(GLO)- Theo Kế hoạch số 766/KH-UBND ngày 25-8-2020 của UBND tỉnh Gia Lai về phát triển kinh tế tập thể, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung khuyến khích phát triển các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác trên các ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh. Qua đó, tạo động lực phát triển kinh tế tập thể, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Đa dạng lĩnh vực
Toàn tỉnh hiện có 224 HTX nông nghiệp với trên 8.000 thành viên, vốn điều lệ đăng ký gần 181 tỷ đồng; chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thủy nông, phân bón, bảo vệ thực vật, thú y, chăn nuôi... Một số HTX hoạt động mạnh và có hiệu quả như: HTX Nông nghiệp Nam Yang (huyện Đak Đoa) với sản phẩm hồ tiêu hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA (Mỹ); HTX Nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện) đang xây dựng cánh đồng lúa lớn, sản xuất gạo; HTX Nông nghiệp Tân Tiến (huyện Ia Pa) và HTX Nông-Lâm nghiệp và Dịch vụ vận tải Yang Nam (huyện Kông Chro) đang xây dựng cánh đồng lớn trên cây mì và cây mía...
Cánh đồng lớn của HTX Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện). Ảnh: Hà Duy |
Lĩnh vực vận tải thu hút được 25 HTX với hơn 200 thành viên tham gia, vốn điều lệ đăng ký khoảng 63 tỷ đồng. Lĩnh vực thương mại hiện có 11 HTX với 77 thành viên, vốn điều lệ đăng ký trên 8 tỷ đồng. Lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp có 9 HTX với 63 thành viên và vốn điều lệ đăng ký là 24,3 tỷ đồng. Lĩnh vực xây dựng có 6 HTX với 58 thành viên, vốn điều lệ đăng ký trên 47 tỷ đồng. Lĩnh vực du lịch có 1 HTX gồm 16 thành viên, vốn điều lệ đăng ký 7,2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 6 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động ổn định với gần 7.800 thành viên, tổng nguồn vốn trên 345 tỷ đồng (vốn huy động từ thành viên gần 116 tỷ đồng); lãi bình quân hàng năm khoảng 690 triệu đồng/quỹ tín dụng nhân dân. Các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động dưới sự quản lý và giám sát của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, quỹ tín dụng nhân dân là kênh huy động vốn và cho vay rất hiệu quả ở khu vực nông thôn, góp phần hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi.
Để các HTX hoạt động có hiệu quả, các sở, ngành đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Từ đầu năm tới nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại không thực hiện được. Theo đó, Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành chuyên môn hỗ trợ các HTX, thành viên thay đổi phương thức bán hàng từ trực tiếp qua thương mại điện tử trên nền tảng các mạng xã hội như Zalo, Facebook...”.
Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ HTX như hướng dẫn xây dựng, bảo hộ, phát triển các sản phẩm chủ lực thế mạnh của tỉnh, giới thiệu kết nối cung-cầu công nghệ đối với các ứng dụng khoa học và kỹ thuật mới, tiên tiến, hỗ trợ các HTX thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020; xây dựng sản phẩm đặc trưng, đạt chứng nhận OCOP.
Tạo động lực đổi mới tư duy cho nông dân
Mặc dù có sự sôi động và phát triển nhất định trong khu vực kinh tế tập thể, song lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn yếu về quản trị, kế toán, xây dựng kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh; đa số HTX khó khăn về vốn, hạn chế về công nghệ sản xuất, chế biến...
“Hợp tác xã Nông nghiệp Thống Nhất thành lập đầu năm 2018 với 25 thành viên. Các thành viên chủ yếu là nông dân trồng lúa, trình độ còn hạn chế, cán bộ có trình độ cao nhất của HTX chỉ là trung cấp. Chúng tôi mong HTX sẽ có thêm nhiều cán bộ có trình độ cao để xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động có tính chiến lược, dài hơi, nhằm đưa HTX phát triển mạnh hơn trong tương lai”-ông Rcom Gát-Giám đốc HTX Nông nghiệp Thống Nhất (thị xã Ayun Pa) chia sẻ.
Theo Kế hoạch số 766/KH-UBND ngày 25-8-2020 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trên các ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích thành viên. Cùng với đó là định hướng phát triển kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; khuyến khích đổi mới sáng tạo liên kết chuỗi giá trị bằng mô hình HTX, thành lập các Liên hiệp HTX nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của địa phương, xây dựng và phát triển sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng giao các sở, ngành tích cực hỗ trợ các HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa, sử dụng giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng tốt, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật theo tiêu chuẩn an toàn và kết nối sản xuất với tiêu thụ; tạo điều kiện để HTX tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển HTX...
HÀ DUY