Gia Lai: 75 dự án tham gia Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 10

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 12-1, tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã khai mạc Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 10, năm học 2023-2024.

Dự lễ khai mạc có lãnh đạo Sở GD-ĐT, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Tỉnh Đoàn; đại diện các trường: Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), Đại học Khoa học Huế, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quy Nhơn, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh; Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại Gia Lai; lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT các địa phương và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định phát biểu khai mạc cuộc thi. Ảnh: Mộc Trà
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định phát biểu khai mạc cuộc thi. Ảnh: Mộc Trà

Cuộc thi năm nay có 147 học sinh thuộc 30 trường THPT và 10 phòng GD-ĐT tham gia “tranh tài” với 75 dự án (26 học sinh là người dân tộc thiểu số); 76 giáo viên hướng dẫn nghiên cứu.

Các dự án được chia thành 4 nhóm lĩnh vực gồm: Khoa học xã hội và hành vi (38 dự án); Hóa học, Hóa-Sinh, Khoa học thực vật, Vi sinh, Khoa học trái đất và môi trường, Y sinh và khoa học sức khỏe (13 dự án); Năng lượng Vật lý, Khoa học vật liệu, Kỹ thuật cơ khí, Phần mềm hệ thống (13 dự án); Rô bốt và máy thông minh, Sinh học trên máy tính và Sinh-Tin, Hệ thống nhúng (11 dự án).

Cuộc thi năm nay có 75 dự án thuộc 30 trường THPT và 10 phòng GD-ĐT tham gia “tranh tài”. Ảnh: Mộc Trà
Cuộc thi năm nay có 75 dự án thuộc 30 trường THPT và 10 phòng GD-ĐT tham gia “tranh tài”. Ảnh: Mộc Trà

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định cho hay: Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học được ngành GD-ĐT tỉnh tổ chức từ năm học 2014-2015. Qua 9 năm triển khai, phong trào nghiên cứu khoa học của học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh đã gặt hái được kết quả đáng trân trọng, có vị trí nhất định trong cả nước.

Năm nay, Ban Tổ chức cuộc thi đã có nhiều điểm mới để hoàn thiện về công tác tổ chức và đánh giá cuộc thi. Theo đó, công tác đánh giá hồ sơ dự án được chấm tập trung tại hội trường; công tác đánh giá gian trưng bày và phỏng vấn thực hiện trực tiếp tại nhà đa năng của Trường THPT chuyên Hùng Vương; đội ngũ giám khảo hoàn toàn là các nhà khoa học có trình độ cao và kinh nghiệm của 5 trường đại học: Duy Tân (Đà Nẵng), Quy Nhơn, Khoa học Huế, Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Giám đốc Sở GD-ĐT mong muốn các nhà khoa học dành hết tâm huyết chuyên môn và sự nhiệt tình trong công tác để đánh giá chính xác, khách quan, công bằng đối với tất cả các dự án dự thi; lựa chọn chính xác những dự án xuất sắc để Ban tổ chức trao giải, đồng thời chọn ra 2 dự án xuất sắc nhất để tham dự cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức vào tháng 3-2024.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công (thứ 5 từ trái sang) trao cờ lưu niệm cho các đơn vị có dự án tham gia cuộc thi. Ảnh: Mộc Trà
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công (thứ 5 từ trái sang) trao cờ lưu niệm cho các đơn vị có dự án tham gia cuộc thi. Ảnh: Mộc Trà

Tại lễ khai mạc, Ban tổ chức đã trao tặng cờ lưu niệm cho các đơn vị phối hợp, hỗ trợ, tài trợ tổ chức cuộc thi và những đơn vị có học sinh tham gia cuộc thi năm nay.

Được biết, cuộc thi lần này tiếp tục khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống; triển khai hiệu quả giáo dục tích hợp Khoa học-Công nghệ-Kỹ thuật-Toán; qua đó, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, đẩy mạnh giáo dục STEM và tạo nền tảng cho những hoạt động khởi nghiệp trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

Dù đã về hưu nhưng bà Siu H’Prưng vẫn lưu giữ bằng khen do Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng như một kỷ vật trong quãng đời làm nhà giáo. Ảnh: Vũ Chi

Nhà giáo về hưu: Vẫn một tình yêu da diết với nghề

(GLO)- Dù đã về hưu nhưng tình cảm với trường lớp, với học trò vẫn mãi trong tim các thầy, cô giáo. Lắng nghe chuyện nghề của các nhà giáo đã về hưu tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) giúp ta hiểu thêm về những hy sinh thầm lặng của các thầy cô với sự nghiệp “trồng người”.