Gia Lai: Giá cả thị trường đảm bảo ổn định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngay sau khi Gia Lai ghi nhận 5 ca dương tính lần 1 với vi rút SARS-CoV-2, sức mua hàng hóa tại các chợ dân sinh và siêu thị trên địa bàn đã bắt đầu “nóng” lên. Tuy nhiên, không còn cảnh tranh nhau mua hàng như những lần trước, người dân chỉ mua sắm đủ dùng.


Hàng hóa dồi dào, sức mua tăng mạnh

Trong 2 ngày 30 và 31-1, lượng người đến Siêu thị Co.op Mart Pleiku mua sắm tăng mạnh, chủ yếu là các mặt hàng phòng dịch và nhu yếu phẩm như: mì tôm, bún, phở, dầu ăn, thực phẩm tươi sống.

Bà Nguyễn Thị Vân (xã Ia Krai, huyện Ia Grai) cho hay: “Khi nghe tin Gia Lai có người nhiễm Covid-19, tôi tranh thủ đi siêu thị để mua sắm ít đồ dùng và thực phẩm đóng gói cho gia đình. Tuy nhiên, tôi chỉ mua theo nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, chứ không phải để tích trữ trong đợt dịch”. Theo bà Vân, trước đây, nhiều người đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ trong nhà và dùng không kịp, dẫn đến có sản phẩm hết hạn.

Còn theo bà Phạm Thị Hiền (tổ 1, phường Thống Nhất, TP. Pleiku), trong điều kiện tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nếu người dân cứ chen nhau đến các chợ, siêu thị mua hàng sẽ dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, với những dịch vụ giao hàng tận nơi của các siêu thị lớn sẽ hạn chế được việc tiếp xúc đông người. “Thay vì trước đây đi chợ hàng ngày thì nay 1 tuần mình đi 2 lần thôi”-bà Hiền nói.

 Mì tôm là một trong những mặt hàng được người dân tìm mua. Ảnh: Vũ Thảo
Mì tôm là một trong những mặt hàng được người dân tìm mua. Ảnh: Vũ Thảo


Bà Nguyễn Thị Diệu Trinh-Tổ trưởng Tổ Dịch vụ và Marketing Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho biết: Ngay khi nhận công điện khẩn của UBND tỉnh, Siêu thị bắt đầu kích hoạt lại các biện pháp phòng-chống dịch như: sát khuẩn toàn bộ khu vực siêu thị, nhân viên phải đeo kính chắn giọt bắn, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay cho khách hàng.

“Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, đơn vị cũng đã có phương án nhập thêm hàng để đưa lượng hàng dự trữ lên mức cao nhất, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Đặc biệt, thời điểm này, Siêu thị sẽ tăng cường dịch vụ giao hàng tận nơi để giúp khách hàng hạn chế việc đi lại, tránh tiếp xúc nơi đông người”-bà Trinh nói thêm.

Tại các chợ Hoa Lư, Phù Đổng, Trà Bá… các quầy thịt, cá đã đông đúc người mua ngay từ sáng sớm trong 2 ngày qua. Bà Thái Thị Hồng Trà-tiểu thương chợ Hoa Lư (TP. Pleiku) cho biết: “Sức tiêu thụ đã tăng nhanh ngay khi có thông tin về dịch bệnh. Lượng khách quen đến mua sắm với số lượng lớn hơn, bình quân mỗi người mua 2-3 ký thịt, thay vì trước đó họ chỉ mua từ vài lạng đến 1 ký”.

Sở dĩ lượng bán ra tăng, theo các tiểu thương đây là thời điểm cận Tết, nhu cầu mua thực phẩm cũng nhiều, cộng với việc người dân hạn chế đi chợ nên mỗi lần đi là tranh thủ mua nhiều hơn, chứ không phải họ sợ thiếu hàng mà mua tích trữ.

 Tại các quầy thịt người dân mua rất đông. Ảnh: Vũ Thảo
Rất đông người dân tìm mua thịt tại các chợ. Ảnh: Vũ Thảo


Trái với cảnh nhộn nhịp ở các sạp hàng thực phẩm tươi sống và nhu yếu phẩm, các quầy bánh mứt trong chợ rất vắng khách hàng. Theo bà Phạm Thị Lan (lô 7, nhà lồng Trung tâm Thương mại Pleiku), lẽ ra thời điểm này là bán rất đắt khách, nhưng 2 ngày thứ bảy và chủ nhật lại ế ẩm chưa từng thấy. Có lẽ do thông tin về dịch bệnh nên người dân ưu tiên mua sắm hàng thiết yếu trước.

Tăng cường kiểm soát thị trường

Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-đánh giá: “Qua kiểm tra cho thấy, hàng hóa rất dồi dào, giá cả ổn định, nhiều đơn vị còn triển khai các chương trình bình ổn giá. Sở Công thương yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục nhập hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, gây bất ổn thị trường”.

Theo bà Nguyệt, nhằm chủ động nguồn cung dự trữ, điều tiết giá hàng hóa, góp phần bình ổn thị trường, các doanh nghiệp đầu mối lớn đã có phương án phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng hóa thiết yếu dịp Tết Nguyên đán với tổng giá trị 15.680 tỷ đồng.

Ngoài tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả, cung ứng hàng hóa trên thị trường, riêng trong ngày 30-1, Cục Quản lý Thị trường tỉnh cũng đã vận động 119 hộ kinh doanh cam kết niêm yết giá đầy đủ, bán đúng giá niêm yết, bán hàng hóa phải có đầy đủ chứng từ nguồn gốc, không găm hàng, đầu cơ, tích trữ.

Ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh-cho biết: “Các đội phụ trách địa bàn đã nhanh chóng cử lực lượng tuyên truyền nội dung niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không đầu cơ, găm hàng hay lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý trong thời gian phòng-chống dịch bệnh. Đồng thời, nắm bắt giá cả hàng ngày đối với các mặt hàng trang-thiết bị, vật tư y tế và thực phẩm để phục vụ công tác phòng-chống dịch. Qua nắm tình hình cho thấy, hàng hóa dồi dào, giá cả các mặt hàng ổn định, không có biến động về giá”.
 

 VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm

Ram 1500 Laramie: Khẳng định đẳng cấp xe bán tải

Ram 1500 Laramie: Khẳng định đẳng cấp xe bán tải

(GLO)- Ram 1500 Laramie là phiên bản cao cấp trong dòng bán tải Ram 1500, mang đến sự kết hợp giữa sức mạnh vượt trội và nội thất sang trọng. Không chỉ đáp ứng được nhu cầu công việc, Ram 1500 Laramie còn là lựa chọn lý tưởng cho những ai yêu thích sự tiện nghi và phong cách. 

Xe máy điện Honda ICON e đã có mặt tại thị trường Việt Nam với giá dưới 30 triệu đồng

Xe máy điện Honda ICON e đã có mặt tại thị trường Việt Nam với giá dưới 30 triệu đồng

(GLO)- Honda ICON e là mẫu xe máy điện hướng đến đối tượng học sinh với thiết kế cao cấp nhưng nhỏ gọn. Xe có mức giá dưới 30 triệu đồng, được phân phối tại thị trường Việt Nam với 3 phiên bản thể thao, đặc biệt và cao cấp cùng 6 lựa chọn màu sắc gồm xám, xanh, bạc, đen, đỏ xám và trắng xám.