Gia Lai khép lại kỳ “vượt vũ môn” thành công

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chiều 29-6, sau môn thi Ngoại ngữ, hơn 14.000 sĩ tử của tỉnh Gia Lai đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Với nhiều nỗ lực và quyết tâm, kỳ “vượt vũ môn” tại tỉnh đã khép lại đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Nhiều em vui mừng vì đang đến gần hơn với cánh cổng giảng đường đại học và mơ ước tương lai.

Kết thúc môn Ngoại ngữ, Gia Lai khép lại kỳ “vượt vũ môn” thành công. Ảnh: Đức Thụy
Kết thúc môn Ngoại ngữ, Gia Lai khép lại kỳ “vượt vũ môn” thành công. Ảnh: Đức Thụy

Gần thêm một bước đến ước mơ

Tiếng trống vang lên báo hiệu kết thúc giờ làm bài môn Ngoại ngữ. Tại 41 điểm thi, không khí căng thẳng trong suốt 2 ngày thi dường như được xóa nhòa sau khi môn thi cuối cùng khép lại.

Các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro) ra về trong tâm trạng phấn khởi. Ảnh: Ngọc Minh
Các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro) ra về trong tâm trạng phấn khởi. Ảnh: Ngọc Minh

Tương tự những năm trước, bài thi Ngoại ngữ gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút. Kỳ thi năm nay, ngoài Tiếng Anh, tỉnh Gia Lai có 17 thí sinh đăng ký dự thi môn Tiếng Trung, 2 thí sinh dự thi Tiếng Nhật, 3 thí sinh dự thi Tiếng Hàn.

Rời điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Mang Yang) sau môn thi cuối cùng, em Nguyễn Thảo Vân hào hứng: “Môn Tiếng Anh em làm bài khá tốt nhờ ôn luyện kỹ phần bài tập. Đây là môn thi tốt nhất của em so với các môn thi khác, em dự tính đạt khoảng 8 điểm. Em mong muốn sau này sẽ trở thành người năng động trong phát triển kinh tế. Vì vậy, vừa rồi em đăng ký thi vào Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng để thỏa mãn đam mê kinh doanh của mình”.

Em Nguyễn Tuấn Đạt (thí sinh tự do tại điểm thi Trường THPT chuyên Hùng Vương, TP. Pleiku) chia sẻ: Năm 2021, em có tham gia kỳ thi để xét tuyển đại học, nhưng không đỗ. Năm nay, em tiếp tục thi khối A01 với 3 môn: Toán, Vật lý, Tiếng Anh. Sau 2 ngày thi, em làm bài khá tốt, hy vọng có thể đỗ vào Trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần (Bộ Công an).

Thí sinh Đỗ Tấn Đạt (bìa trái; điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku) cho rằng đề thi Tiếng Anh năm nay khá dễ, không khó để các bạn lấy điểm trên trung bình. Ảnh: Mộc Trà
Thí sinh Đỗ Tấn Đạt (bìa trái; điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku) cho rằng đề thi Tiếng Anh năm nay khá dễ, không khó để các bạn lấy điểm trên trung bình. Ảnh: Mộc Trà

Trong khi đó, nở nụ cười rạng rỡ, thí sinh Đỗ Tấn Đạt (điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku) cho hay: “Em hoàn thành hết 50 câu của đề thi, trong đó chắc chắn đúng tầm 45 câu. Em thấy đề Tiếng Anh năm nay khá dễ, không khó để các bạn lấy điểm trên trung bình”.

Hoàn tất kỳ “vượt vũ môn” sau 12 năm đèn sách, em Võ Thị Ly Ly (Trường THPT Trần Phú, huyện Chư Prông) vui vẻ cho hay: Em là con thứ 3 trong gia đình thuần nông. Từ bé, em đã ước mơ lớn lên sẽ làm cô giáo nên luôn nỗ lực để có thể hiện thực hóa ước mơ này. Với kết quả làm bài, Ly tự tin mình có thể trúng tuyển vào ngành Sư phạm.

Thí sinh Lê Thị Thùy Trinh (bìa trái; điểm thi Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai) mong ước trở thành cô giáo tiểu học. Ảnh: Ngọc Sang
Thí sinh Lê Thị Thùy Trinh (bìa trái; điểm thi Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai) mong ước trở thành cô giáo tiểu học. Ảnh: Ngọc Sang

“Nếu em đỗ đại học, đây thật sự sẽ là niềm vui lớn của bản thân và gia đình”-Ly nói. Cũng mong ước trở thành cô giáo, em Lê Thị Thúy Tình (điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Mang Yang) chia sẻ: “Vừa rồi em đăng ký vào Khoa Sư phạm Tiểu học-Trường Đại học Quy Nhơn. Qua 2 ngày thi, em đều hoàn thành tốt các môn. Em nghĩ mình đủ khả năng vào ngành học trên”.

