Theo thống kê của Sở Giao thông-Vận tải, trên 6 tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh có 2.916 điểm đấu nối với đường ngang dân sinh, trong đó có 1.988 điểm khu vực ngoài đô thị và 928 điểm trong đô thị. Còn tại 10 tuyến tỉnh lộ có 1.042 điểm đấu nối hiện hữu của đường ngang dân sinh, gồm 758 điểm khu vực ngoài đô thị và 284 điểm trong đô thị.
Đa số đường ngang, lối đi dân sinh này đều có kết cấu mặt đường thấp hơn so với mặt đường quốc lộ, tỉnh lộ nên độ dốc cao và có nhiều tuyến cua gấp khúc, tầm nhìn bị che khuất bởi địa hình, địa vật xung quanh. Tại một số điểm đấu nối, đơn vị quản lý đường bộ đã cắm biển báo chú ý nguy hiểm, hạn chế tốc độ nhưng nhiều người tham gia giao thông vẫn chủ quan, thiếu chú ý quan sát, lưu thông với vận tốc cao, dẫn đến các vụ va chạm và tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Hiện trường vụ va chạm giữa xe khách và xe máy xảy ra tại huyện Chư Pưh. Ảnh: Lê Anh |
Điển hình trong số các vụ tai nạn mà nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan của người tham gia giao thông là vụ việc xảy ra vào lúc 13 giờ 50 phút ngày 17-8 trên quốc lộ 14, đoạn qua huyện Chư Pưh.
Theo đó, vào thời điểm trên, xe khách BKS 47B-019.05 do tài xế Nguyễn Văn Phương (SN 1981, trú tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) điều khiển chạy theo hướng Gia Lai đi Đắk Lắk, trên xe có 18 người. Khi đến Km 1642, xe khách bất ngờ va chạm với xe máy BKS 68M2-8751 do bà Rlan H’Yet (SN 1983, trú tại làng Tao Kó, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) điều khiển chạy từ đường ngang dân sinh ra quốc lộ 14. Vụ tai nạn khiến xe ô tô bị lật nghiêng làm 18 người phải nhập viện, trong đó có bà H’Yet.
Qua điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn giao thông là do bà H’Yet thiếu chú ý quan sát, không giảm tốc độ, không nhường đường khi điều khiển xe máy từ đường ngang dân sinh ra quốc lộ.
Sau 5 ngày kể từ khi vụ tai nạn xảy ra, tất cả các nạn nhân ngồi trên xe khách BKS 47B-019.05 đều đã xuất viện. Riêng bà H’Yet nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não nặng, đa chấn thương. Bệnh nhân được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), thường diễn biến ngưng tim với tiên lượng xấu. Vì vậy, gia đình xin đưa bà về nhà. Sau đó, bà H’Yet đã tử vong tại nhà.
Về những ẩn họa từ các tuyến đường ngang dân sinh đấu nối với quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh, ông Hà Anh Thái-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải-cho biết: Sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tiến hành rà soát, thống kê số đường ngang dân sinh đấu nối với quốc lộ, tỉnh lộ và từng bước tổ chức cắm biển báo nguy hiểm, làm gờ giảm tốc tại nhiều điểm giao cắt giữa các tuyến thuộc phạm vi quản lý.
Đồng thời, Sở cũng đã đề nghị các địa phương tập trung rà soát, tổ chức cắm biển báo tại các điểm giao nhau giữa đường dân sinh với quốc lộ, tỉnh lộ và giải phóng hành lang an toàn giao thông trên các tuyến thuộc phạm vi quản lý để đảm bảo tầm nhìn được thông thoáng. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa thật sự quyết liệt triển khai.
Ngoài các vấn đề trên còn có tình trạng người dân và các tổ chức đấu nối đường nhánh vào các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ mà chưa được cơ quan chức năng cho phép, dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông.
“Thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ, chính quyền các địa phương kiểm tra, rà soát tại những vị trí đấu nối giữa đường ngang dân sinh và quốc lộ, tỉnh lộ có nguy cơ cao xảy ra va chạm, xung đột giao thông để bổ sung biển cảnh báo tai nạn và làm gờ giảm tốc độ.
Bên cạnh đó, các địa phương và lực lượng chức năng cần tuyên truyền nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông từ đường nhánh ra quốc lộ, tỉnh lộ, tránh trường hợp chủ quan dẫn đến tai nạn đáng tiếc xảy ra. Đồng thời, các địa phương cần bố trí kinh phí xây dựng các đường gom, hạn chế tình trạng đấu nối trực tiếp ra quốc lộ”-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải thông tin thêm.