Sở Giao thông-Vận tải đang quản lý 556.197 GPLX hạng A1 trên tổng số 978.481 xe mô tô đăng ký, cấp biển số; có 54.412 người trên 18 tuổi chưa có GPLX. Trong năm 2022, toàn tỉnh có 3.785 trường hợp người điều khiển phương tiện bị xử lý do không có GPLX.
Các cơ sở đào tạo thường xuyên phối hợp với xã, thị trấn tuyển sinh đào tạo và sát hạch cấp GPLX hạng A1. Ảnh: Minh Phương |
Ông Tăng Xuân Kiên-Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở Giao thông-Vận tải) cho biết: Công tác tuyên truyền, vận động đã được các ngành, đơn vị quan tâm triển khai thực hiện nên số lượng người dân tham gia học và sát hạch cấp GPLX hạng A1 tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, số lượng người điều khiển xe mô tô chưa có GPLX hạng A1 và vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn nhiều, trong đó, tập trung vào người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn điều khiển xe mô tô khi chưa có GPLX nhưng không được các cấp chính quyền, lực lượng chức năng nhắc nhở, giáo dục và xử lý theo quy định. Do vậy, một trong những giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông quan trọng nhất và bền vững hiện nay là đẩy mạnh công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có hơn 8.000 người dân tộc thiểu số được đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A1, trong đó có rất nhiều người không biết đọc, biết viết.
Bà Nguyễn Thị Hà-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khánh Bảo-cho hay: Đơn vị thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn của huyện Chư Sê xuống tận thôn, làng để tuyển sinh, vận động người dân đăng ký học để sát hạch cấp GPLX hạng A1 và hỗ trợ bà con làm hồ sơ, thủ tục. Tuy nhiên, số lượng người dân tộc thiểu số đăng ký học rất ít. Từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị chỉ mở được 7 khóa đào tạo với 1.877 học viên, trong số này có 1.285 học viên đã được cấp GPLX hạng A1. Dự kiến từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ mở thêm 10 khóa đào tạo với khoảng 1.000 học viên. “Đa phần người dân tộc thiểu số gặp khó khăn về tài chính nên đơn vị không thu học phí trước mà đợi đến khi nào học viên có đủ điều kiện dự thi mới tiến hành thu. Ngoài ra, hàng năm, đơn vị đều tham mưu UBND huyện Chư Sê ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp tuyển sinh nhưng số người đăng ký học rất ít”-bà Hà nêu thực tế.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Tuyền-Chủ tịch UBND xã Dun (huyện Chư Sê) cho biết: Mặc dù Công an xã, Mặt trận và các đoàn thể thôn, làng đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhưng qua 2 lần tổ chức chỉ có gần 100 hồ sơ đăng ký đào tạo và sát hạch cấp GPLX hạng A1. “Đối tượng mà chúng tôi hướng đến là đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là thanh niên trong độ tuổi thi cấp GPLX. Tuy nhiên, một số người dân cho rằng “chỉ quanh quẩn trong làng” nên chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học lái xe mà chỉ tìm cách đối phó với sự kiểm tra của lực lượng chức năng”-Chủ tịch UBND xã Dun cho hay.
Qua tìm hiểu, huyện Kbang là địa phương đầu tiên trong tỉnh hoàn thành việc lập danh sách người dân đủ tuổi, đủ sức khỏe, có nhu cầu đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A1 trên địa bàn để tuyên truyền, vận động tham gia các khóa học. Theo đó, từ đầu tháng 4-2023 đến nay, với sự nỗ lực vận động của các cấp, ngành, 180 người dân ở 7 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã đăng ký học, sát hạch cấp GPLX hạng A1.
Không chỉ đào tạo và tổ chức thi sát hạch cấp GPLX, các cơ sở đào tạo còn giúp người dân tiếp cận kiến thức về pháp luật an toàn giao thông, chú trọng đào tạo về kỹ năng điều khiển phương tiện. Ảnh: Minh Phương |
Trao đổi với P.V, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở Giao thông-Vận tải) cho biết thêm: Đơn vị đã có văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo rà soát, lập danh sách người dân đủ tuổi, đủ sức khỏe, có nhu cầu đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A1 để triển khai đến các cơ sở đào tạo lái xe thực hiện tuyển sinh, đào tạo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đặc biệt, các đơn vị tổ chức đào tạo, sát hạch ngay tại địa bàn cơ sở để giảm chi phí đi lại, khuyến khích người dân tham gia; đồng thời có chính sách miễn, giảm học phí cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
“Ở những nơi đủ điều kiện thì chúng tôi yêu cầu tuyển sinh, đào tạo và sát hạch tại chỗ. Cùng với đó, các cơ sở đào tạo cũng có giải pháp giúp người dân được tiếp cận nhiều nhất với kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, chú trọng đào tạo về kỹ năng điều khiển phương tiện; đồng thời, xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu của người dân, không để xảy ra việc thu học phí trái quy định, đào tạo không đúng nội dung, chương trình”-ông Kiên nhấn mạnh.