Gia Lai: Kiểm tra để chấn chỉnh sai sót ở các hệ thống điện mặt trời mái nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Thời gian gần đây, dư luận nghi ngờ xung quanh việc một số hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) ở Gia Lai không được lắp đặt trên mái công trình xây dựng hoặc núp bóng dưới các hình thức trang trại chăn nuôi, nông nghiệp công nghệ cao. Để bạn đọc hiểu rõ về vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương.

Thi công lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà ở huyện Đức Cơ. Ảnh: Hà Duy
Thi công lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà ở huyện Đức Cơ. Ảnh: Hà Duy

* P.V: Chỉ trong một thời gian ngắn, ĐMTMN ở tỉnh ta phát triển rất nhanh với hơn 3.000 hệ thống. Ông đánh giá việc này như thế nào?
 

 Ông Phạm Văn Binh. Ảnh: Vũ Thảo
Ông Phạm Văn Binh.
Ảnh: Vũ Thảo

- Ông PHẠM VĂN BINH: Gia Lai là một trong những tỉnh có nguồn bức xạ mặt trời để hấp thụ nhiệt trên các tấm quang điện khá tốt. Bên cạnh đó, vấn đề truyền tải điện cũng mang tính quyết định trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Trên địa bàn tỉnh hiện có các trạm 500 kV để thực hiện trung chuyển điện từ khu vực miền Trung vào Nam và ra phía Bắc rất thuận lợi, không những giải tỏa được công suất ngay tại chỗ mà còn góp phần cung ứng nguồn điện cho quốc gia.

Cùng với đó, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời đã tạo cơ chế thuận lợi để ĐMTMN phát triển. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 hệ thống ĐMTMN với công suất đưa vào vận hành thương mại trên 600 MWp. Riêng ĐMTMN trên trang trại có khoảng 400 hệ thống, tương đương khoảng 400 MWp.

Từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2020 đã phát triển đến 600 MWp. Như chúng ta biết, công trình thủy điện Ia Ly ban đầu chỉ có 360 MW mà xây dựng trong vòng hàng chục năm, trong khi đó mới có 1 năm mà hệ thống ĐMTMN phát triển với tốc độ nhanh như vậy. Qua đó cũng giải quyết được nguồn điện khá lớn và đẩy mạnh tăng trưởng giá trị công nghiệp của tỉnh.

* P.V: Hiện nay, việc quản lý các hệ thống ĐMTMN có sự tham gia của những ngành nào, thưa ông?

- Ông PHẠM VĂN BINH: Điện mặt trời mái nhà không phải là một dự án đầu tư mà đơn thuần chỉ là tận dụng mái nhà với công năng sẵn có. Còn điện mặt trời ở trang trại thì vấn đề đặt ra là việc sử dụng đất và căn cứ vào các tiêu chí để xem đó có phải là trang trại hay không.

Đặc biệt, công năng của công trình xây dựng đó có đủ điều kiện để lắp ĐMTMN hay không thì lại liên quan đến nhiều ngành như: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Xây dựng, Điện lực. Nếu là trang trại thì phải đảm bảo các tiêu chí như phải có mái nhà đầy đủ, ĐMTMN ở đây là một hệ thống đảm bảo các tiêu chí của trang trại để vận dụng theo Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời.

Trên thực tế, sau khi Quyết định số 13 được ban hành, Sở Công thương đã có các công văn hướng dẫn thực hiện theo quy trình đấu nối, đảm bảo giải tỏa công suất cũng như truyền tải điện. Sau đó, với sự phát triển quá mạnh liên quan đến trang trại thì mới đặt ra vấn đề là các ngành: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT cùng tham gia. Ngay từ ban đầu, chúng tôi cũng chưa hình dung ra vấn đề này.

Thời gian gần đây, có những thông tin từ dư luận là phát triển ĐMTMN trên trang trại, nhưng thực tế đó là một hình thức núp bóng để trục lợi chính sách. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là đã có trang trại chưa? Từ cuối năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra để khắc phục, uốn nắn việc này, nhưng do ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19 nên mọi hoạt động thanh tra, kiểm tra phải tạm dừng.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng có công văn chỉ đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố tập trung kiểm tra để chấn chỉnh những sai sót trong thực hiện hệ thống ĐMTMN. Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành kiểm tra nhằm hướng dẫn, đưa các hệ thống ĐMTMN đi vào đúng quỹ đạo.

Các dự án điện mặt trời mái nhà phát triển mạnh tại Gia Lai thời gian qua.  Ảnh: Hà Duy
Các dự án điện mặt trời mái nhà phát triển mạnh tại Gia Lai thời gian qua. Ảnh: Hà Duy


* P.V: Hướng xử lý như thế nào đối với những vi phạm, thưa ông?

- Ông PHẠM VĂN BINH: Trước hết, đoàn kiểm tra sẽ đi kiểm tra theo tuần tự, giải quyết được các câu hỏi như: vấn đề sử dụng đất, phát triển trang trại, công năng của trang trại, cùng với việc phát triển ĐMTMN. Theo quy định, nếu là trang trại thì phải đạt các tiêu chí theo Thông tư số 02 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Các loại trang trại phải thực hiện đúng mục đích sử dụng đất theo tiêu chí trang trại. Khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trang trại thì sẽ xin thỏa thuận đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện với đơn vị mua điện.

Như vậy, trong trường hợp kiểm tra có những hệ thống ĐMTMN chưa đúng ở chỗ nào thì sẽ có kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Giả sử, khi kiểm tra phát hiện chưa đảm bảo công năng thì yêu cầu phải hoàn chỉnh công năng xây dựng.

Hay khi phát hiện đây không phải là trang trại thì buộc nhà đầu tư phải thực hiện xây dựng trang trại đúng mục đích yêu cầu. Nếu không phải là trang trại và sử dụng đất sai mục đích thì yêu cầu phải trả nguyên trạng ban đầu. Các trường hợp hệ thống ĐMTMN không được xây dựng trên mái công trình xây dựng hoặc lợi dụng, núp bóng dưới các hình thức chăn nuôi, nông nghiệp công nghệ cao mà không có mái công trình xây dựng thì buộc phải xử lý.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

 

VŨ THẢO (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.