Đổi thay miền biên viễn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 30 năm vỡ đất trồng cao su, thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã khoác lên mình màu áo mới. Vùng đất khô khốc, bạc màu năm nào, qua bàn tay lam lũ của đoàn người đi làm kinh tế đã được phủ một màu xanh trù phú.

Từ đồng bằng ngược lên cao nguyên

Năm 1997, Công ty 72 (Binh đoàn 15) có chính sách tuyển dụng công nhân ở các tỉnh miền Bắc vào vùng biên giới Đức Cơ để khai hoang trồng cao su. Hưng Yên là một trong những địa phương được Công ty 72 lựa chọn và đưa ra những chính sách vận động tuyển dụng.

Thời điểm ấy, ông Hoàng Văn Ga (SN 1971, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) vẫn loay hoay với vài sào đất trồng lúa ít ỏi, trong khi gia đình đã có 2 con nhỏ. Nghe thông tin vào Gia Lai làm công nhân vừa có việc làm, vừa được cấp đất ở và có thể tích lũy dần mua thêm nương rẫy, người đàn ông trẻ vô cùng khấp khởi.

Ở quê nhà, ông được quây quần bên cha mẹ, anh em. Song đất chật người đông, cả gia đình 4 miệng ăn chẳng thể cứ trông cậy mãi vào mảnh đất nhỏ không trồng được gì khác ngoài cây lúa. Dẫu vậy, Tây Nguyên với những người dân vùng đồng bằng sông Hồng vẫn là một nơi xa xăm mà họ không thể hình dung được. Sau nhiều lần bàn với vợ, cuối cùng, ông Ga quyết định tìm kiếm cơ hội ở vùng đất mới.

Ông Ga nhớ lại: “Chuyến xe ken đặc với những vật dụng đưa hàng chục người di cư vào Tây Nguyên, chòng chành suốt 3 ngày, 4 đêm. Ngay khi đặt chân đến vùng biên Ia Nan, trước mắt chúng tôi là những cánh rừng”. Hơn 200 hộ dân đều đến từ tỉnh Hưng Yên tập trung về nơi biên thùy của Tổ quốc. Choáng ngợp, hụt hẫng, âu lo... là những cảm giác mà họ đón nhận trong thời điểm đó. Nhưng nó không tồn tại lâu, bởi tất cả nhanh chóng bắt tay vào ổn định cuộc sống mới.

ong-ga-ben-co-ngoi-khang-trang-sau-gan-30-nam-gan-bo-voi-manh-dat-bien-gioi-ia-nan-anh-van-ngoc.jpg
Ông Ga bên cơ ngơi khang trang sau gần 30 năm gắn bó với mảnh đất biên giới Ia Nan. Ảnh V.N

Một khu dân cư được san ủi bằng phẳng để cấp đất cho các hộ dân trong đoàn kinh tế mới. Mỗi hộ được cấp 15 m ngang để xây dựng 1 căn nhà bằng gỗ, lợp fibro xi măng với diện tích 24 m2 đều tăm tắp. Nhưng Ia Nan vốn là nơi đất cằn chứa đầy thử thách với những người dân Hưng Yên hăm hở. Không có điện, nước sinh hoạt phải đi lấy ở suối vì không thể đào giếng. Cuộc sống trước mắt của họ trở nên rất khó khăn.

“Xung quanh chỉ là những cánh rừng hoang vu, heo hút, đường sá xa xôi, cách trở. Cứ vài ngày lại có một chuyến xe chở người làng đi chợ ngoài thị trấn Chư Ty. Xe đi từ 3 giờ sáng nhưng phải đến tận 5 giờ chiều mới về tới nhà. Mùa mưa thì khu vực này bị cô lập không thể đi đâu được. Vậy nên ở được một thời gian, có người không chịu được mà bỏ về quê, thả trôi giấc mơ lập nghiệp trên vùng đất mới”-ông Ga bồi hồi kể.

Năm ấy, anh Hoàng Văn Mạnh (SN 1986) đang học lớp 5, chập chững theo cha mẹ lên Tây Nguyên. “Ngày ấy, lớp học ở xa lắm mà không có xe đạp hay xe máy như bây giờ. Lũ học trò chúng tôi phải lọ mọ từ sáng sớm đi bộ 7 km tới trường. Lên lớp thì học ghép, 1 phòng mà 2 lớp cùng học nên phải quay lưng vào nhau nhìn về 2 cái bảng. Ăn uống thiếu thốn, chủ yếu là cá khô. Thế nên không ít người bỏ học giữa chừng. Bản thân tôi thấy cha mẹ ở nhà vất vả nên vừa học hết lớp 7 cũng đành nghỉ để phụ việc nương rẫy”-anh Mạnh chia sẻ.

