Gia Lai chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tranh thủ thời gian nghỉ hè, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Gia Lai phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên tham gia giảng dạy lớp 7 và lớp 10 năm học 2022-2023. Hoạt động này nhằm giúp người dạy sử dụng hiệu quả các bộ sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được UBND tỉnh phê duyệt danh mục.
Lớp bồi dưỡng được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối đến 318 điểm cầu gồm: Sở GD-ĐT, nhà xuất bản các bộ sách: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo, 17 phòng GD-ĐT, 51 trường THPT, 234 trường THCS và 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên. Theo đó, ngày 22-7, Sở GD-ĐT phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản-Thiết bị giáo dục Việt Nam tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng SGK ở bộ sách Cánh diều. Từ ngày 25 đến 29-7, hoạt động này tiếp tục diễn ra ở 2 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và các bộ sách Tiếng Anh dưới sự hướng dẫn của các báo cáo viên thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Đà Nẵng. 
Thực hiện kế hoạch của Sở GD-ĐT, Trường THPT Pleiku đã triệu tập cán bộ quản lý và giáo viên toàn trường tham gia lớp bồi dưỡng sử dụng SGK lớp 10 mới. Thay vì để từng giáo viên tự vào lớp theo đường link, nhà trường đã bố trí máy móc, phương tiện để các thầy-cô tham gia tập trung tại trường theo từng tổ chuyên môn. Phó Hiệu trưởng Võ Thị Thanh Bình cho hay: Không chỉ riêng lớp 10, việc đổi mới SGK sẽ được triển khai theo lộ trình ở lớp 11 và 12 vào những năm học tiếp theo. Do đó, nhà trường xác định, tất cả giáo viên đều tham gia tập huấn. Để chuẩn bị cho năm học 2022-2023, ngoài chỉ đạo cho giáo viên tích cực, chủ động tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, nhà trường còn đưa toàn bộ tổ trưởng tổ chuyên môn về trực tiếp giảng dạy cho khối 10 trong năm học tới; từ đó có những chỉ đạo trực tiếp đối với các thành viên trong tổ cũng như tham mưu giúp Ban Giám hiệu nhằm triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 10.
Với 2 bậc học nên những ngày này, Trường THCS và THPT Phạm Hồng Thái (huyện Chư Păh) đã tập trung toàn bộ nhân lực để tham gia bồi dưỡng sử dụng SGK mới lớp 7 và lớp 10. Theo thầy Đỗ Quang Tuấn-Phó Hiệu trưởng nhà trường, nhà trường bố trí cho các giáo viên tham gia bồi dưỡng SGK lớp 10 tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi và lớp 7 tại Trường THCS thị trấn Phú Hòa. Trong đợt bồi dưỡng lần này, nhà trường ưu tiên những giáo viên dự kiến tham gia giảng dạy 2 khối lớp trên trong năm học tới; sau đó, những thầy-cô này sẽ về truyền đạt lại cho các thành viên khác trong tổ chuyên môn của mình để cùng nắm bắt.
Quang cảnh lớp bồi dưỡng sử dụng SGK lớp 7 và lớp 10 (bộ sách Cánh diều) tại điểm cầu Sở GD-ĐT. Ảnh: Mộc Trà
Quang cảnh lớp bồi dưỡng sử dụng SGK lớp 7 và lớp 10 (bộ sách Cánh diều) tại điểm cầu Sở GD-ĐT. Ảnh: Mộc Trà
Đối với giáo viên, đợt bồi dưỡng SGK lần này rất cần thiết, giúp họ nắm bắt cấu trúc, nội dung bài học và môn học, từ đó có thể xây dựng phương pháp giảng dạy phù hợp. Vừa hoàn thành lớp bồi dưỡng môn Sinh học (bộ SGK Cánh diều), cô Trương Thị Thanh Dung-Tổ trưởng Tổ Sinh học-Công nghệ (Trường THPT Pleiku) chia sẻ: “Ở môn Sinh học lớp 10, nội dung bài học có một số kiến thức mới, mở rộng hơn so với bộ sách cũ. Ngoài ra, còn có thêm chuyên đề học tập đi kèm SGK nhằm giúp học sinh hình dung được việc ứng dụng kiến thức lý thuyết đã học vào thực tiễn. Tại lớp bồi dưỡng, các báo cáo viên đã đưa ra những định hướng để giáo viên có thể tiếp cận với SGK cũng như triển khai giảng dạy một cách dễ dàng nhất”.
