Điểm mặt đại dự án thua lỗ của Bộ Công Thương lọt tầm ngắm Bộ Công an

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) đã có báo cáo số 1277 về việc xử lý các tồn tại yếu kém ở một số dự án, doanh nghiệp của ngành Công thương. Bộ Công an đã khởi tố vụ án, bị can tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng tại một số dự án trên.
Cụ thể, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu Uỷ ban) đã rà soát, tổng hợp các hồ sơ của 11/12 dự án, nhà máy từ bộ Công Thương. Qua đó, Siêu Uỷ ban đánh giá, mặc dù số lượng nhiệm vụ mà các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành chiếm 75,36%, nhưng các khó khăn mấu chốt vẫn nằm ở 17 nhiệm vụ quá hạn mà chưa hoàn thành.
Theo báo cáo của Siêu Uỷ ban, đối với 6 nhà máy, dự án hoạt động trở lại thì có 2 đơn vị có lãi (DAP số 1 Hải Phòng và Nhà máy thép Việt-Trung), 4 đơn vị đã giảm lỗ theo từng năm nhưng hoạt động vẫn còn nhiều khó khăn vì thiếu vốn, gánh nặng nợ nần nên chưa thể thực hiện thoái vốn Nhà nước (gồm đạm Hà Bắc, nhà máy DAP số 2 Lào Cai, đạm Ninh Bình, Công ty DQS).
Theo thông tin từ Bộ Công an, các dự án Polyester Đình Vũ, Nhà máy sinh học Ethanol Phú Thọ, Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên đã bị đã khởi tố vụ án, bị can về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá các kết luận thanh tra để xử lý ở hàng loạt dự án như: Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol Quảng Ngãi, Nhà máy đạm Ninh Binh, Nhà máy công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất, bột giấy Phương Nam, Nhà máy sản xuất phân DAP số 2 Lào Cai.
 
"Giải pháp tốt nhất đối với  Ethanol Phú Thọ lúc này là nên cho phá sản." ông Lê Mạnh Hùng - Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đánh giá.
Ethanol Phú Thọ là dự án nguyên liệu sinh học nhằm sản xuất ethanol làm nguyên liệu phối trộn tạo xăng sinh học. Dự án do Công ty CP PVB thực hiện từ tháng 7/2009, trên diện tích 50ha (chủ yếu là đất trồng lúa của nhân dân 3 xã Cổ Tiết, Tam Cường, Văn Lương - huyện Tam Nông, Phú Thọ). Dự án có vốn đầu tư ban đầu khoảng 1.317 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên hơn 2.400 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện dự án, cơ quan Công an đã tiến hành điều tra xử lý vi phạm và đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015 xảy ra tại Công ty cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) khi thực hiện Dự án nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can, trong đó có nguyên Tổng giám đốc PVB; khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú 1 bị can về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ.
Bộ Công an thông tin thêm, qua quá trình mở rộng điều tra, cơ quan chức năng tiến hành khởi tố bắt tạm giam 1 bị can (nguyên Chủ tịch HĐQT PVN) và khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú 1 bị can (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự.
 
Hiện trạng ngổn ngang của dự án mở rộng giai đoạn 2 công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO)
Dự án mở rộng giai đoạn 2 công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) hiện đang lâm vào tình trạng “cực kỳ khó khăn”. Theo báo cáo đánh giá của HĐQT Gang thép Thái Nguyên, đầu năm 2019, Tisco đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn tới phá sản nếu không có sự “giải cứu” của Chính phủ, các ngân hàng và các cấp có thẩm quyền.
Vừa qua, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam 5 bị can được xác định có sai phạm tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (Công ty TISCO).
Trong số này, hai cựu lãnh đạo của Tổng Công ty thép Việt Nam là ông Mai Văn Trinh (cựu chủ tịch HĐQT) và Đậu Văn Hùng (cựu tổng giám đốc) cùng bị khởi tố về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Ba bị can khác là cựu lãnh đạo TISCO gồm Trần Trọng Mừng (cựu tổng giám đốc), Trần Văn Khâm (cựu chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc) và Ngô Sỹ Hán (cựu phó tổng Giám đốc, trưởng ban quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2) cùng bị khởi tố về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
 
Dự án xơ sợi Đình Vũ trị giá hàng trăm triệu USD hiện vẫn đang đắp chiếu.
Sau khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc năm 2016 phát hiện trong quá trình triển khai dự án xơ sợi Đình Vũ, PVTEX đã không tổ chức thẩm định, tính toán kỹ, tăng tổng mức đầu tư không đúng với chi phí, tính sai chi phí... trị giá khoảng 38,7 triệu USD khiến dự án bị đội vốn lên hơn 363 triệu USD.
Đáng chú ý, PVN với tư cách là bên có vốn chi phối tại PVTEX đã có nhiều vi phạm như: không kiểm tra, đôn đốc, giám sát kịp thời để đảm bảo dự án thực hiện đúng quy định pháp luật. Trong bối cảnh dự án thua lỗ, năm 2014, PVN vẫn phóng tay mua lại 34,2 triệu cổ phần của Vinatex và Tổng công ty CP Phong Phú tại PVTEX không đúng quy định pháp luật gây khoản lỗ hơn 1.400 tỷ đồng tại dự án.
Liên quan đến dự án này, Thanh tra Chính đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an kiến nghị xem xét trách nhiệm hình sự đối với các dấu hiệu tội phạm về cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.
Thanh Phong (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm