Lễ cưới của người Jrai: Tôn vinh giá trị gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giá trị gia đình, tình nghĩa vợ chồng, trách nhiệm cá nhân và cộng đồng được đề cao trong lễ cưới truyền thống của người Jrai. Giá trị độc đáo ấy được người dân làng Kép (phường Đống Đa, TP. Pleiku) tái hiện trong sự kiện văn hóa du lịch mới đây, góp thêm một góc nhìn thú vị về đời sống tinh thần của người Jrai trong chiều dài lịch sử.

Các chàng trai, cô gái Jrai trước khi về chung một nhà đều trải qua những nghi thức truyền thống như hai bên gia đình gặp mặt, bố mẹ đồng ý ấn định ngày ăn hỏi và sau cùng là tổ chức lễ cưới. Trong quá trình ấy, không thể thiếu vai trò quan trọng của già làng. Phải được sự đồng ý, chứng nhận của già làng thì đôi trẻ mới chính thức trở thành vợ chồng.
 

   Người chủ lễ thực hiện các nghi thức trong lễ cưới truyền thống của người Jrai. Ảnh: Minh Châu
Người chủ lễ thực hiện các nghi thức trong lễ cưới truyền thống của người Jrai. Ảnh: Minh Châu


Trong lễ cưới, người chủ lễ thực hiện nghi thức cúng trời đất, thần núi, thần rừng, thần nước, thần ruộng và cuối cùng là cúng nhà rông. Với lễ vật là 1 ghè rượu, 1 con gà, 3 nắm cơm, 2 chiếc còng bằng đồng, 3 ống tre để đón rượu, chủ lễ gọi nữ thần mặt trời, gọi mẹ đất về chứng giám cho đôi nam nữ và 2 dòng họ: “Cầu cho cô dâu, chú rể có nhiều sức khỏe và sinh sống với nhau hiền hòa như nước. Trong ngày hôm nay, 2 người đã thành vợ thành chồng. Nhờ các vị thần núi, thần rừng, thần nước, thần ruộng giúp đỡ 2 vợ chồng; khi đi làm ruộng, làm nương làm rẫy, khi đi xúc cá, bắt cua luôn đi cùng nhau, không xa rời nhau; chồng vác cuốc, vợ mang gùi, chồng đi trước, vợ đi sau, ai bị ngã người kia phải kéo lên. Khi đi làm phải nói chuyện, đùa giỡn với nhau vui vẻ. Hôm nay, 2 vợ chồng đã ăn cơm một nhà, ngủ chung một giường để đẻ con nhiều như hạt đu đủ, nhiều như con kiến, con mối”. Nghi thức cuối cùng trong lễ cưới là lúc cô dâu, chú rể trao nhau chiếc vòng tay bằng đồng. Đây được xem như tín vật, một sự cam kết của 2 người sống bên nhau trọn đời.

Kết thúc nghi lễ, dân làng chung vui với đôi trẻ bằng những vòng xoang trong tiếng chiêng trống rộn rã. Già làng Ksor Kol cho biết: “Khi đã được già làng chứng nhận là vợ chồng trước toàn thể dân làng, nếu sau đó 2 người bỏ nhau, người bỏ trước sẽ chịu phạt 5 con bò, 1 con heo 100 kg và rượu ghè để bồi thường cho gia đình người bị bỏ. Hình thức phạt này có thể còn tăng nặng, lý do là để mọi người biết quý trọng giá trị gia đình, có xích mích gì phải đóng cửa bảo nhau hoặc nhờ già làng phân xử chứ không được tự ý bỏ nhau. Lời khấn các vị thần cũng mong đôi trẻ cả đời sống bên nhau hiền hòa, sinh con đẻ cái để cùng nhau xây dựng cộng đồng hạnh phúc”.

 Nghi thức trao vòng tay trong đám cưới của người Jrai. Ảnh: Minh Châu
Nghi thức trao vòng tay trong đám cưới của người Jrai. Ảnh: Minh Châu



Chị Ksor Hà (24 tuổi) cho biết, thế hệ của chị thường tổ chức đám cưới theo lối sống mới. Tham gia tái hiện lễ cưới truyền thống của người Jrai, chị hiểu hơn về đời sống tinh thần của ông bà. “Lễ cưới mang nhiều ý nghĩa, nhắc nhở về sự thủy chung, gắn bó bền chặt, quý trọng tình cảm tốt đẹp của gia đình. Đây cũng là những giá trị mà thế hệ trẻ cần học hỏi để gìn giữ hạnh phúc riêng của mình cũng như lưu giữ các giá trị truyền thống trong gia đình người Jrai”-chị Hà chia sẻ.

Chứng kiến các nghi thức trong lễ cưới truyền thống của người Jrai, chị Nguyễn Thị Hồng Lam (đường Hàn Thuyên, TP. Pleiku) cho hay: “Nghi thức cưới hỏi của mỗi dân tộc khác nhau và đều có nét đẹp riêng. Tôi ấn tượng khi người Jrai dùng những thứ giản dị, gần gũi nhưng rất nhân văn và tinh tế để nói về tình nghĩa vợ chồng. Lễ vật chỉ là cặp vòng bằng đồng không mấy giá trị vật chất nhưng lại ý nghĩa rất lớn về tinh thần. Đó thực sự là nét đẹp trong đời sống văn hóa, làm giàu thêm bản sắc dân tộc”.  

 

MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.