Dạy học môn tích hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Còn khó khăn, vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bậc THCS xây dựng 2 môn tích hợp mới gồm môn Khoa học tự nhiên (tích hợp các môn Sinh học, Hóa học, Vật lý) và môn Lịch sử và địa lý. Trên thực tế, việc triển khai giảng dạy 2 môn này đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Còn nhiều vướng mắc

Gần 24 năm công tác, cô Đỗ Thị Liên-Giáo viên Trường THCS Chu Văn An (xã Tân An, huyện Đak Pơ) gắn bó với bộ môn Hóa học. Từ khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bậc THCS xây dựng 2 môn tích hợp mới, cô Liên đảm nhận thêm môn Sinh học và Vật lý.

Cô Liên chia sẻ: Mặc dù đã tham gia đầy đủ chương trình bồi dưỡng công tác dạy học môn tích hợp, nhưng bản thân vẫn chưa đủ tự tin đảm nhận bộ môn này. Trong khi giáo trình đào tạo bồi dưỡng vẫn theo từng phân môn, giáo viên môn nào dạy môn đó.

“Không riêng học trò tiếp cận chương trình mới, mà bản thân mỗi giáo viên cũng phải tự mày mò, tìm hiểu và nâng cao trình độ chuyên môn. Điều tôi băn khoăn nhất là phần kiến thức chuyên sâu, giáo viên dạy tích hợp khó có thể giúp học sinh hiểu sâu bài học, đặc biệt là những nội dung nâng cao”-cô Liên nói.

Cô Đỗ Thị Liên-Giáo viên Trường THCS Chu Văn An (xã Tân An, huyện Đak Pơ) đảm nhiệm dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên. Ảnh: T.D

Cô Đỗ Thị Liên-Giáo viên Trường THCS Chu Văn An (xã Tân An, huyện Đak Pơ) đảm nhiệm dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên. Ảnh: T.D

Còn cô Nguyễn Thị Thanh Hòa-Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo (xã Al Bá, huyện Chư Sê) thì cho hay: Chuyên ngành cô được đào tạo là Sinh học nên kiến thức sư phạm về 2 môn Hóa học và Vật lý còn hạn chế. Do đó, khi được nhà trường phân công dạy môn Khoa học tự nhiên, bản thân cô đã không ngừng nghiên cứu, học hỏi thêm qua tài liệu và từ đồng nghiệp.

Hiện tại, cô đảm nhiệm dạy 3 lớp với 12 tiết học/tuần. Tuy nhiên, cô vẫn còn khá e ngại khi đi vào kiến thức chuyên sâu, chất lượng dạy học sẽ khó đảm bảo. Công tác bồi dưỡng, tập huấn chưa đủ để giáo viên đơn môn dạy tốt môn tích hợp có hiệu quả tốt nhất.

“Trước mắt, giáo viên dạy các môn tích hợp vẫn tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ với nhau về những nội dung liên quan thông qua sinh hoạt chuyên môn để bảo đảm mục tiêu giáo dục. Việc tích hợp khiến khối lượng kiến thức nhiều và nặng khiến giáo viên và học sinh cảm thấy áp lực. Tuy nhiên, đây là yêu cầu chung nên chúng tôi vẫn cố gắng với tinh thần khó ở đâu thì gỡ ở đó”-cô Hòa bày tỏ.

Đồng quan điểm, thầy Đỗ Thành Việt-Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An-cho rằng: Một giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn mà phải dạy tích hợp kiến thức cả 3 môn là rất khó bởi lượng kiến thức nhiều. Khi chưa có được đội ngũ chuẩn chuyên môn thì việc linh hoạt phân công các giáo viên cùng giảng dạy như hiện nay là khá hợp lý. Tuy nhiên, về lâu dài thì sẽ khó đảm bảo chất lượng.

“Ban Giám hiệu nhà trường phải sắp xếp thời khóa biểu sao cho cân đối, hợp lý. Đồng thời, giáo viên cần nâng cao tinh thần trách nhiệm để cùng hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là tự trau dồi kiến thức chuyên môn”-thầy Việt cho biết.

Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo

Hiện nay, hầu hết các trường THCS trên địa bàn tỉnh đều chưa có giáo viên tích hợp được đào tạo chuẩn về chuyên môn. Trên thực tế, các thầy-cô giáo vừa dạy vừa tự nâng cao dần năng lực chuyên môn ở môn tích hợp.

Thầy Phạm Hoàng Tùng-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo (xã Al Bá) thông tin: “Năm học 2024-2025, toàn trường có 17 lớp với gần 800 học sinh ở bậc THCS. Để đảm bảo công tác dạy môn tích hợp theo chương trình mới, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cũng như sắp xếp đội ngũ giáo viên và thời khóa biểu một cách hợp lý nhất. Để có thể giảng dạy 3 môn, đòi hỏi bản thân mỗi thầy-cô giáo phải tự nghiên cứu, bồi dưỡng thêm về kỹ năng, kiến thức lẫn đầu tư soạn giáo án.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã chỉ đạo các tổ chuyên môn liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức sinh hoạt 1-2 lần/tháng, có sự tham gia của Ban Giám hiệu để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giảng dạy môn tích hợp”.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hòa-giáo viên Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo (xã Al Bá, huyện Chư Sê) phải nỗ lực tiếp cận môn tích hợp. Ảnh: T.D

Cô Nguyễn Thị Thanh Hòa-giáo viên Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo (xã Al Bá, huyện Chư Sê) phải nỗ lực tiếp cận môn tích hợp. Ảnh: T.D

Theo ông Nguyễn Đình Thức-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Pleiku, chất lượng dạy và học môn tích hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, vai trò và khả năng chuyên môn của giáo viên là yếu tố tiên quyết.

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở giáo dục trung học trên địa bàn tỉnh về việc bố trí đội ngũ, xây dựng kế hoạch giảng dạy và tổ chức kiểm tra, đánh giá đối với 2 môn học tích hợp này.

Theo đó, căn cứ vào tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng sẽ phân công giáo viên dạy các nội dung của chương trình hoặc chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Các trường cũng phải chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.

Trao đổi với P.V, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định thông tin: Mặc dù các giáo viên đã được qua đào tạo, bồi dưỡng nhưng việc dạy môn tích hợp vẫn chưa đạt yêu cầu. Chúng tôi cũng đã thấy được bất cập này và đã có giải pháp cụ thể.

Theo đó, đội ngũ giáo viên cần không ngừng đổi mới, nghiên cứu, nâng cao kiến thức trong dạy môn tích hợp. Trong quá trình phân công chuyên môn, đối với những chuyên đề khó nên giao cho giáo viên có nhiều kinh nghiệm đảm nhiệm.

Cùng với đó, ban giám hiệu nhà trường cũng như các tổ chuyên môn cần có sự trao đổi kịp thời về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giảng dạy và động viên giáo viên nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Có thể bạn quan tâm

Các thành viên Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đăk Rong (xã Đăk Rong) trao đổi kiến thức, kỹ năng giao tiếp. Ảnh: N.M

CLB thủ lĩnh của sự thay đổi: Sân chơi bổ ích cho học sinh dân tộc thiểu số

(GLO)- Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Kbang phối hợp với một số trường học trên địa bàn ra mắt câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Câu lạc bộ trở thành sân chơi bổ ích giúp các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thêm điều kiện giao lưu, bổ sung kiến thức, kỹ năng sống.

Tận tâm, sáng tạo trong dạy nghề

Tận tâm, sáng tạo trong dạy nghề

(GLO)- Không chỉ tận tâm truyền đạt kỹ năng chuyên môn mà nhiều giáo viên dạy nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh Gia Lai còn đóng vai trò hướng dẫn, định hình tương lai nghề nghiệp cho học viên.

Quảng bá hình ảnh Gia Lai qua cầu truyền hình chung kết Đường lên đỉnh Olympia

Quảng bá hình ảnh Gia Lai qua cầu truyền hình chung kết Đường lên đỉnh Olympia

(GLO)- Ở vòng chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 24, em Nguyễn Quốc Nhật Minh-lớp 12C2A, Trường THPT Chuyên Hùng Vương đã xuất sắc mang cầu truyền hình về với Gia Lai. Đây không chỉ là sự kiện mang tính trí tuệ mà còn góp phần quảng bá hình ảnh về bản sắc văn hóa, du lịch của tỉnh nhà.