Lãnh đạo Bộ Công an nhấn mạnh người dân được giám sát lực lượng CSGT làm nhiệm vụ nhưng không được cản trở
Thông tư 67/2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) chính thức có hiệu lực từ hôm nay, 15-1.
Ngăn chặn tiêu cực
Theo thông tư này, người dân sẽ có nhiều cách để giám sát lực lượng công an trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Cách thứ nhất, thông qua các thông tin công khai của công an và phản hồi qua phương tiện thông tin đại chúng. Thứ hai, thông qua các chủ thể giám sát theo quy định. Thứ ba, thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ. Thứ tư, thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Đoàn kiểm tra đặc biệt của Công an tỉnh Ninh Bình kiểm tra nồng độ cồn đối với cán bộ, chiến sĩ. (Ảnh do công an cung cấp)
Đáng chú ý, thông tư quy định người dân có quyền giám sát bằng thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng phải bảo đảm các điều kiện: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự ATGT và tuân thủ các quy định pháp luật khác.
Khu vực bảo đảm trật tự ATGT là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT và an ninh trật tự. Khu vực này phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan. "Nhân dân giám sát Công an Nhân dân (CAND) phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật" - điều 10 Thông tư 67/2019 viết.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an, khẳng định trong quy chế dân chủ mới ban hành, người dân được quay hình, giám sát lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Đây là một trong những giải pháp thể hiện sự quyết tâm của ngành công an nhằm ngăn chặn tình trạng tiêu cực, trong đó có lực lượng CSGT.
Ông Dũng cũng cho biết quá trình xây dựng thông tư, cơ quan chức năng đã lắng nghe ý kiến đóng góp để điều chỉnh cho phù hợp, điển hình là quy định về hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Tuy nhiên, việc quay hình cần bảo đảm khoảng cách để không ảnh hưởng tới lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
"Không ít cá nhân có những hành vi cố tình quay phim, chụp ảnh CSGT để thực hiện ý đồ xấu. Thậm chí, nhiều người vi phạm pháp luật về giao thông, xin không được còn mang điện thoại di động gí sát mặt rồi có những lời nói thiếu văn hóa, kích động cán bộ, chiến sĩ khi thực thi nhiệm vụ. Lực lượng CSGT đã được quán triệt là kiềm chế để tránh rơi vào ý đồ xấu của các đối tượng" - một cán bộ CSGT TP Hà Nội nói.
Để hạn chế việc này, lực lượng CSGT kiến nghị các cơ quan chức năng kiểm soát các nội dung truyền tải trên mạng xã hội. Ngoài ra, đề nghị cơ quan chức năng có chế tài xử lý theo Luật An ninh mạng hoặc Bộ Luật Hình sự đối với cá nhân cố tình có lời lẽ sai chuẩn mực, kích động gây hiểu nhầm cho dư luận làm xấu lực lượng CAND.
Xây dựng hình ảnh đẹp
Cùng ngày, Công an tỉnh Ninh Bình cho biết vừa thành lập đoàn kiểm tra đặc biệt để kiểm tra việc chấp hành các quy định về điều lệnh CAND nói chung, các quy định về phòng chống tác hại của rượu bia nói riêng trong toàn lực lượng Công an tỉnh Ninh Bình.
Theo đó, đoàn kiểm tra do đại tá Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, làm trưởng đoàn, sẽ kiểm tra đột xuất tại các cơ quan, đơn vị trong lực lượng về việc sử dụng rượu bia, nồng độ cồn đối với cán bộ chiến sĩ bằng các thiết bị chuyên dụng trong thời gian 24/24 giờ.
Đoàn công tác cũng sẽ đặc biệt chú ý kiểm tra lực lượng trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc cho nhân dân; lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông, bảo đảm an ninh trật tự, nếu phát hiện vi phạm thì kiên quyết xử lý nghiêm.
Theo Công an tỉnh Ninh Bình, thông qua việc kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm trong nội bộ để góp phần thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, nhà nước và Bộ Công an; phòng tránh các vi phạm, đồng thời xây dựng hình ảnh người Công an Ninh Bình đẹp trong mắt nhân dân.
Khuyến khích lực lượng chức năng làm tốt hơn Một lãnh đạo Đội CSGT Bến Thành (Công an TP HCM) cho biết quy định cho phép người dân được ghi âm, ghi hình đối với lực lượng CSGT có từ lâu và lực lượng chức năng cũng không ngăn cản việc này. Đây là giải pháp giám sát giúp cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt hơn trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, cần phải biết ghi âm, ghi hình thế nào để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân. Không ít trường hợp rất phản cảm. Khi vừa thấy hiệu lệnh dừng phương tiện đã vội sử dụng điện thoại để ghi hình, sau đó tranh cãi đôi co. Người dân được phép ghi nhưng cần chịu trách nhiệm nội dung khi phát tán hình ảnh. Ngoài ra, phải biết giới hạn, quyền đến mức nào khi giám sát. Một lãnh đạo Đội CSGT Cát Lái (Công an TP HCM) thông tin thêm là một số trường hợp CSGT làm nhiệm vụ phải mặc thường phục để thực hiện chuyên đề đặc thù như ghi nhận tốc độ của phương tiện. Những lúc như vậy, không ít người đã tìm đến khu vực mật phục ghi hình để gây cản trở. Mặc dù được mời đến khu vực xử lý để làm việc nhưng người vi phạm không chấp hành. Vì vậy, giám sát không gây ảnh hưởng là điều khuyến khích để lực lượng chức năng thực hiện tốt hơn. L.Phong |
Nguyễn Hưởng-Thanh Tuấn (NLĐO)