Gia tăng giá trị cho sản phẩm
Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đều trồng các loại cây ăn quả như: sầu riêng, bơ, mít, xoài, nhãn, thanh long, cam, bưởi da xanh, chanh dây, dứa, chuối… Hiện toàn tỉnh có hơn 29.016 ha cây ăn quả với sản lượng ước đạt 417.192 tấn/năm. Diện tích cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP) hơn 19.565 ha, trong đó có gần 9.186 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP (hơn 8.527 ha của doanh nghiệp, hơn 617 ha của các hợp tác xã và hơn 40 ha của người dân).
Từ năm 2018 đến nay, Gia Lai được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp 94 mã số vùng trồng với diện tích hơn 6.346 ha, 22 mã số cơ sở đóng gói trái cây phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước: Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Mỹ, Trung Quốc…
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Để phát huy tiềm năng, lợi thế, tỉnh đã xây dựng các vùng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất cây ăn quả theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng.
Bước đầu, một số mô hình liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ sản xuất với các doanh nghiệp tiêu thụ đã phát huy hiệu quả, xây dựng được chuỗi giá trị cây ăn quả đối với sản phẩm chuối tiêu hồng, chuối già hương Nam Mỹ, chanh dây, dứa, xoài, mít, thanh long…
Công nhân DOVECO Gia Lai chế biến chanh dây. Ảnh: Thảo Nguyên |
Gia Lai có các nhà máy chế biến lớn như: Nhà máy chế biến rau quả của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO Gia Lai) với công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy sơ chế, chế biến, đóng gói trái cây tươi và trái cây cấp đông IQF của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai với công suất 36.500 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy chế biến trái cây Quicornac của Công ty DIVAFRUIT S.A với công suất 15.000 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy chế biến sản phẩm trái cây của Công ty Vật tư tổng hợp Hưng Nguyên với công suất 341 tấn sản phẩm/năm.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hàng trăm cơ sở chế biến sản phẩm trái cây sấy dẻo và sấy giòn quy mô nhỏ của các hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Các nhà máy chế biến nông sản đi vào hoạt động từng bước tạo mối liên kết theo chuỗi giá trị, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn phục vụ xuất khẩu hàng hóa.
DOVECO Gia Lai là doanh nghiệp tiên phong đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất hiện đại, khép kín với công suất 300 tấn nguyên liệu chanh dây, 500 tấn dứa và 200 tấn xoài/ngày, cùng hàng trăm tấn chuối, bơ, thanh long, bắp ngọt, đậu bắp, khoai lang…
Ông Đinh Văn Tĩnh-Phó Giám đốc DOVECO Gia Lai-cho biết: “Năm 2022, sản lượng hàng xuất khẩu của Công ty ước đạt 40.000 tấn, kim ngạch 90 triệu USD. Sản phẩm của Công ty đã có mặt tại nhiều quốc gia. Trong đó, thị trường châu Âu chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty. Để đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu cho sản xuất, Công ty đã tự trồng, liên kết với các hợp tác xã, thu mua qua doanh nghiệp, đại lý trên địa bàn với diện tích hơn 6.500 ha. Công ty đang tiếp tục liên kết mở rộng vùng nguyên liệu, đồng thời nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng thị trường”.
Với Công ty TNHH một thành viên Thương mại-dịch vụ Thái Sơn Tây Nguyên (Cụm Công nghiệp Diên Phú, TP. Pleiku) dù chưa xuất khẩu nhưng các sản phẩm chế biến từ nông sản đã chiếm lĩnh thị trường nội địa. Ông Phạm Việt Hùng-cố vấn cấp cao của Công ty-chia sẻ: “Hàng nông sản qua chế biến sâu sẽ tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn, giúp người nông dân nâng cao thu nhập.
Bởi vậy, năm 2006, Công ty quyết định đầu tư dây chuyền chế biến nông sản. Trải qua 6 năm, quy mô đã phát triển nhiều lần. Hiện nay, nhà máy chế biến nông sản sấy khô của Công ty có công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm với các sản phẩm trái cây sấy, hạt dưa, hạt hướng dương. Thị trường tiêu thụ được mở rộng ra nhiều tỉnh thành, sản lượng tiêu thụ hơn 1.000 tấn sản phẩm/năm”.
