Đìu hiu làng nghề truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi đứng trên đỉnh núi Langbian-biểu tượng tự ngàn đời nay của người dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên-phóng tầm mắt về phía làng dệt Bneur C ngay dưới chân núi (thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), rồi “lia” nhanh về hướng làng gốm Krăng Gọ và “làng” nhẫn bạc Sri ven sông Đa Nhim (thuộc huyện Đơn Dương) mà lòng buồn rười rượi.

Không buồn sao được khi những làng nghề truyền thống ấy của người Chil, người Cơho, của người Churu, người Raglai… từng đi vào lịch sử, từng làm nên nét văn hóa đặc sắc có một không hai của cộng đồng dân cư thiểu số Lâm Đồng cứ ngày một lụi dần, tàn dần, tan dần, mất dần…

 

Nghệ nhân Ma Wơng ở làng Krăng Gọ, xã Pró, huyện Đơn Dương. Ảnh: K.D
Nghệ nhân Ma Wơng ở làng Krăng Gọ, xã Pró, huyện Đơn Dương. Ảnh: K.D

Trên đỉnh núi Langbian, nơi có hàng ngàn khách du lịch đang rảo bước ngắm cảnh nước non hùng vĩ và cũng rất thơ mộng này, là cả một “làng nghề” thổ cẩm được bày ra trước mắt mọi người. Dân Chil dưới chân núi Langbian như đã dời cả làng mình lên trên đỉnh núi này để gần hơn với du khách vậy. Tôi chạnh buồn: Liệu đến một lúc nào đó, cả cái nghề nhẫn bạc sri của người Churu ven sông Đa Nhim (thuộc xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) cũng phải dời lên đây để “gần hơn” với du khách? Rồi, biết đâu, cả cái làng gốm Krăng Gọ (xã Pró, huyện Đơn Dương) cũng thế?

Xuống núi, vào làng dệt

Làng dệt thổ cẩm Bneur C nằm ngay dưới chân núi mẹ Langbian, thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. “Phụ nữ ở làng biết dệt vải từ lúc còn nằm trong bụng mẹ. Không biết dệt, con gái không đứa nào lấy được chồng!”-bà Cill Mup Ha Boong, 70 tuổi, một trong những nghệ nhân khá nổi tiếng của làng dệt Bneur C-nói với tôi như vậy.

Hơn 20 năm trước, tôi đã không ít lần đặt chân đến làng dệt nổi tiếng này. Ngày ấy, hầu như trong bất kỳ ngôi nhà nào ở Bneur C cũng có dăm ba khung dệt: Người bà tuổi tuy đã cao nhưng vẫn cặm cụi bên khung dệt, người mẹ mắt bắt đầu mờ nhưng vẫn miệt mài bên những sợi chỉ đủ màu sắc đến tối mịt, người chị cả đã bắt chồng nhiều năm sinh được đứa con gái nay lớn rồi nên phải dạy cho nó cái chuyện dệt để còn đi bắt chồng như mẹ, ngay cả đứa con gái nhỏ vừa bắt chồng và đang mang thai cũng không rời khung dệt với mong ước con mình sau này cũng phải biết lần những sợi chỉ màu mà luồn thanh gỗ đi qua…

Trong cùng một ngôi nhà, đã là phụ nữ thì cả bà lẫn cháu đều không ai là không biết động tác căng thanh chắn dệt kẹp vào hai bàn chân cho thật thẳng. Rồi, hơn 20 năm sau, tôi lại đặt chân đến xứ này. Vẫn ngôi làng xưa nằm khép mình dưới chân núi mẹ Langbian hùng vĩ, nhưng đã thưa vắng những khung dệt, thưa vắng dần hình ảnh người phụ nữ ngồi trước hiên nhà bên khung dệt.

Ghé lại nhà thăm cụ bà Cill Mup Ha Boong, chỉ thấy mỗi một mình cụ bà cặm cụi bên khung dệt, tôi hỏi: “Ka Chương con gái không dệt với cụ sao?”. Giọng bà buồn buồn: “Nó với chồng còn bận cái rừng, cái suối mà!”. Rồi, giọng cụ càng trở nên xa xăm: “Mà, dệt nhiều, chẳng biết bán cho ai!”. Còn nhớ, dăm bảy năm trước, cùng với việc bỏ ra vài trăm triệu đồng để xây dựng một xưởng dệt khá khang trang ngay trong làng, chính quyền còn cử hẳn mấy nữ nghệ nhân dệt của Bneur C đi học nghề ở các làng dệt tỉnh ngoài để về truyền dạy cho chị em trong làng.

Trong những nghệ nhân được cử đi học nghề ấy, Ka Chương là  một trong những cánh chim đầu đàn. Rồi, Ka Chương còn được cử đi ra nước ngoài để vừa tham quan và vừa tuyên truyền cho sản phẩm dệt truyền thống của người dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên này nữa.

