Quang cảnh lễ bế mạc cuộc thi. Ảnh: Mộc Trà |
Theo đánh giá của Ban tổ chức, các dự án dự thi năm nay có sự đồng đều giữa các lĩnh vực; một số dự án có hàm lượng khoa học khá cao. Công tác tổ chức đánh giá các dự án đảm bảo khách quan, công tâm, công bằng.
Các tác giả, nhóm tác giả có phương pháp nghiên cứu khoa học, đầu tư theo chiều sâu. Minh chứng khoa học về quá trình nghiên cứu được thể hiện rõ trong hồ sơ đăng ký dự thi và sổ tay nghiên cứu khoa học của học sinh…
Về nội dung, nhiều dự án quan tâm đến vấn đề mang tính thời sự địa phương, môi trường, tâm-sinh lý và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, những thế mạnh về bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương hay tiềm năng du lịch của tỉnh trong tương lai cũng được học sinh khai thác để làm dự án.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 2 dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh Gia Lai tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: Mộc Trà |
Tuy nhiên, một số đơn vị tham gia dự thi chưa thật sự bám sát vào các quy định hướng dẫn để tổ chức thực hiện, như: hồ sơ chưa đảm bảo; thủ tục đăng ký dự thi, trình tự thủ tục phê duyệt dự án chưa đúng quy định; vẫn còn sử dụng những vật dụng không được phép trưng bày; giáo viên hướng dẫn nghiên cứu có năng lực chuyên môn chưa phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của dự án…
Thêm vào đó, một số dự án có kết quả phần thi đánh giá hồ sơ dự án rất ấn tượng nhưng vẫn còn hạn chế đáng kể trong phần thi đánh giá tại gian trưng bày và trả lời phỏng vấn.
Qua 3 ngày thi, Hội đồng Giám khảo đã lựa chọn được 37 dự án xuất sắc để Ban tổ chức trao giải, gồm: 5 giải nhất, 7 giải nhì, 12 giải ba và 13 giải tư.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long trao thưởng cho các dự án đạt giải nhì. Ảnh: Mộc Trà |
Theo đó, giải nhất đã thuộc về các dự án: “Đánh giá hiệu quả việc sử dụng bộ công cụ giáo dục kiến thức phòng tránh tai nạn thương tích dành cho trẻ em (từ 8-10 tuổi) vùng dân tộc thiểu số huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai” của học sinh Trường THPT Pleime (huyện Chư Prông); “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa và bảo vật quốc gia tỉnh Gia Lai thông qua bảo tàng ảo” của học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku); “Bít tất kháng khuẩn và khử mùi” của học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê); “Nghiên cứu bào chế một số sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh đường hô hấp từ các hoạt chất được tách chiết trong cây đại bi (Blumea Balsamifera)” và “Robots with artificial intelligence and internet of things connection in classifying waste” đều của học sinh Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku).
Ngoài ra, Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) cũng đã bình chọn và trao thưởng cho 50 dự án theo tiêu chí của trường; trong đó có 38 dự án tiềm năng (500.000 đồng/dự án), 7 dự án sáng tạo (900.000 đồng/dự án) và 5 dự án đặc biệt (1 triệu đồng/dự án).
PGS.TS Nguyễn Gia Như-Hiệu trưởng Trường Khoa học Máy tính (Trường Đại học Duy Tân-Đà Nẵng) trao thưởng cho 5 dự án đạt giải nhất cuộc thi (dự án đặc biệt). Ảnh: Mộc Trà |
Tại lễ bế mạc, Ban Tổ chức cũng đã công bố 2 dự án xuất sắc nhất đại diện cho tỉnh Gia Lai tham dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2023-2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024.