Điểm sáng chăm sóc sức khỏe nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ông Trương Thế Vinh-Trưởng phòng Y tế huyện Ia Grai-cho biết: Trạm Y tế xã Ia Yok là đơn vị tiêu biểu trong hệ thống y tế cơ sở của huyện khi nhiều năm liền giữ vững danh hiệu chuẩn quốc gia về y tế xã, được Giám đốc Sở Y tế tặng giấy khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác.

Trạm Y tế xã Ia Yok có tổng biên chế 6 người gồm 1 bác sĩ, 2 y sĩ, 1 điều dưỡng, 1 nữ hộ sinh, 1 dược sĩ. Dưới sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Trung tâm Y tế huyện Ia Grai cùng sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương, Trạm đã thực hiện hiệu quả kế hoạch chuyên môn và các nhiệm vụ phân cấp.

  Các y-bác sĩ Trạm Y tế xã Ia Yok xử lý vết thương cho bệnh nhân.       Ảnh: L.T
Các y-bác sĩ Trạm Y tế xã Ia Yok xử lý vết thương cho bệnh nhân. Ảnh: L.T



Bác sĩ Lý Tiến Thành-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-nhận xét: Trạm Y tế xã Ia Yok luôn làm tốt công tác khám-chữa bệnh, sử dụng thuốc an toàn, chú trọng chính sách chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đội ngũ cán bộ, viên chức của Trạm luôn chấp hành tốt nhiệm vụ chuyên môn và y đức, nêu cao tinh thần phục vụ, hòa nhã khi đón tiếp bệnh nhân. 5 năm trở lại đây, Trạm Y tế xã Ia Yok đã khám-chữa bệnh cho 40.870 lượt bệnh nhân.

Bên cạnh đó, Trạm luôn chú trọng kết hợp y học cổ truyền và hiện đại trong điều trị, đảm bảo chỉ tiêu trên giao. Từ năm 2014 đến nay, số bệnh nhân được điều trị y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại tại Trạm đạt 7.655 lượt người. Dược sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết: “Trạm đã xây dựng được vườn mẫu thuốc Nam với 70 loại cây theo danh mục của Bộ Y tế. Trong quá trình điều trị, Trạm hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thêm một số cây thuốc Nam và các thảo dược thông dụng. Trạm còn tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân bị đau thần kinh tọa, đau vai gáy, tê tay chân bằng phương pháp châm cứu, soi đèn hồng ngoại kết hợp với thuốc Đông y đã bào chế trong danh mục ở tuyến xã”.

Mặt khác, Trạm thường xuyên chú trọng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh, kết hợp truyền thông tại các buổi họp thôn làng, treo băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, gửi nội dung tuyên truyền lên chương trình truyền thanh của xã... Hàng năm, Trạm luôn giám sát kịp thời các ca bệnh truyền nhiễm tại các thôn làng, đồng thời có kế hoạch xử lý thành công những ổ dịch nhỏ, không để dịch lan rộng ra cộng đồng.

Vườn mẫu thuốc Nam  tại Trạm Y tế xã Ia Yok. Ảnh: L.T
Vườn mẫu thuốc Nam tại Trạm Y tế xã Ia Yok. Ảnh: L.T


Ông Hồ Việt Bắc-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Yok: “Trạm Y tế xã Ia Yok đã phát huy tốt vai trò y tế cơ sở như: phối hợp cùng chính quyền địa phương cụ thể hóa công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn; tham mưu Đảng ủy, UBND xã và ngành Y tế huyện thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch bệnh, chương trình mục tiêu y tế quốc gia; nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh và các chương trình y tế cơ sở, góp phần xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, năm 2018, xã Ia Yok đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”.

Theo chia sẻ của Trưởng trạm Nguyễn Văn Huyên, năm 2018, trên địa bàn xã phát sinh ổ dịch tay chân miệng ở Trường Mầm non 1-5. Trạm đã cử cán bộ chuyên môn xác minh, thu thập thông tin, số liệu và ghi nhận có 42 ca bệnh của 3 lớp học, từ đó kịp thời báo cáo Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp điều trị, phun hóa chất và hướng dẫn người dân khử khuẩn nhà cửa, vật dụng theo đúng quy trình của Bộ Y tế. Nhờ đó, Trạm đã kịp thời dập tắt mầm bệnh, không để phát sinh ca bệnh mới.

Trong triển khai các chương trình theo tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế xã, 5 năm gần đây, Trạm thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng đạt 97%, chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản đạt 96%, chương trình chăm sóc người cao tuổi đạt 85%... Riêng chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm hàng năm đều có kế hoạch thanh-kiểm tra các chủ hộ buôn bán, sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

LƯƠNG THANH

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.