Doanh nghiệp vận tải gặp khó vì giá xăng dầu tăng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong kỳ điều chỉnh giá của Liên bộ Công thương-Tài chính vào ngày 11-5 vừa qua, mỗi lít xăng E5 RON92 tăng 1.491 đồng và xăng RON95 tăng 1.554 đồng, giá dầu các loại tăng 1.120-1.340 đồng/lít. Mức tăng này đã tác động rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Vận tải đường dài hoạt động cầm chừng
Ông Đặng Văn Hiền-Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dịch vụ vận tải và du lịch Thuận Tiến Gia Lai-cho hay: “Hiện doanh nghiệp vẫn chưa thể khôi phục hoạt động như trước kia do lượng khách đi lại rất hạn chế. Đơn vị có 29 xe chạy các tuyến TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế nhưng tần suất hoạt động chỉ đạt 65%, trong khi lượng khách chỉ đạt hơn 50% trên mỗi chuyến. Bên cạnh giá nhiên liệu tăng thì nhiều chi phí khác như: phí bảo hiểm, phí đường bộ, chi phí tiền lương, hao mòn tài sản cố định, lãi vay ngân hàng… cũng đang gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp”.
Theo ông Nguyễn Hồng Hải-Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hồng Hải, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô tỉnh, sau dịp lễ 30-4 đến nay, lượng khách đi trên các tuyến đường dài rất vắng khiến hầu hết nhà xe chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí bị lỗ. Nếu trước đây giá dầu chỉ chiếm khoảng 40% trong cơ cấu giá cước thì nay khoảng 55%. “Trung bình một chuyến xe từ TP. Pleiku vào TP. Hồ Chí Minh tiêu hao gần 400 lít dầu, tương đương khoảng 10 triệu đồng. Ngoài ra, nhà xe còn phải trả nhiều chi phí khác, trong khi giá vé không tăng. Nếu cả đi và về đạt 100% khách thì thu khoảng 18 triệu đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ khai thác trung bình mỗi chuyến chỉ đạt khoảng 50-60% khách. Hầu hết các nhà xe đều than vãn bị lỗ, chạy nhiều xe thì lỗ càng nhiều. Do đó, số đầu xe chạy tuyến đường dài cũng ít hơn trước rất nhiều. Mặc dù hoạt động của các nhà xe đang lỗ rất nặng nhưng họ vẫn không tăng giá vé nhằm giữ khách hàng”-ông Hải phân tích.
Hoạt động vận tải chưa kịp vui mừng vì đà phục hồi thì lại tiếp tục gặp khó vì giá nhiên liệu tăng cao. Ảnh: Lê Hoà
Hoạt động vận tải tiếp tục gặp khó vì giá nhiên liệu tăng cao. Ảnh: Lê Hòa
Không chỉ doanh nghiệp vận tải hành khách than lỗ mà nhiều nhà xe vận tải hàng hóa cũng đang gặp khó khăn. Ông Lê Thành Trung-chủ xe chở hàng ở phường Ia Kring (TP. Pleiku) cho hay: “Nếu chúng tôi tăng giá cước thì sẽ mất mối. Đó là chưa kể hoạt động vận tải hàng hóa đang có sự cạnh tranh khá lớn, số lượng chuyến xe chạy cũng không đều như trước, tỷ lệ khai thác giảm khoảng 20%. Chúng tôi sẽ đề nghị tăng mỗi chuyến hàng thêm 300-500 ngàn đồng tiền cước. Thật ra, mức giá này cũng chưa bù đắp được vì giá dầu liên tục tăng trong thời gian”.
Taxi tăng giá cước
Bà Trần Thị Ánh-Phó Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh Gia Lai-cho hay: Cách đây khoảng 1 tháng, Công ty đã điều chỉnh tăng giá cước sau thời gian dài “gồng mình” do giá xăng dầu liên tục tăng. “Trước đó, hoạt động taxi rất ế khách do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, có thời điểm gần 20 xe phải nằm bãi vì bị bỏ tài. Sau khi tính toán, chúng tôi quyết định điều chỉnh giá cước mới, tăng tỷ lệ ăn chia 50:50 để vừa đảm bảo thu nhập cho lái xe, vừa khai thác lượng xe hiện có”-bà Ánh chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết giá xăng dầu tăng cao đã khiến cho hoạt động gặp rất nhiều khó khăn (ảnh Lê Hoà)
Nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết, giá xăng dầu tăng cao đã khiến cho hoạt động gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Hòa
Theo tính toán của các tài xế taxi, nếu chạy 100 km trong phố mất khoảng 300 ngàn đồng tiền xăng, chạy đường dài thì 260 ngàn đồng. Do vậy, những ai có khách quen hay đi đường thì thu nhập ổn hơn chút. Anh Bùi Xuân Lịch-tài xế xe taxi Mai Linh-bày tỏ: “Mặc dù cước taxi đã tăng nhưng giá xăng hiện đã trên 30 ngàn đồng/lít nên cũng không đủ bù đắp vào chi phí. Hiện ngày nào chạy đắt khách thì được khoảng 1,5 triệu đồng, còn bình thường chỉ 1,2 triệu đồng, có ngày ế thì vài trăm ngàn đồng. Nếu 1 ngày chạy khoảng 1,5 triệu đồng, tôi phải nộp về công ty 50%, trong khi tiền xăng mất khoảng 500 ngàn đồng, tiền bến bãi và lên ca 40 ngàn đồng, tiền thuế thu nhập... nên chỉ còn 200 ngàn đồng. Tính ra mỗi tháng tôi thu nhập 5-6 triệu đồng”.
Với những tài xế chạy Grab như anh Nguyễn Hiền (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) thì tiền chi phí xăng xe, hao mòn, phí nộp về cho công ty cũng chiếm hết phần thu nhập. “Chạy xe bây giờ rất khó khăn, thu nhập giảm sút. Vào tháng cao điểm, lượng khách đi lại nhiều, nếu ai chạy giỏi lắm cũng chỉ kiếm được chừng 8-10 triệu đồng/tháng”-anh Hiền nói.
Theo thống kê của Sở Giao thông-Vận tải, toàn tỉnh hiện có trên 40 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với 1.229 phương tiện đăng ký hoạt động (557 xe taxi, 225 xe hợp đồng, 413 phương tiện khai thác vận tải tuyến cố định, 14 xe buýt…).
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.