Đìu hiu làng gốm

Cách làng dệt thổ cẩm truyền thống của người Cill dưới chân núi Langbian khoảng 40 km là làng gốm Krăng Gọ thuộc xã Pró của người Churu nằm bên dòng sông Đa Nhim, huyện Đơn Dương. Hôm rồi, tôi lại về nơi ấy! bà Ma Wơng (73 tuổi, làng Krăng Gọ) vẫn không dừng tay bên bàn xoay gốm và ngước mặt lên nhìn tôi, giọng không vui: “Giờ thì trong làng còn có mấy nhà làm gốm nữa đâu! Khác xưa nhiều rồi…”.

 

Nghệ nhân làm nhẫn bạc duy nhất của người Churu còn sót lại-anh Ya Tuất, ở thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương. Ảnh: K.D
Nghệ nhân làm nhẫn bạc duy nhất của người Churu còn sót lại-anh Ya Tuất, ở thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương. Ảnh: K.D

Bà nói như vừa muốn thông báo với tôi một thông tin “thời sự” nhưng cũng đồng thời vừa nhắc nhớ tôi rằng nghề gốm xưa ở làng này nhộn nhịp lắm như tôi từng chứng kiến chứ không phải vắng hoe như bây giờ. Mà quả thật là như vậy! Hai mươi năm trước, hai anh cán bộ xã Pró là Jrông Thu và Tôrông Cường (hiện hai người này là Phó Chủ tịch và Chủ tịch HĐND xã Pró) đã dắt tôi đi tham quan khắp làng gốm Krăng Gọ.

Hồi ấy, trẻ em gái khoảng năm bảy tuổi nếu không đi học thì suốt ngày ngồi bên bà, bên mẹ để “học nghề” chứ không chạy lông nhông như bây giờ. “Cái Ma Phương của già hồi mười mấy hay hai mươi năm trước gì đó, tuy đã lớn rồi và cũng đã thạo nghề rồi nhưng thỉnh thoảng nó vẫn ngồi lại với mình bên bàn xoay để học mấy kiểu hoa văn từ khó đến rất khó. Nhờ vậy mà cái “tay gốm” của nó nhanh và chính xác hơn những đứa gái khác!”-bà Ma Wơng, mẹ của Ma Phương (Ma Phương năm nay 49 tuổi), đã nói với tôi như vậy. Cũng nhờ ngồi bên bàn xoay của mẹ từ khi còn bé nên lớn lên, khi trở thành một thiếu nữ, Ma Phương được huyện cử xuống làng gốm Bàu Trúc (ở Ninh Thuận) để học hỏi thêm nghề gốm (hồi năm 2006). Học về, Ma Phương phổ biến lại cho chị em trong làng, ai cũng thích thú.

Dạo năm ngoái, sau lần đi tham gia “Những ngày Văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội” về, gặp tôi, Ma Phương khoe: “Ở Hà Nội, khi chúng em làm cái krơ, cái bló, cái apu… chỉ bằng hai tay, ai ai cũng thích hết á! Có người còn hỏi thăm địa chỉ và số điện thoại rồi hứa có dịp vào Lâm Đồng sẽ đến thăm làng gốm Pró của người Churu của chúng em. Vui lắm!”. Rồi, bỗng giọng Ma Phương chùng xuống: “Ừ, mà kể cũng lạ! Không hiểu sao khi nói đến “làng gốm Pró của người Churu”, ai cũng cảm thấy thích thú nhưng nghe xong câu chuyện, họ thường hỏi lại là “Làng Pró ở đâu vậy?”. Vậy, nghĩa là sao?”.

Tôi tìm đến anh Nguyễn Tấn Xí- Chủ tịch UBND xã Pró, để “nhờ” anh trả lời câu hỏi này. Anh Nguyễn Tấn Xí nghiêm giọng: “Hiện chúng tôi biết rõ nghề gốm truyền thống của bà con bị mai một nhưng không vì thế mà nản lòng. Một mặt, chúng tôi vừa động viên bà con cố duy trì nghề và mặt khác, chúng tôi đang tìm kiếm “đầu ra” cho sản phẩm bằng nhiều cách; trong đó, du lịch là một trong những hướng mà chúng tôi đang nhắm tới!”.

Nghe anh Xí “nêu quyết tâm”, tôi thực sự mừng, nhưng không vì thế mà lạc quan tếu. Bởi lẽ, theo cách tính của Ma Phương thì quả là chưa thể loại bỏ những trăn trở của người dân làng gốm truyền thống Pró qua một bên được: Trung bình, cứ 2 ngày, một người dân ở đây làm được 5 sản phẩm gốm và mỗi sản phẩm ấy chỉ bán được trung bình 30 ngàn đồng! Nếu trừ vốn bỏ ra thì công lao động của nghề này quả là bèo bọt!

Nghe ông Phó Chủ tịch UBND huyện nói (vừa giải thích và cũng là vừa phân bua), thực tâm là tôi mong sao điều ấy sẽ là hiện thực trong tương lai không xa, không chỉ có nhẫn bạc và gốm của người Churu bên dòng Đa Nhim được phục hồi mà còn có cả nghề dệt của buôn Bneur C dưới chân núi Langbian cũng trở lại “ngôi vị” vốn dĩ của nó nữa.

Khắc Dũng

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.