Theo dòng chảy của lịch sử, nửa sau thế kỷ XVII, An Khê là nơi lớp cư dân người Việt đầu tiên đến khai hoang, lập ấp. Khi sinh sống trên vùng đất mới, họ đã mang theo truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa cộng đồng các dân tộc ở Gia Lai. Ngày nay, hình ảnh về gánh bầu gắn liền với các nghi thức cưới hỏi truyền thống mãi in đậm trong tâm trí của người Việt vùng An Khê.
Bầu được làm bằng tre, miệng túm, có nắp đậy, đáy bằng, phần đáy được gia cố 2 thanh gỗ chéo hình chữ thập làm chân bầu; bên ngoài thân bầu tạo những thanh tre bản dẹp đặt song song theo chiều thẳng đứng kết nối vành miệng và đáy tạo thành bộ khung sườn vững chắc; gờ miệng có 4 quai ở 4 góc để luồn dây khi gánh. Để làm được gánh bầu chắc chắn, có độ thẩm mỹ cao, người thợ phải chọn những thân tre già, thẳng, có độ cứng vừa phải. Tre được chẻ thành từng sợi nan bản dẹp khoảng 6-8 mm, vót mỏng, sau đó được hơ qua lửa hoặc gác giàn bếp một thời gian nhất định để vừa tạo màu vừa chống mối mọt. Người thợ sử dụng kỹ thuật đan nong đôi trong quá trình đan bầu. Với những sợi nan được chuốt láng, người thợ khéo léo, tỉ mỉ vừa đan vừa tạo hình những hoa văn sống động. Đan bầu khó hơn so với đan nong, nia, rổ, rá ở chỗ gầy đan mê sau đó đan giáp lại thành vòng tròn, khít mí giữa 2 mối giáp được xử lý một cách tinh tế, chỉ những người có tay nghề cao mới làm được.
Gánh bầu được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Xuân Toản |
Bầu sau khi hoàn thành có đường kính khoảng 40 cm, cao khoảng 30-35 cm. Việc tạo hoa văn cho đôi bầu không theo khuôn mẫu có sẵn mà phụ thuộc vào sự sáng tạo của người làm và yêu cầu của bên đặt hàng. Đôi lúc hoa văn được bố trí trên gờ miệng, đôi lúc thể hiện trên thân với nhiều đề tài khác nhau nhưng tập trung là các họa tiết hình học như hình thoi, tam giác, chữ thập… Gánh bầu có 2 loại: loại có hoa văn thường dùng để đựng lễ vật trong các nghi lễ cưới hỏi, loại không có hoa văn thì sử dụng cho việc buôn bán trong cuộc sống hàng ngày (bún, gạo, đậu, mè, cốm…) hoặc để cất giữ những vật dụng trong sinh hoạt như những chiếc tủ nhỏ.
Ông Phan Đình Tư (xã Xuân An, thị xã An Khê) cho biết: Ngày trước, chỉ những gia đình quan lại hoặc khá giả mới sở hữu gánh bầu, còn lại phải đi thuê hoặc chỉ sử dụng mâm quả đựng lễ vật đơn giản. Với mong muốn cho đôi vợ chồng trẻ được thuận buồm xuôi gió, thủy chung son sắt, việc gánh bầu phải do một người đảm nhiệm từ đầu đến cuối trong các lễ thức, không được thay đổi người gánh bầu, trừ trường hợp người gánh bầu đau ốm, bệnh tật.
Gánh bầu không làm sẵn để bán như một số mặt hàng đan lát khác, mà chỉ làm cho gia đình sử dụng hoặc khi có người đặt hàng. Sau ngày giải phóng, ở vùng An Khê, Đak Pơ, nhiều gia đình vẫn còn sử dụng đôi gánh bầu trong các lễ cưới hỏi. Đến thập niên 90 của thế kỷ trước thì giảm dần và hiện nay thì hầu như không gia đình nào còn sử dụng. Hơn nữa, ngày nay, nhiều vật dụng mới tiện nghi hơn được thay thế, một số nghi lễ trong cưới hỏi cũng giản lược, người thợ làm bầu cũng thưa dần nên số lượng gánh bầu ngày một ít.