Đất không phụ người

Từ năm 2004, khu vực lập nghiệp của những người từ Hưng Yên vào làm kinh tế mới với tên gọi Đội 6 thuộc Công ty 72 chính thức được đặt tên là thôn Đức Hưng. Đây là tên gọi mang theo niềm tự hào xứ sở bởi gắn kết giữa chữ Hưng trong từ Hưng Yên và Đức trong từ Đức Cơ.

bo-mat-nong-thon-o-thon-duc-hung-da-ngay-mot-khoi-sac-anh-van-ngoc.jpg
Diện mạo thôn Đức Hưng ngày càng khởi sắc. Ảnh: V.N

Ông Trần Xuân Nghiên-Chủ tịch UBND xã Ia Nan: Người dân thôn Đức Hưng từ quê nhà Hưng Yên vào Tây Nguyên làm kinh tế vẫn giữ được truyền thống cần cù, chịu khó, ham học hỏi. Bà con trong thôn luôn đi đầu trong phát triển kinh tế cũng như các hoạt động văn hóa-thể thao và góp phần đảm bảo quốc phòng-an ninh vùng biên giới.

Ngoài thu nhập từ làm công nhân cao su, người dân thôn Đức Hưng còn mua thêm đất để trồng các loại cây công nghiệp như: điều, cao su, cà phê, hồ tiêu. Anh Hoàng Văn Mạnh hiện là một trong những người sở hữu diện tích đất nông nghiệp rộng nhất thôn với khoảng 20 ha. Mỗi năm, vườn điều, cao su mang về cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng. “Mặc dù đất đai không đủ nước tưới nhưng gia đình tôi vẫn cố gắng bám trụ, lấy ngắn nuôi dài. Mừng là sau bao năm gắn bó với vùng đất mới, cuộc sống bây giờ đã khởi sắc. Những tuyến đường trong thôn được trải bê tông phẳng lì, lũ trẻ đi học có xe buýt đưa đón tận nơi. Nhìn bộ mặt thôn Đức Hưng bây giờ, tôi cũng cảm thấy tự hào vì đã cùng với dân làng góp một phần công sức vào sự đổi thay của ngày hôm nay”-anh Mạnh vui vẻ nói.

ong-ga-co-thu-nhap-on-dinh-tu-viec-trong-cay-cong-nghiep-lau-nam-anh-van-ngoc.jpg
Ông Hoàng Văn Ga thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm từ vườn cây công nghiệp của gia đình. Ảnh: V.N

Trong khi đó, mỗi năm, gia đình ông Ga cũng thu về khoảng 1 tỷ đồng từ vườn điều, cà phê, hồ tiêu rộng khoảng 10 ha. Bản thân ông Ga cũng được bầu làm Trưởng thôn từ nhiều năm nay. Thôn Đức Hưng có 222 hộ, tất cả đều có thu nhập tương đối ổn định. Toàn thôn hiện trồng hơn 510 ha điều, trên 110 ha cao su, 60 ha cà phê, 60 ha cây ăn quả…

“Hiện trong thôn có 22 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, 16 hộ dân đã sắm được ô tô riêng. Ban đầu thì đúng là vất vả, cơ cực thật nhưng hiện tại ai cũng đều có thành quả xứng đáng với sự chịu thương chịu khó năm xưa. Ở quê, những người cùng trang lứa với chúng tôi vẫn phải đi làm công nhân, không còn đất canh tác nữa. Trong khi ở đây, chúng tôi được lao động trên chính mảnh đất của mình. Vậy nên, việc lựa chọn quê hương thứ 2 của chúng tôi là đúng đắn”-ông Ga hồ hởi nói.

Có thể bạn quan tâm

Ia Pa kết nạp 18 đảng viên trong quý I-2025

Ia Pa kết nạp 18 đảng viên trong quý I-2025

(GLO)- Ngày 31-3, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị (mở rộng) nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I và nhiệm vụ trọng tâm công tác quý II-2025.

Đường liên xã Kon Gang-Hải Yang đang được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: N.D

Khởi sắc Kon Gang

(GLO)- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Kon Gang (huyện Đak Đoa) là vùng căn cứ cách mạng vững chắc của tỉnh Gia Lai. Sau ngày giải phóng, cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày một khởi sắc.

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua, đợt thi đua đặc biệt chào mừng các ngày lễ lớn và hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hơn 100 cán bộ, hội viên phụ nữ của 2 xã Ia Piar và Ia Peng (huyện Phú Thiện).