Triển vọng mở rộng thị trường
Theo ông Phạm Việt Hùng, hiện nay, nhiều đối tác có nhu cầu nhập hàng của Thái Sơn Tây Nguyên, nhưng do công suất của nhà máy nhỏ nên sản lượng chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Do vậy, Công ty đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng thêm các nhà máy ở khu vực Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung. “Để đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng vùng trồng dưa lấy hạt ngay tại địa phương. Mục tiêu sẽ phát triển diện tích khoảng 1.000 ha với sản lượng khoảng 4.000 tấn sản phẩm/năm để phục vụ chế biến, hướng đến xuất khẩu trong tương lai. Theo tính toán của chúng tôi, với giá thu mua hiện tại, 1 ha có thể đem lại thu nhập 50 triệu đồng (sản xuất 1 vụ trong vòng 3 tháng). Để sản xuất 1 ha cần ít nhất 4 lao động. Như vậy, nếu trồng 1.000 ha thì sẽ tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động”-ông Hùng thông tin.
Chế biến hạt dưa tại Công ty TNHH một thành viên Thương mại-dịch vụ Thái Sơn Tây Nguyên (TP. Pleiku). Ảnh: Thảo Nguyên |
Lĩnh vực chế biến trái cây sấy khô, sấy dẻo, trà, tinh dầu... cũng thu hút nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã tham gia. Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (huyện Mang Yang) chia sẻ: Hợp tác xã có các sản phẩm tinh cốt chanh dây, ruột chanh dây cấp đông, tinh dầu chanh dây, tinh dầu hạt chanh dây, trà detox chanh dây, chanh dây sấy dẻo. Chế biến sâu là hướng đi giúp gia tăng giá trị cho cây ăn quả. Hợp tác xã đã liên kết với các hộ thành viên và hộ nông dân trồng hơn 100 ha chanh dây theo tiêu chuẩn GlobalGAP. “Với nhu cầu rất lớn của đối tác trong và ngoài nước về các mặt hàng chế biến này thì nếu có đủ điều kiện về máy móc, thiết bị và nâng cao được công suất, Hợp tác xã sẽ góp phần tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân”-bà Thơm cho hay.
Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Ngành công nghiệp đang phát triển theo hướng tăng tỷ trọng chế biến, chế tạo lên trên 60% giá trị toàn ngành. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án thu hút đầu tư lĩnh vực chế biến, trong đó, một số nhà máy chế biến trái cây với công suất lớn đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao phục vụ xuất khẩu. Ước tính kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến từ trái cây hiện đạt hơn 100 triệu USD mỗi năm. Đây là một mặt hàng xuất khẩu mới trong khoảng vài ba năm gần đây, nhưng sẽ là một trong những mặt hàng chủ lực đóng góp kim ngạch lớn cho tỉnh trong tương lai khi hiện nay nhu cầu của nước ngoài rất lớn, đặc biệt là thị trường EU”.
Tại các buổi làm việc với nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh khẳng định Gia Lai có rất nhiều tiềm năng phát triển cây ăn quả và đang phấn đấu trở thành “thủ phủ” cây ăn quả trong tương lai. Tỉnh đã triển khai đề án phát triển cây ăn quả qua việc tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao nhằm thúc đẩy việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ một số loại cây ăn quả. Tỉnh cũng đang kêu gọi nhiều dự án nhà máy chế biến sâu để đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng các nhu cầu của thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Theo Đề án “Phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040”, tỉnh phấn đấu mở rộng diện tích cây ăn quả lên khoảng 55.000 ha vào năm 2025; đến năm 2030 đạt khoảng 90.000 ha và định hướng đến năm 2040 đạt khoảng 100.000 ha.
Cùng với đó, tỉnh chuyển dịch cơ cấu từ sản phẩm thô sang sản phẩm chế biến tinh; khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng và nâng cấp trang-thiết bị để đa dạng hóa sản phẩm chế biến sâu, chế biến tổng hợp nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao như sản phẩm đông lạnh, đóng hộp, chiên sấy, nước trái cây tự nhiên, nước trái cây cô đặc, thực phẩm giàu dinh dưỡng và mỹ phẩm, các sản phẩm quả lên men, các loại ô mai, mứt… phục vụ thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển như EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản…