Dự án VnSAT: Hỗ trợ nông dân tái canh cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn giúp nông dân các địa phương áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê. Trong đó, giải pháp tái canh những vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng các giống mới năng suất cao được nhiều nông dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đã mang lại những kết quả nhất định.

Toàn tỉnh hiện có hơn 93.000 ha cà phê. Trong số này, nhiều diện tích đã già cỗi, năng suất thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.Trước thực tế trên, năm 2015, Dự án VnSAT do Ngân hàng Thế giới tài trợ được triển khai nhằm hỗ trợ người trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên. Với Gia Lai, dự án hỗ trợ cho nông dân 3 huyện Đak Đoa, Chư Prông và Ia Grai tiếp cận sản xuất và tái canh cà phê bền vững; đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm, cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ, sơ chế, chế biến bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch; tái canh những vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng những giống mới, năng suất cao, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

 

Anh Phạm Ngọc Sơn bên vườn cà phê tái canh. Ảnh: N.D
Anh Phạm Ngọc Sơn bên vườn cà phê tái canh. Ảnh: N.D

Để việc tái canh đi vào thực tiễn, dự án đã hỗ trợ các vườn ươm chuẩn bị nguồn cây giống cà phê đảm bảo chất lượng phục vụ nông dân. Bên cạnh đó, mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác cà phê bền vững cho người dân học tập, áp dụng. Từ đó, nhiều hộ trồng cà phê đã mạnh dạn đầu tư trồng tái canh được 630 ha, vượt 130 ha so với kế hoạch dự án đề ra trong năm 2017.

Nhìn 2 ha cà phê tái canh năm 2016 đang phát triển tốt, anh Phạm Ngọc Sơn (thôn Tân Tiến, xã Trang, huyện Đak Đoa) cho hay: Gia đình anh trồng 5 ha cà phê từ nhiều năm nay, một số diện tích đã già cỗi, năng suất thấp. Năm 2016, anh mạnh dạn phá bỏ 2 ha cà phê năng suất thấp để tái canh, trong đó 1 ha trồng theo hướng dẫn kỹ thuật của Dự án VnSAT. Để đảm bảo nguồn giống, anh tìm đến Viện Ea Kmat (tỉnh Đak Lak) mua giống cà phê TRS1 về trồng. Hiện tại, vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến năm 2018 sẽ cho thu hoạch. “Được dự án hỗ trợ về kỹ thuật cũng như giới thiệu những điểm bán giống cà phê mới, năng suất cao, trong năm 2018, gia đình tôi sẽ tiếp tục tái canh thêm 1 ha”-anh Sơn nói.

Cũng được dự án hỗ trợ, gia đình bà Hoàng Thị Tý (thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông) đã đầu tư tái canh 7 sào cà phê theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT với giống TRS1 có năng suất cao, kháng sâu bệnh, chống chịu hạn tốt. Cách trồng mới thưa hơn (hàng cách hàng, cây cách cây 3,5 m), có cây che bóng bằng cây ăn quả như bơ booth, sầu riêng hạt lép, đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm đã giảm đáng kể công lao động. Đặc biệt, với việc sử dụng phân hữu cơ, vườn cà phê sinh trưởng, phát triển rất tốt.

 

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trong năm 2017, toàn tỉnh đã tái canh được 3.104 ha cà phê bằng những giống mới như TR4, TR9, TRS1, bước đầu thay thế những vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp cũng như cải thiện chất lượng vườn cây.

Ông Nguyễn Xuân Vỵ-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT Gia Lai, cho hay: Với mục tiêu thay thế những vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng những giống cà phê mới cho năng suất, chất lượng cao, Dự án VnSAT Gia Lai không những làm tốt công tác  tuyên truyền, vận động mà còn xây dựng các vườn ươm cà phê đạt chuẩn để người dân lựa chọn nguồn giống đảm bảo phục vụ tái canh. Trong năm 2017, dự án thực hiện được 630 ha, vượt 130 ha so với kế hoạch. Dự kiến trong năm 2018, diện tích tái canh sẽ tiếp tục tăng lên, phấn đấu  hoàn thành kế hoạch tái canh 2.000 ha cà phê già cỗi đến năm 2020.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp xanh

Gia Lai ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp xanh

(GLO)- Bám sát định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã ưu tiên dòng vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và phát triển sản phẩm xanh, sản phẩm OCOP.

Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp

Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp

(GLO)- Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh Gia Lai vẫn luôn quan tâm chăm lo đời sống người lao động. Ở chiều ngược lại, người lao động luôn sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp để cùng nhau phát triển.
Xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp cần nghiên cứu quy định về cơ chế giá, phí truyền tải

Xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp cần nghiên cứu quy định về cơ chế giá, phí truyền tải

(GLO)- Thường trực Chính phủ yêu cầu trong quá trình xây dựng nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn cần nghiên cứu các quy định về cơ chế giá, phí truyền tải và các chi phí phát sinh khác.
Gia Lai: Trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao

Gia Lai: Trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao

(GLO)- Chiều 8-5, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 28-12-2023 của UBND tỉnh về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2023.

Người cao tuổi ở Ia Grai làm kinh tế giỏi

Người cao tuổi ở Ia Grai làm kinh tế giỏi

(GLO)- Huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) có gần 7.000 hội viên người cao tuổi (NCT), trong đó, 659 hội viên được công nhận là NCT làm kinh tế giỏi. Họ là lực lượng đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.