Gỡ "nút thắt" cho doanh nghiệp vận tải Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ ngày 1-4 tới, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô sẽ chính thức có hiệu lực thi hành (thay thế Nghị định số 86/CP/2014/NĐ-CP). Theo nhận định của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, Nghị định số 10 sẽ tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh vận tải.
Siết chặt quản lý taxi công nghệ, xe hợp đồng
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 5 hãng taxi (Mai Linh Gia Lai, Sun, Tiên Sa, Phố núi, Hùng Nhân) đang hoạt động với 557 phương tiện. Bên cạnh đó còn có một số phương tiện taxi công nghệ hoạt động. Phần lớn trong số này là các phương tiện taxi truyền thống đăng ký thêm dịch vụ taxi công nghệ (chủ yếu là Grab taxi). Do vậy, chi phí chi trả dịch vụ giữa 2 loại hình xe taxi này gần như không có sự khác biệt.
Quy định mới tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP được đánh giá là sẽ giúp tạo sự cạnh tranh sòng phẳng hơn giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Ảnh: ĐỨC THỤY
Quy định mới tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP được đánh giá là sẽ giúp tạo sự cạnh tranh sòng phẳng hơn giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Ảnh: ĐỨC THỤY
Theo Nghị định số 10, kể từ ngày 1-4, xe taxi nếu không gắn hộp đèn có chữ “TAXI” cố định trên nóc xe (với kích thước tối thiểu 12 cm x 30 cm) thì phải dán cố định cụm từ “XE TAXI” (kích thước tối thiểu là 6 cm x 20 cm) làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe. Ông Nguyễn Bá Minh-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kế hoạch-Tài chính-Vận tải (Sở Giao thông-Vận tải) cho rằng: “Quy định này sẽ góp phần định hình rõ các phương tiện kinh doanh dịch vụ taxi, là cơ sở để thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các phương tiện kinh doanh dịch vụ này. Xe taxi công nghệ sẽ không còn nằm “ngoài luồng” với taxi truyền thống. Đây là yếu tố quan trọng tạo sự cạnh tranh công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ”.
Nghị định số 10 cũng quy định rõ về tính cước đối với xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe. Theo đó, đồng hồ tính tiền trên xe taxi phải được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì, phải có thiết bị in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe. Riêng xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi thì tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số. “Ngoài đảm bảo quyền lợi chính đáng cho khách hàng, quy định này còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thuế trong quản lý hoạt động của doanh nghiệp”-ông Minh cho biết thêm.
Quy định này nhận được sự đồng thuận cao từ phía các đơn vị kinh doanh taxi truyền thống bởi đã xóa bỏ nỗi “ấm ức” trước một loại hình kinh doanh “cùng nhân, khác vỏ”, lách luật, né thuế để lấy lợi thế về giá áp đảo taxi truyền thống. Theo bà Trần Thị Ánh-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Gia Lai: “Nghị định số 10 với những quy định cụ thể sẽ tạo sân chơi sòng phẳng hơn cho taxi truyền thống và taxi công nghệ”. Tương tự, ông Trần Văn Ba-Giám đốc điều hành Công ty TNHH một thành viên Quang Tiến (Taxi Phố núi) cho biết: “Hiện nay, tất cả các phương tiện của Taxi Phố núi đều đã được trang bị biển hiệu xe taxi, dán logo, lắp đặt đồng hồ tính tiền theo các nội dung quy định tại Nghị định số 10”.
Ngoài ra, Nghị định số 10 còn siết chặt hoạt động cho thuê xe cá nhân. Theo đó, cá nhân kinh doanh vận tải buộc phải đăng ký thành viên hợp tác xã, phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã…
Minh bạch trong hoạt động
Ông Nguyễn Hồng Hải-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Gia Lai-cho rằng: Nghị định số 10 đã tháo nhiều “điểm nghẽn” cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Trong đó, nổi bật là bỏ quy định số lượng xe tối thiểu của doanh nghiệp vận tải. “Với điều kiện như tỉnh ta, quy định này rất phù hợp bởi nhu cầu thật sự không quá lớn, doanh nghiệp vận tải đa phần quy mô nhỏ và vừa. Nếu áp số lượng phương tiện như quy định cũ sẽ hạn chế phần nào hoạt động của doanh nghiệp nhỏ”-ông Hải nói.
Công ty Đức Đạt Thành Gia Lai lắp đặt camera trên phương tiện giúp thuận lợi trong quá trình điều hành. Ảnh: L.H
Công ty Đức Đạt Thành Gia Lai lắp đặt camera trên phương tiện giúp thuận lợi trong quá trình điều hành. Ảnh: L.H
Cũng theo ông Hải, ở loại hình vận tải hành khách từ 9 chỗ ngồi trở lên, từ năm 2021 sẽ phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả tài xế và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Theo đó, dữ liệu hình ảnh từ camera được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra Giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 km; tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km. “Thực tế, một số doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc thực hiện ngay việc lắp camera trên phương tiện. Điều đó cho thấy tinh thần chủ động vào cuộc của doanh nghiệp”-ông Hải đánh giá.
Công ty TNHH một thành viên Đức Đạt Thành Gia Lai là một trong những đơn vị tiên phong đầu tư lắp đặt camera trên toàn bộ 19 phương tiện xe khách đang hoạt động. “Mỗi xe chúng tôi lắp 7 mắt camera quan sát, ghi dữ liệu. Chi phí lắp đặt cho mỗi xe vào khoảng 20 triệu đồng. Không chỉ giúp quan sát được tài xế, nhân viên phục vụ trong suốt hành trình mà camera còn giúp nhà xe hạn chế được một số trường hợp phức tạp như mất cắp tài sản, tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình vận chuyển… Camera cũng gián tiếp tạo áp lực để tài xế, nhân viên làm việc chỉn chu hơn. Do vậy, dù năm 2021 mới chính thức áp dụng quy định này nhưng nhà xe chúng tôi đã bắt tay thực hiện ngay”-ông Trần Văn Uông-Giám đốc Công ty Đức Đạt Thành Gia Lai-cho hay.
 LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.