Doanh nghiệp làm điện mặt trời kêu cứu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc liên tục phải tiết giảm, sa thải công suất phát điện đã khiến nguồn thu từ điện mặt trời (ĐMT) áp mái của các nhà đầu tư tại Gia Lai sụt giảm nghiêm trọng. Áp lực lãi suất ngân hàng từ các khoản vay để đầu tư vào ĐMT đang khiến các doanh nghiệp kêu cứu.

Cuộc gặp bất ngờ

Ngày 20-9, Công ty Điện lực Gia Lai có Công văn số 3175/GLPC-ĐĐ+KD gửi các đơn vị Điện lực trực thuộc về phương án huy động nguồn ĐMT áp mái. Công ty Điện lực Gia Lai giảm công suất huy động đối với tất cả các hệ thống ĐMT đấu nối vào lưới điện trung áp, hạ áp của Công ty từ ngày 20 đến 26-9. Phương thức thực hiện công suất huy động tối đa không được vượt quá 50% công suất đặt. Đối với các khách hàng ĐMT có sử dụng điện để sản xuất kinh doanh thì tiết giảm 50% công suất phát ngược lên lưới. Điều này đã tạo cú sốc lớn đối với các nhà đầu tư ĐMT tại Gia Lai, bởi trước đây Điện lực Gia Lai thường xuyên cắt giảm công suất, nhưng chưa bao giờ làm như vậy.

Ngay sau khi có công văn trên, nhiều nhà đầu tư ĐMT tại Gia Lai đã có đơn “kêu cứu” gửi đến các cơ quan liên quan của địa phương. Đỉnh điểm trong sáng 22-9, 10 nhà đầu tư đã đến Công ty Điện lực Gia Lai yêu cầu lãnh đạo đơn vị giải thích về việc tiết giảm, sa thải công suất phát điện nói trên. Đại diện các nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Hiệu-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nguyễn Hiệu Gia Lai-bức xúc nói: Việc Công ty Điện lực Gia Lai lập kế hoạch cắt giảm sản lượng là vi phạm hợp đồng mua bán điện, vì trong hợp đồng không nói đến chuyện cắt giảm; trái với Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc khuyến khích phát triển ĐMT tại Việt Nam, gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Luật Điện lực đã quy định các đơn vị phát điện, mua điện, vận hành hệ thống điện phải theo lệnh của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), nhưng Công ty Điện lực Gia Lai lại không tuân thủ. Công ty Điện lực Gia Lai không có sự bàn bạc với các khách hàng mà đơn phương thực hiện cắt giảm công suất phát lên lưới. Việc cắt giảm phải minh bạch rõ ràng, có sự tổng hợp số giờ cắt, số ngày cắt của tất cả khách hàng và công bố hàng tuần để chủ đầu tư theo dõi, giám sát…

 Quang cảnh cuộc gặp bất ngờ của các nhà đầu tư ĐMT với lãnh đạo Công ty Điện lực Gia Lai. Ảnh: Hạ Vy
Quang cảnh cuộc gặp bất ngờ của các nhà đầu tư ĐMT với lãnh đạo Công ty Điện lực Gia Lai. Ảnh: Hạ Vy


Tiếp các nhà đầu tư, ông Võ Ngọc Quý-Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai-giải thích: “Từ năm 2019, hoạt động đầu tư xây dựng ĐMT tại Gia Lai tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, quá trình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ trên diện rộng khiến nhu cầu tiêu thụ điện trên toàn quốc giảm mạnh dẫn đến tình trạng thừa công suất trên hệ thống, có thể gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hệ thống lưới điện quốc gia. Đặc biệt, trong 4 tháng cuối năm 2021, nhu cầu về điện tiếp tục sụt giảm do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Để đảm bảo an toàn hệ thống, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Trung phân bổ công suất huy động nguồn tối đa phù hợp nên mới có việc tiết giảm, sa thải công suất phát điện…”. Cũng tại cuộc gặp gỡ, ông Quý cho rằng: Do các nhà đầu tư liên hệ làm việc bất ngờ nên chưa thể trả lời cụ thể các vấn đề. Đề nghị các nhà đầu tư gửi kiến nghị bằng văn bản đến Công ty Điện lực Gia Lai để đơn vị trả lời cụ thể hơn.

Tuy nhiên, tại cuộc gặp gỡ, các chủ đầu tư cho rằng Công ty Điện lực Gia Lai làm việc thiếu chuyên nghiệp, gây ức chế cho các chủ đầu tư khi không có kế hoạch bàn bạc cụ thể, rõ ràng trước khi tiến hành tiết giảm, sa thải công suất phát điện. Điều này đã khiến các nhà đầu tư lâm vào thế khó khăn khi áp lực lãi suất ngân hàng ngày càng tăng.    

