Chuyện chưa biết về nữ y tá thời chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù không trực tiếp cầm súng nhưng các nữ y tá đã có những đóng góp vô cùng quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Một ngày đầu tháng 4, chúng tôi may mắn được gặp và trò chuyện với 2 cựu y tá: Trần Thị Lệ Thu và Trần Thị Lệ Kim. Có khá nhiều điểm chung giữa họ, đó là sự giống nhau cả họ lẫn tên đệm, cùng sinh ra và lớn lên trên quê hương Quảng Ngãi, cùng được đào tạo y tá tại Trường Liên khu 5 và cùng được phân công vào Ban Dân y tỉnh Gia Lai năm 1969. Giờ đây, họ lại ở gần nhau trên cùng tuyến phố Lý Tự Trọng, TP. Pleiku. Và thỉnh thoảng, họ vẫn ngồi trò chuyện với nhau, để cùng nhắc nhớ về những năm tháng gian khó, khốc liệt nhưng đầy tự hào.  
3 KỶ NIỆM KHÔNG BAO GIỜ QUÊN
“Thời kỳ đó khổ lắm con ơi!”-bà Trần Thị Lệ Thu (21 Lý Tự Trọng, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) rưng rưng khi nhớ lại. Trước khi nhận công tác tại Ban Dân y tỉnh năm 1969, bà Thu từng có thời gian tham gia hoạt động cách mạng ở quê nhà Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Bà kể: “Tháng 3-1959, cơ sở nuôi giấu cán bộ của gia đình bị lộ, mẹ tôi bị địch bắt. Ngay sau đó, bọn địch gắn lên cánh cửa nhà tôi tấm bảng “Nhà cộng sản”. Từ đó, gia đình tôi gần như bị cô lập vì không ai dám lại gần. Trong suốt 3 năm, mẹ tôi bị bọn địch giam cầm, tra tấn. Thay vì sợ hãi, hàng đêm, tôi vẫn chong đèn bên khung dệt trước hiên nhà để cảnh giới cho bộ đội”. Trong trí nhớ của cựu y tá 77 tuổi này, suốt những năm tháng chiến đấu gian khổ, có 3 kỷ niệm mà bà không bao giờ quên, đó là kỷ niệm với bác sĩ-liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Núp và 9 ngày 8 đêm trong rừng Kbang.
Bà Thu rưng rưng khi nhớ lại những năm tháng đã qua. Ảnh: P.D
Bà Thu rưng rưng khi nhớ lại những năm tháng đã qua. Ảnh: P.D
...Năm 1967, bà Thu được phân công về công tác tại Ban Dân y của huyện Đức Phổ. Đây là khoảng thời gian bà có dịp gặp gỡ, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Năm đó, địch đánh phá đồn Núi Dâu rất ác liệt nên bà được đơn vị phân công xuống cơ sở để tham gia sơ, cấp cứu cho bộ đội, nhân dân bị thương. “Một lần, khoảng 3 giờ sáng, tôi và Trâm vừa sơ cứu xong cho 3 thương binh tại một nhà dân ở xã Phổ Hiệp. Tôi đang lau rửa dụng cụ chuẩn bị xuống hầm công sự thì bất ngờ 2 tên lính Mỹ còn rất trẻ xông vào. Tranh tối tranh sáng, tôi và Trâm nhanh tay phi tang dụng cụ y tế, còn chị chủ nhà-cũng là cơ sở cách mạng-xua tay và liên tục nói “No vi-xi” (tức không phải Việt cộng). Lúc này, 3 chiến sĩ vừa được băng bó vết thương đã kịp lẻn ra, chạy vào ruộng mía”-bà Thu nhớ lại. Kể về bác sĩ-liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, bà Thu hồi tưởng: “Những lúc địch càn phải chui xuống hầm bí mật, Trâm  luôn mang theo 1 chiếc đèn pin nhỏ trong người, lúc nằm dưới hầm vẫn bấm đèn pin để viết nhật ký”.
