Giảm thuế giá trị gia tăng chia sẻ khó khăn, nuôi dưỡng nguồn thu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 94/2023/NĐ-CP chỉ có hiệu lực trong 6 tháng đầu năm 2024. Liên quan đến việc triển khai, phóng viên Báo Gia Lai đã cuộc trao đổi với ông Trần Quang Thành-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Gia Lai. 
Ông Trần Quang Thành-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Ông Trần Quang Thành-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Gia Lai. Ảnh:Đức Thụy

*P.V: Việc thực hiện chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng trong các năm qua được ghi nhận như thế nào, thưa ông?

Ông TRẦN QUANG THÀNH: Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là một trong số sắc thuế lớn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tổng thu nội địa do cơ quan Thuế quản lý. Việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT có tác động trực tiếp ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế góp phần giảm giá hàng hóa, giảm chi phí trực tiếp cho người dân cũng như giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19, ngày 11-1-2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Chính phủ ban hành các nghị định quy định chính sách giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% xuống còn 8%.

Năm 2022, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện giảm 2% thuế suất thuế GTGT phát sinh đầu ra hơn 496 tỷ đồng cho 9.230 lượt người nộp thuế. Năm 2023, thực hiện giảm 2% thuế suất thuế GTGT, với số thuế GTGT giảm thu vào ngân sách là 130 tỷ đồng.

Các chính sách hỗ trợ người nộp thuế đã tiếp thêm động lực để người dân, doanh nghiệp phục hồi phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tích cực đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước. Ảnh: Sơn Ca

Các chính sách hỗ trợ người nộp thuế đã tiếp thêm động lực để người dân, doanh nghiệp phục hồi phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tích cực đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước. Ảnh: Sơn Ca

*P.V: Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và các chính sách hỗ trợ người nộp thuế đã mang lại hiệu quả gì nền kinh tế và cho nguồn thu ngân sách, thưa ông?

Ông TRẦN QUANG THÀNH: Trong năm 2023, Cục Thuế tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách hỗ trợ người nộp thuế như giảm thuế GTGT, giảm 30% tiền thuê đất, giảm lệ phí trước bạ đã ảnh hưởng giảm thu ngân sách 715 tỷ đồng. Từ những diễn biến của tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm qua cho thấy, mặc dù có nhiều điểm sáng tích cực song tốc độ phục hồi tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu kỳ vọng đề ra. Trong bối cảnh đan xen giữa các yếu tố thuận lợi và khó khăn, việc thực thi chính sách giảm thuế GTGT và các chính sách hỗ trợ về thuế khác đã góp phần giảm bớt áp lực về mặt tài chính cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Chính từ số tiền thuế được giảm, giãn, gia hạn không chỉ tiếp sức cho người nộp thuế vượt qua thử thách, mà còn mang ý nghĩa chia sẻ, động viên đúng như tinh thần "khoan thư sức dân". Đây là một trong những yếu tố quan trọng tái tạo nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu, góp phần đưa kết quả tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh thực hiện năm 2023 đạt 5.519 tỷ đồng, đạt 102,4% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 97,5% dự toán HĐND tỉnh giao. Trừ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, thì kết quả thu do cơ quan thuế thực hiện là 4.427 tỷ đồng, đạt 109% dự toán Bộ Tài chính và đạt 106,4% dự toán HĐND tỉnh giao.

Chính sách giảm thuế GTGT góp phần giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: Sơn Ca

Chính sách giảm thuế GTGT góp phần giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: Sơn Ca

*P.V: Năm 2024 là năm thứ ba tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng, Cục Thuế tỉnh sẽ làm gì để đạt mục tiêu kép, thưa ông?

Ông TRẦN QUANG THÀNH: Với tiền đề kinh nghiệm triển khai và kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ người nộp thuế các năm qua, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28-12-2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024 đến hết ngày 30-6-2024, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị Chi cục nhanh chóng triển khai thực hiện chính sách theo đúng quy định, thông tin kịp thời đến người nộp thuế. Song song với việc triển khai thực hiện chính sách giảm thuế GTGT, Cục Thuế tỉnh bám sát kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nắm chắc các diễn biến của thị trường, của nền kinh tế có khả năng tác động tăng, giảm nguồn thu ngân sách. Từ đó đề ra các giải pháp quản lý, khai thác kịp thời các nguồn thu có tiềm năng cho ngân sách, bù đắp các khoản giảm thu do thực hiện chính sách giảm thuế GTGT.

Cục Thuế tỉnh tin tưởng rằng, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp đồng bộ các sở, ban, ngành, địa phương với ngành Thuế trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước sẽ đạt mục tiêu kép: vừa đảm bảo thực hiện tốt chính sách, vừa đảm bảo dự toán thu ngân sách theo chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.