Hiểm họa khi 'thả' con sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội sớm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện (Bệnh viện Nhi đồng thành phố) cho biết bệnh viện từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân là trẻ gặp phải vấn đề tâm lý, sức khỏe bị tác động bởi mạng xã hội, thiết bị công nghệ.

 
Cha mẹ cần định hướng nội dung, hạn chế thời gian khi để trẻ dùng điện thoại, mạng xã hội - Ảnh: NGỌC THẮNG
Cha mẹ cần định hướng nội dung, hạn chế thời gian khi để trẻ dùng điện thoại, mạng xã hội - Ảnh: NGỌC THẮNG


Thông tin Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) phối hợp với Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, cùng một trường tiểu học để làm rõ vụ việc học sinh của trường này bị người lạ lạm dụng, dụ dỗ quay clip nhạy cảm, cho thấy những hiểm họa khi trẻ được sử dụng điện thoại, mạng xã hội từ nhỏ nhưng thiếu sự kiểm soát…

Hàng loạt cạm bẫy, hiểm nguy từ thế giới ảo

Làm việc 4 năm ở đơn vị tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện cho biết bệnh viện từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân là trẻ gặp phải vấn đề tâm lý, sức khỏe bị tác động bởi mạng xã hội, thiết bị công nghệ.

Đặc biệt, cách đây hơn một tuần, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nữ 13 tuổi tự sát. Khi tiếp xúc để hỗ trợ tâm lý, ông Thiện cho biết bé gái bị bắt nạt trên mạng xã hội và ở trường dẫn đến hành vi uống thuốc sâu tự tử. Đây không phải là trường hợp hiếm ở các bệnh viện hiện nay.

Việc sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến vấn đề cảm xúc, gây ra tình trạng lo âu, trầm cảm hoặc có thể ảnh hưởng đến chất lượng học tập, cuộc sống. Còn để con sử dụng mạng xã hội khi còn quá nhỏ, ý thức bảo vệ bản thân chưa đủ thì sẽ rất dễ bị bắt nạt, dụ dỗ từ những đối tượng khác.

Đặc biệt, các em dễ dàng bị dụ dỗ, bị lộ hình ảnh hoặc thông tin nhạy cảm của bản thân. Khi bị đe dọa, các em dễ dàng bị kiểm soát hoặc thực hiện một số hành vi theo kẻ xấu. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của trẻ và nó mở đường cho nhiều nguy cơ khác như lạm dụng tình dục, sử dụng hình ảnh bất hợp pháp…

Nghiện game cũng chính là một trong những ảnh hưởng “nhãn tiền” mà trẻ gánh chịu khi cha mẹ “thả” con sử dụng điện thoại di động quá sớm và không hướng dẫn sử dụng phù hợp. Nhiều em bỏ học, có hành vi chống đối xã hội, tương tác trong gia đình, học tập giảm sút…

Gặp nhiều vấn đề tâm lý

Tương tự, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Minh Khuyên (chuyên khoa Tâm thần kinh - Trị liệu tâm lý, phòng khám Bệnh viện ĐH Y Dược 1) cũng cho biết thời gian gần đây, độ tuổi bệnh nhân gặp vấn đề tâm lý và những vấn đề khác do ảnh hưởng của mạng xã hội ngày càng trẻ hóa.

Theo bác sĩ Khuyên, khi trẻ càng nhỏ, nhận thức càng yếu thì việc bị bắt nạt, dụ dỗ hay dễ bị cuốn theo các trào lưu trên mạng xã hội càng dễ. Biểu hiện thường thấy là trẻ sẽ lo lắng thất thường, đi ra đường sợ có người theo dõi, sợ bạn hay những kẻ xấu chặn đường…

Khi trẻ sử dụng điện thoại di động và lên mạng xã hội sớm, những kẻ xấu sẽ kết bạn, làm quen dụ dỗ các em. “Ví dụ, mới đây một học sinh lớp 5 bị dụ dỗ chụp ảnh, quay clip nhạy cảm với lời mời dẫn đi thi những cuộc thi sắc đẹp nhí. Muốn đi thi họ sẽ kiểm tra hình thể, vóc dáng và các em dễ dàng tin lời, chụp hình khỏa thân, quay clip nhạy cảm của mình gửi đi. Khi có những hình ảnh này, kẻ xấu sẽ dùng để đe dọa, khống chế trẻ để tống tiền hoặc tấn công tình dục. Những hành vi này người lớn cũng dễ gặp phải, mà với trẻ thì việc kháng cự, ý thức bảo vệ bản thân càng thấp thì càng dễ bị dụ dỗ”, bác sĩ Khuyên nói.


Nhưng cũng vì mạng xã hội, trẻ không chỉ trở thành nạn nhân mà cũng có thể trở thành người đi bắt nạt người khác. Trẻ đứng ra lập nhóm để bắt nạt, ăn hiếp, cô lập bạn trong lớp, trong trường hay người quen của mình…

Làm sao để bảo vệ trẻ trước mạng xã hội ?

Tháng 4.2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có khuyến cáo không nên cho trẻ em tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá sớm.

Bác sĩ Toàn Thiện cho biết theo nhiều khuyến cáo thì không nên cho trẻ dưới 3 tuổi sử dụng các thiết bị điện tử. Nếu tiếp xúc với thiết bị công nghệ quá sớm sẽ có nguy cơ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ vì thói quen tương tác một chiều.

Từ độ tuổi tiểu học, các em có thể sử dụng để phục vụ mục đích học tập, tuy nhiên cha mẹ vẫn phải hướng dẫn, kèm cặp và định hướng con cả về thời gian lẫn nội dung sử dụng.

Tương tự, theo bác sĩ Trần Minh Khuyên, không nên cho trẻ sử dụng thiết bị di động và mạng xã hội quá sớm, trong trường hợp để trẻ sử dụng máy tính, điện thoại cho việc học thì cha mẹ cần có định hướng và kiểm soát phù hợp. Không cho con sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ, không để con sử dụng thiết bị công nghệ ở phòng riêng, quản lý con theo giờ sử dụng.

Hằng ngày, cha mẹ cũng nên dành thời gian trò chuyện, quan sát thái độ tâm lý của con, phải làm bạn được với con. Nếu thấy con có những biểu hiện tâm lý bất thường thì cha mẹ cần phải hỏi han, chia sẻ để biết được những vấn đề của con để hỗ trợ kịp thời…

Theo Nguyễn Loan (TNO)

Có thể bạn quan tâm

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.