Trong khi đó, em Trần Nguyễn Thanh Nhã (điểm thi Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Đak Đoa) cho biết, gia đình rất đặt kỳ vọng vào em. Nếu vượt qua kỳ thi này, Nhã sẽ đi du học tại Đức. “Hiện tại hồ sơ đã hoàn tất, sau khi thi tốt nghiệp THPT, em sẽ ra Hà Nội tiếp tục học thêm trong thời gian chờ kết quả của kỳ thi”-Nhã bày tỏ trong sự hân hoan.

Thí sinh Đinh Thị Phan (bìa trái; điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập, huyện Kông Chro) dự định sau khi đỗ tốt nghiệp sẽ vừa đi làm thêm, vừa học nghề. Ảnh: Ngọc Minh
Thí sinh Đinh Thị Phan (bìa trái; điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập, huyện Kông Chro) dự định sau khi đỗ tốt nghiệp sẽ vừa đi làm thêm, vừa học nghề. Ảnh: Ngọc Minh

Với một số thí sinh có hoàn cảnh quá khó khăn, đại học không phải là con đường rộng mở nên nhiều em đã lên kế hoạch cho tương lai với một ngã rẽ khác. Đơn cử như em Đinh Thị Phan (làng Hle Hlang, xã Yang Trung, huyện Kông Chro; điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập).

Mồ côi cha mẹ từ năm 12 tuổi, em được người cô ruột cưu mang. Tuy nhiên, gia cảnh của cô cũng nghèo khó nên ngoài thời gian đi học, Phan cố gắng phụ giúp thêm việc nhà, việc nương rẫy. Dưới sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, bà con hàng xóm và người cô ruột, Phan luôn nỗ lực trong học tập để hiện thực hóa ước mơ trở thành cô giáo mầm non dạy học cho lũ trẻ trong làng. Trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phan được Huyện Đoàn Kông Chro và các Mạnh Thường Quân hỗ trợ 700 ngàn đồng. Số tiền này đã giúp em có chi phí đi lại, ăn uống trong suốt thời gian thi.

“Cô nghèo lắm nên chỉ lo cho em ăn học được hết THPT. Vậy nên em dự định sau khi đỗ tốt nghiệp, em sẽ vừa đi làm thêm, vừa học nghề. Sau này, nếu điều kiện cho phép, em mới dám nghĩ tới mơ ước học lên đại học”-Phan thủ thỉ.

Em Bùi Thị Thu Thủy (bìa trái; điểm thi Trường THPT Trần Quốc Tuấn, huyện Phú Thiện) không có kế hoạch học lên đại học mà chọn học nghề làm đẹp tại Đà Nẵng sau kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: Vũ Chi
Em Bùi Thị Thu Thủy (bìa trái; điểm thi Trường THPT Trần Quốc Tuấn, huyện Phú Thiện) không có kế hoạch học lên đại học mà chọn học nghề làm đẹp tại Đà Nẵng sau kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: Vũ Chi

Tại điểm thi Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Thiện), các thí sinh đều thở phào nhẹ nhõm sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng. Nhiều tốp học sinh tự thưởng cho mình những ly trà sữa mát lạnh, ngồi tâm sự, chia sẻ về những dự định cho tương lai.

Em Bùi Thị Thu Thủy vui vẻ cho biết: Tiếng Anh không phải là thế mạnh của em nhưng chiều nay em làm bài khá tốt, khép lại một kỳ thi tốt nghiệp tương đối nhẹ nhàng. Tuy nhiên, em không có kế hoạch học lên đại học hay cao đẳng, bởi gia đình em không quá khá giả. Việc lo kinh phí cho chị gái em học đại học đã quá sức với cha mẹ rồi. Trước khi kỳ thi diễn ra, em đã tâm sự với bố mẹ về ước mơ học nghề làm đẹp của mình và được bố mẹ ủng hộ. Dự kiến sau kỳ thi, em sẽ nghỉ ngơi khoảng nửa tháng rồi ra Đà Nẵng học nghề. Hy vọng, sau khi ra nghề em sẽ có thể mở một cửa tiệm nhỏ kiếm thu nhập phụ giúp gia đình.

An toàn, đúng quy chế

Với tinh thần nỗ lực và quyết tâm cao, kỳ “vượt vũ môn” tại tỉnh đã khép lại đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Trao đổi nhanh với P.V sau khi kết thúc buổi thi cuối, ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Chủ tịch Hội đồng thi-cho biết: “Đến thời điểm này, có thể nói rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh Gia Lai đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và thành công tốt đẹp. Để có kết quả này, ngoài sự nỗ lực của ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, các địa phương đã tham gia rất tích cực. Năm nay, các địa phương đã huy động được hơn 930 triệu đồng để giúp đỡ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn”.