Ký ức của bà Thu trong những ngày đầu đặt chân lên Tây Nguyên là hình ảnh những chiếc trực thăng của Mỹ sà xuống rất thấp rồi rải một thứ chất bột màu trắng, khét lẹt. Chất bột ấy khiến cho cá dưới sông chết la liệt, hạt bắp trên cây cũng nổ bung như vừa được rang chín... “Khi đó, không biết thứ bột trắng ấy là chất độc hóa học nên chúng tôi vẫn vớt cá về muối ăn, hạt bắp nào bị nổ thì lặt bỏ, chọn những hạt còn nguyên để nấu; thậm chí trái dưa gang bị nứt toác cũng sẽ lược bỏ phần nứt đi và ăn phần còn lại...”-bà Thu nhớ lại. Năm 1970, khi vừa chân ướt chân ráo về nhận nhiệm vụ tại huyện 10, bà được phân công theo chân 2 du kích địa phương lên làng Đê Gút chữa trị cho thương binh. Không biết tiếng địa phương, cũng không biết đường sá nên bà cứ lầm lũi đi theo dấu chân 2 du kích. “Đi từ 6 giờ sáng đến tận 6 giờ tối, chúng tôi mới tới một chiếc chòi nhỏ. Hai du kích đi cùng để tôi lại chòi với 1 chiến sĩ đang nằm sốt mê man, rồi nói gì đó và tiếp tục đi về phía trước. Sau khi tiêm thuốc hạ sốt cho người bị thương, tôi mắc võng nằm co ro cả đêm, vừa đói, vừa khát, vừa sợ”-bà Thu trải lòng. Đến ngày thứ 3, anh thương binh cũng dần tỉnh táo nhưng vì không biết tiếng nên họ thỉnh thoảng mới nói chuyện bằng cách ra dấu tay với nhau. Vừa chăm sóc cho người thương binh, bà vừa vào rừng tìm kiếm thức ăn để duy trì sự sống cho cả 2. Hơn 1 tuần trôi qua, 2 du kích kia mới trở lại và dìu anh  thương binh về làng... Với bà Thu, cái cảm giác vui mừng khi nhìn thấy 2 du kích quay trở lại không thể nào diễn tả hết bằng lời!
Nói về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Núp, bà Thu nhớ lại: “Bác Núp là người vô cùng hiền lành và rất hòa đồng, thân thiện. Bác Núp chịu đau rất tốt, dù có bị thương nặng đến mấy nhưng khi hỏi bác đều nói: “Không sao đâu”. Đặc biệt, bác Núp bắt nhái, bắt ếch rất giỏi. Có lần, tôi được đi công tác cùng bác, khi băng qua một cánh đồng để về làng, cứ đi một đoạn lại thấy bác cúi xuống chộp 1 con, rồi lận đầy vào lưng quần...”.
TỰ HÀO ĐƯỢC THAM GIA VẬN CHUYỂN GỖ XÂY LĂNG BÁC
Câu chuyện với bà Trần Thị Lệ Kim  (71 tuổi, trú tại 17 Lý Tự Trọng, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) cũng mang đến khá nhiều chi tiết thú vị. Bà Kim cho hay, 2 tháng sau khi được phân công về Ban Dân y tỉnh, bà được điều động về làm công tác phong trào ở khu 4 (nay là huyện Ia Grai và Chư Pah). “Ban ngày, địch tổ chức đi càn quét liên tục nên mình chỉ ở ngoài rừng, ban đêm mới dám vào làng, nhà nào có người đau ốm thì mình tới để thăm khám, phát thuốc”-bà Kim chia sẻ. Năm 1971, khi bà đang băng bó cho một người bị thương ở B5 (nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) thì nhận được tin Khu cơ quan bị địch đánh phá. Không dám quay trở lại cơ quan, bà chạy ngược lên phía có đơn vị bộ đội 631 đóng quân và xin tá túc ở đó 1 đêm. Sáng hôm sau, địch đánh chỗ đơn vị này, 1 đồng chí Tiểu đoàn phó tên Khương bị thương ở đùi. “Tôi giúp anh băng bó vết thương, rồi cùng một số anh em dìu anh chạy trốn... Thực phẩm mang theo chỉ đủ nuôi bộ đội, thương binh nên trong suốt 4 ngày xa cơ quan, tôi chỉ ăn chuối rừng chống đói”-bà Kim kể. Trong gần 3 năm ở khu 4, gần như ngày nào bà cũng phải chạy để tránh địch và chuyện ăn lá mì, chuối rừng, thậm chí nhịn đói diễn ra thường xuyên. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, lại thường xuyên phải xuống cơ sở nên sau đó bà Kim quyết tâm phải học cho được tiếng địa phương để vừa có thể tiện hỏi thăm đường sá đi lại, vừa thuận tiện cho việc khám, điều trị bệnh và hướng dẫn người dân cách sử dụng thuốc đúng liều lượng...         
     Bà Kim đang lật giở những tấm bằng khen, giấy khen được tặng.  Ảnh: P.D
Bà Kim đang lật giở những tấm bằng khen, giấy khen được tặng. Ảnh: P.D
Lục tìm trong ngăn tủ, bà Kim lấy ra 1 tập giấy tờ được bọc rất cẩn thận và gói trong túi ni lông. Bà nói như khoe: “Tôi có thời gian từng tham gia vận chuyển gỗ xây Lăng Bác đấy!”. Sau một hồi lật giở các tài liệu, bà đưa cho chúng tôi tấm giấy khen đã cũ nhưng còn nguyên vẹn do Chủ tịch UBND Cách mạng tỉnh lúc bấy giờ là ông Ksor Ní ký (năm 1974) vì thành tích trên. “Tôi còn được đồng chí Đỗ Mười, lúc ấy là Trưởng ban Phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng bằng khen nữa!”-bà Kim tự hào. 
Hồi tưởng lại khoảng thời gian tham gia tổ y tế phục vụ công tác kéo gỗ xây Lăng Bác Hồ, bà Kim tự hào: “Nhiệm vụ của tổ y tế chúng tôi là đi theo những anh em đốn cây, kéo gỗ, nếu có ai bị thương, bị đau ốm thì băng bó, chữa trị. Công việc lúc đó khá vất vả, mọi người phải băng rừng, lội suối để tìm những cây gỗ quý nhưng ai nấy đều hăng hái, tự hào vì được đóng góp một phần công sức để xây dựng Lăng Bác”. Theo bà Kim, công việc kéo gỗ từ trong rừng ra khu vực tập kết để vận chuyển ra Hà Nội còn khó khăn hơn nhiều lần so với việc vào rừng tìm cây, đốn cây. Những khúc gỗ sau khi được đẽo vuông vức theo kích thước nhất định đều được đục lỗ ở 2 đầu, sau đó buộc dây kéo đi xa hàng chục cây số trong đường rừng gồ ghề, khúc khuỷu. Đặc biệt, việc kéo gỗ thường thực hiện ban đêm nên ngoài lực lượng kéo phía trước, luôn phải có người đi phía sau điều hướng, tránh không để đuôi khúc gỗ rớt xuống rãnh sâu... Nhưng may mắn là đợt ấy không có ai bị thương nặng hay đau ốm mà chỉ trầy xước nhẹ, do đó tổ y tế cũng cùng hợp sức kéo gỗ. Mãi đến năm 2015, bà Kim mới có dịp ra Hà Nội viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Ngắm nơi yên nghỉ của vị lãnh tụ kính yêu, người cha già dân tộc, tôi cảm thấy vô cùng tự hào vì bản thân đã góp một phần nhỏ trong đó”-bà Kim bộc bạch.
...Giờ đây, ngoài bệnh già thông thường do tuổi cao, cả 2 cựu y tá đều mang trong mình nhiều di chứng do những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ, khốc liệt. Bà Kim cho hay, bà phải thường xuyên đến bệnh viện thăm khám vì các bệnh như xương khớp, mỡ máu, men gan cao, viêm đại tràng. Còn bà Thu cũng mắc các bệnh viêm thần kinh ngoại biên, tim mạch, huyết áp. Đặc biệt, khi phát hiện bị ung thư đại tràng cách đây 2 năm, bà đã được phẫu thuật nhưng phải thường xuyên theo dõi sức khỏe. Dù vậy, trong những câu chuyện với chúng tôi, trên môi họ luôn là những nụ cười lạc quan và tự hào. Tự hào vì những đóng góp của mình để hôm nay quê hương đất nước ngày càng đổi mới, đẹp tươi...
 PHƯƠNG DUNG
-----------------
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tài trợ cuộc thi này.

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.