Đó là nội dung trong tờ trình gửi Chính phủ của Bộ Công thương về việc phê duyệt đề án Quy hoạch điện phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8).
Cụ thể, Bộ Công thương cho biết, giá điện bình quân (quy về tỷ giá USD năm 2020) sẽ tăng dần từ mức 7,9 cent/kWh vào năm 2020 lên 8,4 - 9,4 cent/kWh vào năm 2030.
Hiện tại, theo Quyết định 648 của Bộ Công thương ngày 20.3.2019, giá điện bình quân chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng là 1.864,44 đồng/kWh (7,9 cent/kWh), nếu lên mức 8,4 - 9,4 cent/kWh, theo tỷ giá năm 2020 (khoảng 236 đồng/cent - PV), giá điện bình quân trong giai đoạn tới lên tương đương 1.982 - 2.218 đồng/kWh.
Ước tính giai đoạn 2031 - 2050, giá điện bình quân sẽ trong khoảng 10,8 - 11,4 cent/kWh.
Giá điện bình quân trong giai đoạn tới lên tương đương 1.982 - 2.218 đồng/kWh. Ảnh: Độc Lập |
Từ tính toán trên, Bộ Công thương cho rằng, so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, giá điện của Việt Nam tương đối thấp. Năm 2030, với mức giá điện dự kiến từ 8,4 - 9,4 cent/kWh vẫn thấp hơn giá điện hiện tại của Indonesia và Thái Lan. Dẫn chứng giá điện bình quân của một số nước theo tham khảo của Bộ Công thương như sau: Malaysia (6,69 cent/kWh), Indonesia (10,07 cent/kWh), Thái Lan (10,74 cent/kWh), Trung Quốc (8,43 cent/kWh), Nhật Bản (21,08), Nga (5 cent/kWh), Đức (32,27 cent/kWh), Mỹ (10,91 cent/kWh), Canada (12,44 cent/kWh)…
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đưa ra dự báo với giá điện gió trên bờ sẽ giảm từ 7,74 cent/kWh giai đoạn trước năm 2025 xuống mức 6,35 cent/kWh trước năm 2030 và xuống 5,72 cent/kWh sau năm 2040. Giá điện gió ngoài khơi cũng có thể giảm từ 11 cent/kWh hiện nay xuống 9 cent/kWh trước 2030 và xuống 6 cent/kWh sau 2040. Giá điện mặt trời có thể giảm xuống mức 5 - 6 cent/kWh trước 2030 và 4,8 cent/kWh sau 2040. “Thậm chí một số dự báo cho thấy giá các loại hình năng lượng tái tạo có thể giảm nhanh hơn nữa”, Bộ Công thương cho biết.
Ngoài ra, trong tờ trình, Bộ Công thương cũng cho hay, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện trong giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 106,3 - 143,8 tỉ USD. Trong đó, vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện khoảng 90,6 - 127,8 tỉ USD, tính trung bình mỗi năm khoảng 9,1 - 12,8 tỉ USD; vốn đầu tư cho lưới điện truyền tải khoảng 15,3 - 15,9 tỉ USD, trung bình mỗi năm khoảng 1,5 - 1,6 tỉ USD.
Theo NGUYÊN NGA (TNO)