(GLO)- Những năm gần đây, các ban, ngành, đoàn thể của huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã tích cực triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và đạt những kết quả thiết thực. Hiện toàn huyện đã xây dựng được 81 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả lĩnh vực.
Ông Rcom Xuân-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện-cho biết: Hàng năm, huyện phát động thực hiện các phong trào thi đua yêu nước đến mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Từ đó, các tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Đơn cử như mô hình “Khu dân cư chung tay giảm hộ nghèo bền vững” tại 3 xã: Chư A Thai, Ayun Hạ, Ia Hiao và thị trấn Phú Thiện.
“Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động người dân di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà ở, ăn ở hợp vệ sinh, cải tạo vườn tạp, trồng rau xanh để cải thiện đời sống. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã tuyên truyền, vận động được 71 hộ dân di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà ở; hỗ trợ trên 100 hộ dân xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn. Bên cạnh đó, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” của huyện trích 30 triệu đồng mua 8 cặp dê sinh sản hỗ trợ sinh kế cho 8 hộ nghèo tại 4 làng: Trớ, Pông, Hek và Kinh Pêng, xã Chư A Thai”-ông Rcom Xuân thông tin.
Gia đình ông Rmah Ben (buôn Plei Chrung, xã Ia Piar) được Hội Cựu chiến binh huyện Phú Thiện tặng bò sinh sản, tạo sinh kế giúp vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đinh Yến |
Còn ông Phan Văn Cảnh-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chư A Thai thì cho hay: “Từ năm 2017 đến nay, các làng Trớ, Pông, Hek và Kinh Pêng được huyện xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế-xã hội. Hiện các làng này đã được quy hoạch, phân lô sắp xếp theo tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, các làng được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội khác”. Là hộ đặc biệt khó khăn, sau khi được hỗ trợ 2 con dê sinh sản, ông Siu Kối (làng Kinh Pêng) chia sẻ: “Cuối năm 2021, gia đình tôi được hỗ trợ giống dê, sau đó cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên đàn dê sinh trưởng, phát triển tốt. Đến nay đã phát triển lên 6 con. Được hỗ trợ, gia đình tôi có điều kiện vươn lên từng bước thoát nghèo”.
Theo ông Trương Hồ Công-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện: Đến nay, Hội Cựu chiến binh huyện cũng triển khai một số mô hình “Dân vận khéo” đạt hiệu quả cao. Có thể kể đến như mô hình “Cựu chiến binh xóa nhà dột nát cho hội viên”, “Nuôi bò sinh sản giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn” trên toàn huyện; mô hình “Trồng rau an toàn” tại thị trấn Phú Thiện, “Tiết kiệm, gây quỹ hỗ trợ đỡ đầu con cháu hội viên có hoàn cảnh khó khăn” tại xã Ia Ake. Trong đó, hiệu quả nhất là mô hình “Nuôi rẽ bò sinh sản giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn”.
Trước đây, gia đình ông Rmah Ben (buôn Plei Chrung, xã Ia Piar) thuộc diện hộ nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn. Biết được hoàn cảnh của gia đình ông, Hội Cựu chiến binh huyện đã tặng 1 con bò sinh sản để gia đình ông Ben nuôi làm vốn. Con bò trị giá 15 triệu đồng, kinh phí trích từ Quỹ “Nghĩa tình đồng đội”. “Đầu năm 2017, mình được tặng con bò sinh sản. Đến nay, bò đã đẻ được 3 con bê. Gia đình mình được nuôi 2 con, con còn lại được trao cho hội viên khác chăm sóc. Hiện nay, gia đình mình có 4 con bò, trị giá cũng gần 100 triệu đồng. Cuối năm 2021, gia đình mình đã thoát nghèo”-ông Ben bày tỏ.
Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của huyện cũng đã xây dựng được 16 mô hình “Dân vận khéo”. Tiêu biểu như mô hình “Bán trú 2 buổi/ngày/tuần theo đặc thù của huyện” thực hiện ở 10 xã, thị trấn do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện triển khai; mô hình “Thu gom rác thải bảo vệ thực vật” của Hội Nông dân 2 xã Ayun Hạ và Ia Ake... Lĩnh vực quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cũng được các đơn vị triển khai hiệu quả với 8 mô hình.
Ông Nguyễn Nguyên Duẩn-Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Phú Thiện-cho hay: Thời gian tới, Ban Dân vận Huyện ủy tiếp tục đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị theo tinh thần Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên trong thực hiện công tác dân vận.
Cùng với đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình có hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa mạnh mẽ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tích cực trong xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn.
ĐINH YẾN