Lễ thức hòa giải của người Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đồng bào Jrai luôn thể hiện sự thân thiện, cố kết cộng đồng. Tuy nhiên, đã là cuộc sống thì không thể tránh khỏi những mâu thuẫn phát sinh. Và, tùy vào mức độ mâu thuẫn cá nhân, dòng họ hay cộng đồng mà lễ thức hòa giải sẽ được tiến hành ở những cấp độ khác nhau.

Như mọi cộng đồng dân tộc khác, mâu thuẫn trong cuộc sống của người Jrai cũng đa dạng. Trong cộng đồng làng, đó có thể là sự tranh chấp ranh giới đất sản xuất; là sự mâu thuẫn về mối quan hệ xã hội, hôn nhân giữa các gia đình, dòng họ. Ngoài cộng đồng, thường là những tranh chấp về ranh giới đất rẫy, sở hữu sản vật rừng hay nghiêm trọng hơn là xung đột dẫn đến chiến tranh. Nhưng trong mọi trường hợp, xu hướng chủ đạo của người Jrai vẫn là giải quyết mâu thuẫn bằng “biện pháp hòa bình”.

Ở cấp độ thấp nhất, đó là những mâu thuẫn xảy ra giữa các thành viên trong cộng đồng làng, phổ biến nhất là tranh chấp do sự chồng lấn ranh giới nương rẫy. Trong trường hợp này, lễ thức hòa giải khá đơn giản: Hai bên nhờ già làng hoặc một người có uy tín biết rõ sự việc đứng ra hòa giải. Nếu đồng ý, mỗi bên sẽ mang lễ vật đến, thường là một con gà, một ché rượu nhỏ. Với sự chứng kiến của người hòa giải, sau khi đọc lời khấn, hai bên sẽ vui vẻ uống rượu “ăn mốc giới”. Từ giờ phút này, mỗi bên có thể tự do đi vào rẫy của bên kia. Khi chủ rẫy vắng mặt, họ cũng có thể lấy ít rau củ về dùng, tất nhiên là không được lạm dụng.

  Đồng bào Jrai luôn thể hiện sự thân thiện, cố kết cộng đồng. Ảnh: Phương Vi
Đồng bào Jrai luôn thể hiện sự thân thiện, cố kết cộng đồng. Ảnh: Phương Vi



Ở cấp độ cao hơn và cũng phức tạp nhất trong cộng đồng làng là lễ thức phân xử về hôn nhân, đơn cử như ngoại tình hay bỏ vợ, bỏ chồng vô cớ. Trong trường hợp này, người phán xử chủ yếu là già làng. Sau khi phân tích hành vi của các bên, già làng sẽ căn cứ vào lệ làng để định số lượng hiện vật phải nộp phạt. Thông thường, người có lỗi sẽ bị phạt vạ rất nặng. Ngoài số trâu, bò phải đền cho nạn nhân, chủ yếu là căn cứ vào số con cái, bên có lỗi phải chịu hình phạt nhục nhã trước sự chứng kiến của dân làng. Chưa hết, bên có lỗi còn phải chịu toàn bộ chi phí cho tiệc rượu hòa giải. Những trường hợp bên gây ra lỗi thuộc diện hộ nghèo, không đủ hiện vật để đền thì họ hàng phải có trách nhiệm.

Ai đã có dịp dự một phiên phân xử ly hôn hay ngoại tình, hẳn sẽ thấy một không khí rất căng thẳng. Nhưng, bất luận sự căng thẳng đến mức độ nào cũng gần như không có hành động xô xát, bạo lực. Lý lẽ, tranh cãi vẫn là vũ khí để buộc bên có lỗi chấp nhận hình phạt. Và một khi đã bắt đầu tiệc rượu hòa giải thì từ giờ phút đó, tất cả thành viên của hai bên phải xem như chuyện đã hoàn toàn chấm dứt. Không ai được gợi lại chuyện cũ để gây xích mích, không được kiếm cớ để gây hấn và tuyệt đối không được có những hành động thù hằn. Trong trường hợp gia đình bên có lỗi hoặc không có lỗi xảy ra tai họa bất khả kháng, cần đến sự giúp đỡ của cộng đồng thì mỗi bên cũng phải có nghĩa vụ giúp đỡ, không vì sự xích mích trong quá khứ mà quay lưng.

Lễ thức hòa giải lớn nhất ngoài cộng đồng làng là hóa giải mâu thuẫn giữa 2 làng. Trong quá khứ, mâu thuẫn này thường là sự tranh chấp ranh giới đất rừng. Cao hơn nữa là xung đột dẫn đến chiến tranh giữa hai bên. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, những tranh chấp, xung đột này thường không tồn tại vĩnh viễn. Bao giờ cũng sẽ có một bên chủ động hòa giải. Khi một bên có ý tưởng hòa giải, thường là bên yếu thế hơn, sẽ cử “sứ giả” mang một chiếc vòng đồng đến làng kia. Chiếc vòng này có tên là “koong pang”, có thể hiểu là “hóa giải thù nghịch”. Làng bên kia, nếu đồng ý hòa giải, sẽ đưa lại cho “sứ giả” 1 chiếc vòng tương tự. Khi hai bên đã nhận được vật làm tin, người ta sẽ tiến hành lễ thức hòa giải. Theo sự bàn bạc thống nhất giữa những người đại diện 2 làng, mỗi bên sẽ đóng góp trâu bò, rượu với số lượng ngang nhau.

Vào ngày đã định, tại ranh giới giữa 2 làng hoặc cũng có thể tại nhà rông của làng giữ thế mạnh, lễ hòa giải sẽ diễn ra với sự tham gia của tất cả các thành viên 2 làng. Chủ làng hoặc già làng của bên mạnh hơn sẽ là người đứng ra làm chủ lễ. Sau khi đã đọc lời khấn, viện các Yàng về làm chứng, đại diện hai bên sẽ cắt máu ăn thề. Già làng, sau đó là lần lượt những người có uy tín sẽ uống rượu hòa giải. Từ giờ phút đó, mọi mâu thuẫn, xung đột hoàn toàn chấm dứt. Người dân 2 làng tự do đi lại, hòa hiếu; ai gợi lại chuyện cũ để gây thù oán, người đó sẽ bị làng xử phạt.

Cuộc sống hôm nay dù đã thay đổi nhưng lễ thức hòa giải trong các làng đồng bào Jrai vẫn tồn tại. Với những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống thường ngày chưa phải nhờ đến chính quyền hoặc pháp luật xử lý, đồng bào vẫn chủ động tiến hành lễ thức hòa giải. Tư tưởng hòa bình, đoàn kết, giữ hòa hiếu của cộng đồng dân tộc Jrai là một nét đẹp văn hóa, rất cần được chắt lọc, phát huy. 
 

NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.