ngặt theo quy trình về phòng- chống dịch một cách bài bản và thống nhất cao giữa các địa phương nhằm hạn chế nguồn lây nhiễm…
GIA CƯ

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.