Còn thầy Phan Thế Nhuần-giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đỗ Trạc (xã Cửu An, thị xã An Khê) cho hay: “Khi tham gia bồi dưỡng, chúng tôi được nhà xuất bản giới thiệu khung chương trình, cấu trúc SGK và từng bài học, một số điểm mới so với bộ sách cũ; đồng thời, được xem các tiết dạy minh họa với bài học cụ thể trong sách. Với kinh nghiệm 17 năm dạy Toán và trên cơ sở nghiên cứu của bản thân, tôi sẽ tiếp tục phát huy những điểm ưu việt của phương pháp cũ, loại bỏ những cái chưa phù hợp để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao”.
Bên cạnh đó, một số giáo viên cho rằng, đợt tập huấn là cần thiết nhưng vẫn chưa đủ để bổ khuyết về mặt chuyên môn. Cô Vũ Thị Minh Toàn-giáo viên Trường THCS Trần Phú (phường Trà Bá, TP. Pleiku) bày tỏ: Năm học 2022-2023, tôi được nhà trường phân công dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 7. Khi tiếp cận với chương trình mới ở bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng tạo điều kiện cho chúng tôi được học tập thông qua một tài khoản trực tuyến. Tuy nhiên, quá trình này còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với giáo viên được phân công giảng dạy các môn tổ hợp như tôi. Trước đây, tôi chỉ được đào tạo chuyên ngành sư phạm Vật lý. Tuy nhiên, khi dạy Khoa học tự nhiên, tôi phải tích hợp thêm 2 môn Hóa học và Sinh học trong khi chưa qua đào tạo. Tôi mong muốn nhà trường và ngành GD-ĐT sẽ mở thêm những lớp bồi dưỡng khác về mặt chuyên môn để giáo viên có thể tiếp cận và triển khai thực hiện hiệu quả chương trình mới.
Lớp bồi dưỡng được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, kết nối đến 318 điểm cầu. Ảnh: Mộc Trà
Lớp bồi dưỡng được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, kết nối đến 318 điểm cầu. Ảnh: Mộc Trà
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định, để triển khai thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên phải thực hiện rất nhiều khâu quan trọng. Một trong số đó là giáo viên phải sử dụng thành thạo SGK; hiểu rõ, cặn kẽ từng nội dung, hoạt động và chuỗi hoạt động được thiết kế trong từng bộ sách và từng môn học cụ thể. Trên cơ sở danh mục SGK lớp 7 và lớp 10 được UBND tỉnh phê duyệt, Sở phối hợp với các công ty xuất bản, nhà xuất bản tổ chức các lớp bồi dưỡng trực tuyến nhằm giúp cán bộ quản lý, giáo viên khai thác và sử dụng hiệu quả SGK. 
“Sở đã chỉ đạo các đơn vị đặt điểm cầu chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, hệ thống mạng internet, ti vi, máy tính… đảm bảo kết nối trong suốt thời gian diễn ra đợt bồi dưỡng. Đồng thời, yêu cầu cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đầy đủ, tập trung, nghiêm túc, chuẩn bị học liệu, nắm bắt những thông tin cần thiết từ báo cáo viên và tại trang website do các công ty, nhà xuất bản cung cấp để sử dụng SGK một cách hiệu quả vào việc giảng dạy, đáp ứng được yêu cầu giáo dục tại địa phương và góp phần thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018”-ông Định cho biết.
MỘC TRÀ
 
 

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.