Trung tá Ksor H'Bơ Khắp (hàng trước; thứ 3 từ trái sang)-Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai kiểm tra công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại các điểm thi ở thị xã An Khê. Ảnh: Lê Anh
Trung tá Ksor H'Bơ Khắp (hàng trước; thứ 3 từ trái sang)-Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai kiểm tra công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại các điểm thi ở thị xã An Khê. Ảnh: Lê Anh

Trung tá Trần Văn Trung-Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh), thành viên Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh-thông tin thêm: Được sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc Công an tỉnh, trong những ngày thi vừa qua, lực lượng Công an toàn tỉnh đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. An ninh, an toàn tại các điểm thi được đảm bảo tuyệt đối, không để xảy ra vấn đề, vụ việc phức tạp gây ảnh hưởng đến kỳ thi.

Trong 2 ngày thi, 40/41 điểm thi trên địa bàn tỉnh đều có lực lượng tình nguyện viên túc trực, sẵn sàng hỗ trợ, tiếp sức cho thí sinh trong hành trình “vượt vũ môn”. Theo thông tin của Ban Chỉ đạo chương trình “Tư vấn-Tiếp sức mùa thi” cấp tỉnh, từ ngày 27 đến 29-6, các đội hình tình nguyện đã hỗ trợ miễn phí hơn 12.000 chai nước suối, 1.350 dụng cụ học tập; hơn 500 suất ăn; hơn 1.400 khẩu trang y tế; bố trí 852 chỗ ở miễn phí, 240 lượt xe ôm miễn phí. Cùng với đó, các tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh đã trao 2.490 suất quà, học bổng cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Các tình nguyện viên của điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) chuẩn bị món ăn Tokbokki động viên tinh thần cho sĩ tử sau khi kết thúc kỳ "vượt vũ môn". Ảnh: Lam Nguyên
Các tình nguyện viên của điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) chuẩn bị món ăn Tokbokki động viên tinh thần cho sĩ tử sau khi kết thúc kỳ "vượt vũ môn". Ảnh: Lam Nguyên

Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Trưởng ban Chỉ đạo chương trình “Tư vấn-Tiếp sức mùa thi” tỉnh năm 2023-cho hay: “Để đảm bảo cho hoạt động tư vấn-tiếp sức diễn ra nghiêm túc, thuận lợi, Ban Chỉ đạo đã đi kiểm tra ở tất cả điểm thi. Theo đó, các tình nguyện viên đều năng nổ, nhiệt tình, giúp đỡ thí sinh bằng những hoạt động thiết thực. Các đội hình tình nguyện đã linh hoạt triển khai những hoạt động tiếp sức phù hợp với địa phương như: nấu cơm, hỗ trợ thí sinh khuyết tật, đưa đón thí sinh đến trường thi… Các hoạt động trên đã góp phần để kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn, chất lượng.

Năm nay, theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn kiểm tra đến từ 2 trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh và Đại học Xây dựng miền Trung với 105 thành viên đã tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức cũng như thanh tra công tác coi thi của Hội đồng thi tỉnh Gia Lai.

Tiến sĩ Trần Đình Lý-Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, Trưởng Đoàn kiểm tra-đánh giá: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại tỉnh Gia Lai diễn ra nghiêm túc và có sự chuẩn bị rất chu đáo, chuyên nghiệp. Trong quá trình tổ chức, kiểm tra công tác coi thi, chúng tôi thấy được tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của các thầy-cô tham gia kỳ thi. 41 điểm thi đều thực hiện nghiêm túc và không có sai sót đáng kể. Sau khi hoàn thành chấm thi, hy vọng các thí sinh sẽ đạt được kết quả tốt nhất.

Theo kế hoạch, ngày 30-6, công tác chấm thi sẽ được tiến hành và dự kiến kết thúc vào ngày 12-7. Kết quả thi sẽ được công bố vào ngày 18-7.

Thí sinh trao đổi bài sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng. Ảnh: Nguyễn Diệp

Thí sinh trao đổi bài sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng. Ảnh: Nguyễn Diệp

Trong buổi thi môn Ngoại ngữ, toàn tỉnh 13.807/13.845 thí sinh dự thi môn Tiếng Anh (vắng 38 em). Riêng Tiếng Trung, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn, thí sinh dự thi đầy đủ. Buổi thi diễn ra bình thường, không có cán bộ coi thi và thí sinh vi phạm Quy chế thi.

Sau 2 ngày thi, tại 41 điểm thi11 trường hợp giáo viên và 8 học sinh mắc một số bệnh thông thường. Nhìn chung, các trường hợp sau xử trí sức khỏe ổn định, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ coi thi và tham gia dự thi.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm