Giải bài toán nâng cao kim ngạch xuất khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước diễn biến bất lợi về tình hình xuất khẩu, nhất là khi 2 tháng gần đây khối lượng mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh, UBND tỉnh đã cùng với ngành Công thương tổ chức hội nghị bàn các giải pháp đẩy mạnh xuất-nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Đâu là nguyên nhân?

Nếu như năm 2014 được xem là một năm bội thu của ngành xuất khẩu với kim ngạch đạt đến 620 triệu USD (bằng 206% so với kế hoạch, tăng gấp 2,39 lần so với năm 2013) thì năm 2015 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chỉ còn 310 triệu USD. Bước sang năm 2016, sau 8 tháng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 245,47 triệu USD (phấn đấu của cả năm đạt 400 triệu USD). Đáng nói là trong 2 tháng gần đây, khối lượng mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh, trong đó mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cà phê liên tục gặp bất lợi.

 

Công nhân Công ty Olam đang sơ chế hạt điều. Ảnh: Minh Quang
Công nhân Công ty Olam đang sơ chế hạt điều. Ảnh: Minh Quang

Theo ông Nguyễn Văn Thành-Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hoa Trang Gia Lai, thời gian qua thị trường cà phê diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp lớn phá sản, đa phần không chủ động thị trường, thiếu thông tin và bị thao túng bởi những thế lực “đầu cơ”. Mặt hàng cà phê không gặp phải tình trạng “được mùa mất giá” hay “được giá mất mùa” như các mặt hàng khác mà phụ thuộc vào trạng thái của các nhà xuất khẩu Việt Nam, nên có năm mất mùa nhưng giá vẫn thấp và ngược lại. Vì thế sản lượng xuất khẩu của các công ty không ổn định. Chính vì vậy, việc nắm bắt thông tin không chính xác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu, khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ nặng. Theo chia sẻ của ông Thành, vụ mùa 2013-2014 tổng doanh thu của Công ty đạt gần 2.000 tỷ đồng, doanh thu xuất khẩu trên 70 triệu USD, nhưng niên vụ 2014-2015 giảm xuống còn 25 triệu USD, tổng doanh thu là 1.500 tỷ đồng.

Cũng là mặt hàng chủ lực xuất-nhập khẩu, sản lượng mì lát cũng bị ảnh hưởng lớn. Theo ông Lê Viết Chín-Chủ doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi, giá mì lát xuất khẩu giảm mạnh từ 250 USD/tấn xuống còn 170 USD/tấn, nên giá trị kim ngạch xuất khẩu so với những năm trước giảm đáng kể. Bên cạnh đó, nguồn hàng nông sản thu mua từ Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) giảm mạnh do hàng hóa chịu nhiều loại phí và phí quá cao. Chẳng hạn phí cân ở những tỉnh khác chỉ 2.000 đồng/tấn nhưng ở đây lại cao hơn nhiều lần. Điều này khiến lượng lớn nông sản từ các tỉnh lân cận biên giới Campuchia-Gia Lai chuyển đi các cửa khẩu khác.

 

Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 40 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu. Trong đó, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chiếm khoảng 40%; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông sản chiếm đến 70-80% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, mặt hàng chủ lực là cà phê, cao su, mì lát, hồ tiêu, chè…

Cần những giải pháp hữu hiệu

Thừa nhận kim ngạch xuất khẩu giảm so với những năm trước có một phần nguyên nhân chủ quan từ phía tỉnh, ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, phải tập trung tháo gỡ, khắc phục khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tiếp tục phát huy thế mạnh, phấn đấu đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu để đạt mục tiêu đặt ra.

Hiện tỉnh có hơn 3.300 doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ quá nhiều (trên 90%) là lý do khiến kim ngạch xuất khẩu yếu. Không riêng gì tỉnh mà trên cả nước việc doanh nghiệp tìm kiếm phát triển thị trường mới vẫn còn hạn chế, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là thô... Chính vì vậy, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, doanh nghiệp phải tham gia nhiều hội nghị, hội thảo, hội chợ… để nắm bắt cơ hội và tiếp cận thông tin hiệu quả hơn. Đồng thời, đẩy mạnh chế biến sâu, nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ông Nguyễn Đức Hoàng cũng yêu cầu Sở Công thương làm việc với Ban Quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Các đơn vị như: Thuế, Ngân hàng, Hải quan, Biên phòng… tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất-nhập khẩu thuận lợi.

Đẩy mạnh kim ngạch xuất-nhập khẩu là bài toán khó trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh những động thái tích cực từ tỉnh và các sở, ban ngành, các doanh nghiệp cũng chủ động, tìm hướng đi mới. Theo ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, hiện Công ty đang có dự án xây dựng nhà máy cà phê hòa tan, nếu đi vào hoạt động sẽ mang lại hiệu quả cao. Bởi, hiện giá xuất khẩu cà phê hòa tan khá cao, khoảng 200.000 đồng/kg. Còn ông Nguyễn Văn Thành-Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hoa Trang Gia Lai đề xuất tỉnh nên nghiên cứu hình thành một hợp tác xã cà phê nhằm đảm bảo an toàn cho người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu. Những hợp tác xã này giúp nông dân tìm đầu ra, vay vốn hoặc thu mua sản phẩm, tránh để người nông dân bị mất hàng, vỡ nợ do cơ sở thu mua phá sản…

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.