Gỡ vướng giải phóng mặt bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đường dây 220 kV Xekaman 1-Pleiku 2 (phần trên lãnh thổ Việt Nam) được đầu tư xây dựng nhằm truyền tải công suất của các Nhà máy Thủy điện Xekaman 1, Xekaman San-xay, Xekong 3 Thượng, Xekong 3 Hạ phía Lào về Việt Nam, tạo nguồn cung cấp cho các phụ tải ngày càng tăng ở Việt Nam. Trên địa phận tỉnh ta, đường dây đi qua các huyện: Chư Pah, Ia Grai và TP. Pleiku. Hiện tại, công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng dự án đã chậm so với kế hoạch.
 

 Công nhân Truyền tải điện 3 thi công trên công trường cụm Pleiku 2.
Công nhân Truyền tải điện 3 thi công trên công trường cụm Pleiku 2.

Cho tới nay, các thủ tục về phê duyệt đơn giá bồi thường, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án tại địa phương vẫn chưa hoàn thành. Trong khi đó, theo kế hoạch, toàn bộ mặt bằng sạch của dự án phải được bàn giao cho nhà thầu thi công trước ngày 15-3-2016. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 381/CĐ-TTg gửi UBND tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam về việc giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng công trình đường dây 220 kV Xekaman 1-Pleiku 2.

Công điện của Thủ tướng nêu rõ, để bảo đảm tiến độ vận hành dự án đường dây 220 kV Xekaman 1-Pleiku 2 đồng bộ với tiến độ vận hành dự án Nhà máy Thủy điện Xekaman 1 (Lào), UBND các tỉnh Gia Lai và Kon Tum trực tiếp chỉ đạo các sở, ngành, các cấp chính quyền địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục về phê duyệt đơn giá bồi thường, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án nhằm đảm bảo bàn giao toàn bộ mặt bằng các vị trí móng còn lại của dự án cho nhà thầu đúng thời hạn. Không để phát sinh nhà cửa, công trình trong hành lang tuyến đường dây đã được các địa phương thỏa thuận; có biện pháp xử lý cương quyết đối với những trường hợp cố tình cản trở việc thi công công trình.

Theo đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Công văn số 723/UBND-CNXD chỉ đạo UBND các huyện: Chư Pah, Ia Grai và TP. Pleiku khẩn trương phối hợp với Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, phê duyệt hoặc trình phê duyệt phương án để tổ chức bồi thường kịp thời, đảm bảo tiến độ thi công dự án. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân nơi có tuyến đường dây đi qua không được xây dựng, cơi nới nhà, vật kiến trúc, trồng cây trong hành lang tuyến đường dây đã được kiểm kê, thỏa thuận và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với những trường hợp cố tình cản trở thi công công trình.

Dự án đường dây 220 kV Xekaman 1-Pleiku 2 có tổng mức đầu tư hơn 966 tỷ đồng, sử dụng vốn vay tín dụng thương mại và vốn tự có của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT). Đây là các dự án thuộc danh mục lưới điện cấp bách đã được Chính phủ phê duyệt cùng với tiến độ thi công hoàn thành đồng bộ với tiến độ phát điện Nhà máy Thủy điện Xekaman 1 (Lào). Đường dây đi qua các huyện: Ngọc Hồi, Sa Thầy, TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum) và các huyện Chư Pah, Ia Grai, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai). Đây là một trong những dự án quan trọng nằm trong các dự án cụm Pleiku 2 (gồm: dự án trạm biến áp 500 kV Pleiku 2; dự án lắp máy biến áp 500/220 kV tại trạm 500 kV Pleiku 2, đấu nối 220 kV và dự án đường dây 220 kV Xekaman 1-Pleiku 2).

Ông Nguyễn Đức Tuyển-Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung, cho biết: Tổng mức đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng, các dự án cụm Pleiku 2 là dự án lưới điện cấp bách giai đoạn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao cho Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung thay mặt EVNNPT quản lý dự án. Theo đó, dự án đường dây 220 kV Xekaman 1-Pleiku 2  được đầu tư xây dựng nhằm truyền tải điện công suất của các Nhà máy Thủy điện Xekaman 1, Xekaman San-xay, Xekong 3 Thượng, Xekong 3 Hạ phía Lào về Việt Nam, cung cấp cho các phụ tải ngày càng phát triển ở Việt Nam, đồng thời liên kết lưới điện góp phần đảm bảo phát triển năng lượng bền vững trong điều kiện hội nhập quốc tế.

 Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Giá hồ tiêu xuất khẩu tăng 66,4%

Giá hồ tiêu xuất khẩu tăng 66,4%

(GLO)- Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong tháng 1-2025, Việt Nam đã xuất khẩu 13 ngàn tấn hồ tiêu, trị giá 87 triệu USD (giảm 25,6% về lượng nhưng tăng 23,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024).

Sầu riêng Việt Nam lâm nguy

Sầu riêng Việt Nam lâm nguy

Sầu riêng từng được ví như loại trái "tỷ đô" với kim ngạch xuất khẩu liên tiếp phá kỷ lục nhiều năm nhưng lại đang phải trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có khi sản lượng xuất khẩu giảm tới 80% trong những tháng đầu năm.

Tạo bứt phá trong sản xuất công nghiệp

Tạo bứt phá trong sản xuất công nghiệp

(GLO)- Việc nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp chủ lực, thúc đẩy thị trường tiêu thụ, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu… là những giải pháp quan trọng để ngành công nghiệp của tỉnh Gia Lai tăng trưởng nhanh trong năm 2025.