Gia Lai siết chặt kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, lực lượng chức năng của tỉnh Gia Lai đã tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhằm kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn (ảnh đơn vị cung cấp).

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn (ảnh đơn vị cung cấp).

Thuốc BVTV là vật tư không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Việc sử dụng thuốc BVTV góp phần bảo vệ cây trồng trước sự tấn công của sâu bệnh nhưng cũng dễ gây độc cho con người và môi trường, nhất là việc sử dụng các loại thuốc có chứa hoạt chất cấm.

Thượng tá Nguyễn Trung Hiển-Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh) cho biết: Mới đây, lực lượng chức năng đã phát hiện vụ việc liên quan đến sản xuất, mua bán thuốc BVTV chứa hoạt chất glyphosate, một chất tạo ra thuốc diệt cỏ. Loại hoạt chất này rất độc hại đối với sức khỏe con người.

Tại Việt Nam, hoạt chất này được đưa ra khỏi danh mục cho phép kinh doanh và cấm sử dụng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ 2 tấn hoạt chất glyphosate. Qua điều tra, Công an tỉnh xác định các đối tượng đã nhập máy móc, nguyên liệu về để sản xuất thuốc BVTV bằng cách đổ glyphosate vào chai làm dạng thuốc nước và giả các thương phẩm có trên thị trường của các thuốc diệt cỏ cho phép lưu hành để đưa đi tiêu thụ. Ngay sau đó, Công an tỉnh đã bắt tạm giam 2 đối tượng để tiếp tục điều tra mở rộng.

Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Sở đã hướng dẫn cho người dân sử dụng thuốc BVTV an toàn và cấm sử dụng các loại có hoạt chất cấm. Hàng năm, đơn vị bố trí nguồn kinh phí khoảng 350 triệu đồng để phân tích các mẫu nông sản qua đó xác định dư lượng hóa chất độc hại trong nông sản, trong đó có hoạt chất glyphosate.

Dù chưa phát hiện các loại nông sản nhiễm hóa chất độc hại, nhưng đây là việc làm thường xuyên và ngành tiếp tục bố trí nguồn kinh phí để kiểm nghiệm mẫu nhằm tránh những thiệt hại cho ngành nông nghiệp địa phương.

Theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 9-9-2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các thuốc BVTV có chứa hoạt chất glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu và chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 30-6-2021 tại Việt Nam. Quá thời hạn này, các doanh nghiệp còn tồn đọng sản phẩm có chứa hoạt chất này buộc phải tiến hành tiêu hủy theo các quy định hiện hành.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 39 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, 70 cơ sở kinh doanh phân bón và 635 cơ sở vừa kinh doanh phân bón vừa kinh doanh thuốc BVTV. Thời gian qua, cơ quan chức năng và nhà sản xuất đã tổ chức nhiều chương trình và cung cấp tài liệu hướng dẫn người dân sử dụng thuốc an toàn, giảm lượng dùng nhưng không làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Các lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm soát thị trường kinh doanh thuốc BVTV nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển các loại thuốc không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.

Người dân xã Ia Sao, huyện Ia Grai phun thuốc phòng trừ bệnh cho cây cà phê. Ảnh: Vũ Thảo

Người dân xã Ia Sao, huyện Ia Grai phun thuốc phòng trừ bệnh cho cây cà phê. Ảnh: Vũ Thảo

Hàng năm, lượng thuốc BVTV sử dụng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 1.550 tấn (gồm các loại thuốc sâu, thuốc bệnh, thuốc trừ cỏ). Trong đó, lượng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học sử dụng gần 565 tấn, chiếm 36%; lượng thuốc BVTV hóa học khoảng 985 tấn, chiếm 64%.

Ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh-thông tin: Trong 6 tháng đầu năm, Cục đã kiểm tra 159 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV. Trong đó, đã phát hiện và xử lý 59 vụ vi phạm, xử phạt hơn 87 triệu đồng, buộc tiêu hủy 2.119 chai thuốc trừ cỏ.

Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: không duy trì đầy đủ các điều kiện về buôn bán thuốc BVTV theo quy định; người trực tiếp bán thuốc BVTV không có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành thuốc BVTV; kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng; buôn bán, vận chuyển thuốc BVTV không có tên trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; buôn bán thuốc BVTV không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV và không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật.

Để siết chặt công tác quản lý, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo bà con nông dân cần cẩn trọng khi mua thuốc BVTV, ghi nhớ các thông tin trên bao bì sản phẩm hoặc giữ lại mẫu bao bì để làm vật chứng khi có vấn đề về chất lượng. Khi nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu khả nghi về chất lượng sản phẩm cần báo ngay cho cơ quan chức năng. Đặc biệt, bà con nông dân nên tìm hiểu và chọn đúng sản phẩm thuốc BVTV chất lượng, thân thiện môi trường và dùng đúng cách để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn cho người dùng.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.