Hạt gạo Việt Nam đón “lộc” đầu Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đây là tín hiệu vui cho cả doanh nghiệp và nông dân trong tình hình sắp bước vào thu hoạch lúa đông xuân- vụ sản xuất chính trong năm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Những tiền đề tốt

Trong năm 2009, nước ta đã xuất khẩu được 6.006.697 tấn gạo, một con số kỷ lục. Theo dự báo riêng của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong năm nay, vụ đông xuân ở ĐBSCL có thể dành ra 3 triệu tấn gạo cho xuất khẩu, vụ hè thu 2 triệu tấn, vụ thu đông là 400 ngàn tấn. Nếu cộng thêm với khoảng 1,5 triệu tấn gạo tồn kho từ năm 2009 chuyển sang, thì nước ta có thể có tới 6,9 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu trong năm 2010.

Ngay từ những ngày đầu năm 2010, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã ký được nhiều hợp đồng mới. Ðến nay, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán 2,38 triệu tấn gạo và dự kiến, ngay trong quý I/2010, các doanh nghiệp sẽ giao khoảng 1,47 triệu tấn gạo.

Philippines cũng đã thông báo Việt Nam trúng thầu đợt 3 tháng 12/2009 với số lượng 586.554 tấn gạo. Thời gian giao số gạo này được ấn định từ tháng 3 đến tháng 6/2010.

Việc thắng thầu với khối lượng gạo xuất khẩu sang các thị trường lớn trong quý I/2010 là thắng lợi bước đầu nâng đỡ thị trường trong nước theo hướng có lợi cho người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Được biết, trong tháng 1/2010, cả nước ta đã xuất khẩu được 338.081 tấn gạo, đạt kim ngạch 154.721.485 USD. Tính ra, giá xuất bình quân trong tháng đầu tiên của năm nay đạt 457 USD/tấn, cao hơn tới 46 USD/tấn so với giá xuất khẩu bình quân của cả năm 2009.

Nhờ xuất khẩu gạo đang được giá, cộng với những hợp đồng xuất khẩu giá cao ký hồi cuối năm 2009, mà giá lúa gạo hàng hoá ở ĐBSCL hiện đang ở mức khá tốt. Ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng…, nông dân thu hoạch lúa đông xuân sớm đang bán lúa chất lượng cao với giá 5.600-6.000 đ/kg. Lúa phẩm cấp thấp IR 50404 cũng đang có giá từ 5.300-5.500 đ/kg, giá lúa thơm Jasmine hiện đang ở mức 6.500 đ/kg. Như vậy, nhìn chung giá lúa đông xuân hiện nay đang cao hơn khá nhiều so với mức mà ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, đã dự báo và cam kết: tối thiểu 4.500 đ/kg và có thể lên tới 5.500 đ/kg. Nếu mức giá này được giữ vững trong cả vụ Đông Xuân tới, nông dân có thể thu lời từ 50-60%, do giá thành chỉ vào khoảng 2.000- 2.500 đ/kg.

Để “lộc” tiếp tục phát triển

Mặc dù vậy, chúng ta không được chủ quan, vẫn phải tiếp tục hỗ trợ nông dân giữ vững giá lúa và ổn định thị trường tiêu thụ. Theo Tổ chức Nông – Lương Liên Hợp Quốc, trong những tháng đầu năm 2010, dự trữ gạo trên thế giới đang khá dồi dào, đáp ứng được 27% nhu cầu tiêu dùng gạo trên toàn cầu trong năm nay.

Chính vì vậy, thị trường gạo thế giới hiện đang tương đối trầm lắng. Khách hàng hỏi mua không nhiều. Giá gạo xuất khẩu vì vậy đã có những biến động lúc lên lúc xuống.

Ngay từ đầu tháng 2/2010, trong một chỉ đạo về tổ chức xuất khẩu gạo trong năm 2010 và ổn định thị trường lúa gạo trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành liên quan, VFA, Tổng công ty Lương thực miền Nam và Tổng công ty Lương thực miền Bắc triển khai công tác dự báo, điều hành.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông tính toán, công bố dự báo sản lượng có thể dành cho xuât khẩu ngay trong tháng 2 này. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các NHTM đảm bảo nguồn vốn cho doanh nghiệp vay thu mua lúa gạo ngay từ đầu năm…

Phó Chủ tịch VFA Phạm Văn Bảy cho biết, VFA đang thúc đẩy các doanh nghiệp hội viên thực hiện thu mua và giao hàng đối với những hợp đồng đã ký. VFA cũng sẽ có biện pháp can thiệp nếu giá lúa giảm mạnh (do sức mua kém).

Cụ thể, nếu giá lúa có chiều hướng giảm, VFA sẽ phân bổ cho các doanh nghiệp thành viên thu mua hết cho nông dân, nhằm đảm bảo không để giá lúa xuống thấp hơn 4.000 đồng/kg.

Một Phó Chủ tịch khác của VFA là Nguyễn Thọ Trí cũng cho biết, VFA đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ nông dân sản xuất lúa. Trước nhất là yêu cầu các doanh nghiệp thành viên tổ chức lực lượng thương lái và các nhà máy xay xát trên địa bàn hoạt động trở thành vệ tinh của doanh nghiệp xuất khẩu.

Doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua lúa từ thương lái với mức giá chênh lệch nhất định so với giá thu mua của nông dân. Sự hợp tác này nhằm hạn chế tối đa việc thương lái ép giá nông dân.

VFA cũng đã thành lập quỹ đầu tư, hỗ trợ nông dân và hoạt động ngay trong năm 2010. Mục tiêu của quỹ là hỗ trợ công tác nghiên cứu, sản xuất lúa giống xác nhận cung cấp cho nông dân với mức 1 USD/tấn lúa xuất khẩu.

Quỹ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân vay không lãi suất (hoặc hỗ trợ lãi suất) để đầu tư xây dựng hệ thống liên hoàn gồm: sấy lúa, xay xát, kho bảo quản... hiện đại nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ cho nông dân có thông tin để đàm phán về giá với thương lái, VFA hỗ trợ 1.300 xã ở khu vực sản xuất lúa gạo trọng điểm phía Nam mỗi xã một số máy vi tính có nối mạng internet để người dân cập nhật các thông tin về thị trường, giá cả trong lẫn ngoài nước.

                                                                                                                                        
 






Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.