Nguy cơ phá sản

Toàn tỉnh hiện có 3.248 hệ thống ĐMT với công suất đưa vào vận hành thương mại trên 603,8 MWp. Tuy nhiên, với việc thực hiện công suất huy động tối đa của ĐMT không được vượt quá 50% công suất đặt (đối với khách hàng ĐMT có sử dụng điện để sản xuất kinh doanh thì tiết giảm 50% công suất phát ngược lên lưới) đã đẩy các nhà đầu tư vào nguy cơ phá sản nếu việc cắt giảm tiếp tục kéo dài. Ông Đinh Tấn Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tây Hiệp Phát-thông tin: “Công ty chúng tôi cùng liên danh với một số cá nhân, đơn vị để đầu tư xây dựng hệ thống ĐMT có công suất 3 MWp với chi phí đầu tư gần 45 tỷ đồng, trong đó, tiền vay ngân hàng chiếm từ 70% đến 80%. Vào thời gian này, nếu phát điện bình thường thì bình quân đơn vị sẽ thu về gần 200 triệu đồng/MWp/tháng. Sau khi trừ lãi suất ngân hàng 100 triệu đồng/MWp, số còn lại sử dụng vào chi phí vận hành và trả lãi các khoản vay ngoài. Tuy nhiên, với việc Công ty Điện lực Gia Lai cắt giảm 50% công suất thì doanh nghiệp chỉ thu đủ tiền trả lãi cho ngân hàng, không có chi phí cho vận hành và các khoản trả lãi huy động vốn bên ngoài, chưa kể chi phí trả một phần tiền gốc cho ngân hàng (3 tháng trả gốc 1 lần) nên sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản”.

Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Hiệu cho biết thêm: “Hiện nay, hầu hết các chủ đầu tư ĐMT đều phải vay vốn từ các ngân hàng với tỷ trọng chiếm 70-80% tổng mức đầu tư và lãi suất vay 9,5-12%/năm. Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu các chủ đầu tư phải tiết giảm, sa thải công suất phát điện của dự án lên đến 50% trong 4 tháng cuối năm 2021 sẽ dẫn đến hậu quả khó lường cho các chủ đầu tư. Trong trường hợp các ngân hàng đưa doanh nghiệp vào nợ xấu thì sẽ không còn cơ hội để vay vốn đầu tư vào các dự án khác dẫn đến nguy cơ phá sản cao”. Cũng theo ông Hiệu, hầu hết các nhà đầu tư đồng cảm và chia sẻ với việc này khi nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, trước khi tiết giảm, sa thải công suất phát điện của ĐMT thì Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng nên có hướng kiến nghị với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị các ngân hàng thương mại thực hiện giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp đầu tư vào ĐMT.

 

 HẠ VY

Có thể bạn quan tâm

Sở hữu dòng xe Maserati Levante LE350AL21 sang trọng với giá trên 5,4 tỷ đồng

Sở hữu dòng xe Maserati Levante LE350AL21 sang trọng với giá trên 5,4 tỷ đồng

(GLO)- Maserati Levante LE350AL21 mang đậm chất thể thao, kết hợp giữa thiết kế tinh tế và công nghệ tiên tiến. Với động cơ mạnh mẽ, khả năng vận hành tuyệt vời, Levante LE350AL21 chắc chắn sẽ làm hài lòng những tín đồ yêu thích sự khác biệt và đẳng cấp. Xe hiện có giá khoảng 5,4 tỷ đồng.

CBR1000RR-R Fireblade: Siêu phẩm thể thao với sức mạnh vô song có giá bán trên 950,5 triệu đồng

CBR1000RR-R Fireblade: Siêu phẩm thể thao với sức mạnh vô song có giá bán trên 950,5 triệu đồng

(GLO)- Chiếc xe mơ ước của các tín đồ đam mê tốc độ với những cải tiến đột phá, nâng tầm hiệu suất vượt trội của hãng Honda. Từ thiết kế mạnh mẽ, Fireblade không chỉ là một chiếc xe, mà còn là biểu tượng của sự tinh tế trong ngành công nghiệp mô tô thể thao.

Aprilia Tuareg 660: Bạn đồng hành lý tưởng trên mọi cung đường phiêu lưu có giá 498 triệu đồng

Aprilia Tuareg 660: Bạn đồng hành lý tưởng trên mọi cung đường phiêu lưu có giá 498 triệu đồng

(GLO)- Aprilia Tuareg 660 là mẫu xe adventure đa năng, kết hợp giữa khả năng off-road ấn tượng và sự thoải mái trên những hành trình dài. Với thiết kế hiện đại, động cơ mạnh mẽ và công nghệ tiên tiến, Tuareg 660 là lựa chọn lý tưởng cho những ai đam mê khám phá và chinh phục mọi địa hình.

Honda Wave Alpha 110 phiên bản 2025: Biểu tượng của sự bền bỉ và tiết kiệm với giá trên 18 triệu đồng

Honda Wave Alpha 110 phiên bản 2025: Biểu tượng của sự bền bỉ và tiết kiệm với giá trên 18 triệu đồng

(GLO)- Honda Wave Alpha 110 2025 tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong phân khúc xe số phổ thông với thiết kế cải tiến, động cơ mạnh mẽ và hiệu suất nhiên liệu vượt trội. Đây là mẫu xe lý tưởng cho người dùng tìm kiếm sự ổn định, bền bỉ và tiết kiệm chi phí trong cuộc sống hàng ngày.