Đất lành Ia Lâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây hơn 30 năm, nhiều hộ dân từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp tại vùng đất Ia Lâu (huyện Chư Prông) theo diện kinh tế mới. Với sự cần cù, chịu thương, chịu khó cùng đất đai rộng lớn và màu mỡ, cuộc sống người dân trên quê hương thứ 2 ngày càng ổn định, sung túc.

Tháng 3-1993, gia đình bà Bùi Thị Tinh (dân tộc Mường) rời quê hương Hòa Bình để vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu) lập nghiệp. Những ngày đầu đặt chân đến vùng đất mới, bà Tinh cũng như nhiều hộ dân khác phải đối mặt với vô vàn khó khăn, bởi tháng 3 là tháng cao điểm của mùa khô Tây Nguyên.

Bà kể: Thời tiết những ngày đầu vào đây rất khắc nghiệt, rừng núi hoang vu, dân cư thì thưa thớt, cuộc sống khổ trăm bề, nhiều hộ không chịu được đã quay về quê. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành trong tỉnh đầu tư hạ tầng giao thông, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cũng như cây-con giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc… cuộc sống nơi vùng quê mới dần khá lên.

“Gia đình tôi chịu khó làm lụng, khai hoang, mở rộng thêm đất sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Gia đình tôi đang canh tác 2,2 ha lúa nước 2 vụ, mỗi năm mang lại khoảng 200 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình dần ổn định, không chỉ xây dựng nhà cửa khang trang mà còn lo cho con cái ăn học đến nơi, đến chốn”-bà Tinh phấn khởi chia sẻ.

gia-dinh-ba-bui-thi-tinh-dan-toc-muong-cung-da-xac-dinh-ia-lau-la-que-huong-thu-2-de-phat-trien-kinh-te-on-dinh-cuoc-song.jpg
Gia đình bà Bùi Thị Tinh (dân tộc Mường) cũng đã xác định Ia Lâu là quê hương thứ 2 để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ảnh: Q.T

Sau 33 năm gắn bó với mảnh đất Ia Lâu, gia đình ông Bùi Văn Nghị (dân tộc Mường, thôn Đà Bắc) ngày càng ấm no. Ông Nghị cho hay: “Đất đai nơi đây rộng lớn và màu mỡ hơn gấp bội lần so với ở quê, chỉ cần chịu khó làm ăn thì không thể nghèo đói được. Tuy lúc mới vào còn gặp nhiều khó khăn nhưng sau khi được Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, bà con đoàn kết, chịu khó làm ăn nên cuộc sống dần ổn định và khấm khá lên. Với 4 ha lúa nước 2 vụ và 1 ha điều, sau khi trừ chi phí, gia đình thu về 200-300 triệu đồng/năm. Tôi đã mua sắm máy cày, máy gặt liên hợp để vừa phục vụ sản xuất của gia đình vừa làm dịch vụ cày, gặt thuê cho bà con trong vùng để kiếm thêm thu nhập”.

img-8259.jpg
Gia đình ông Bùi Văn Nghị đã có cuộc sống ấm no nơi vùng đất mới. Ảnh: Q.T

Theo bà Đinh Thị Xiên-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đà Bắc, so với những năm mới di cư vào vùng đất mới thì đời sống của bà con có sự phát triển vượt bậc. “Người dân trong thôn chủ yếu sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng chủ lực như: lúa nước, mì, bắp… Những năm gần đây, nhờ được Nhà nước quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng kênh mương, thủy lợi nên đời sống kinh tế của bà con đã cải thiện đáng kể, có nhiều hộ thu nhập 600-700 triệu đồng/năm. Thôn có 213 hộ, hiện chỉ còn 8 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo”-bà Xiên thông tin.

Cùng với đó, các tuyến đường huyết mạch như: tỉnh lộ 665 (nối từ quốc lộ 14 vào các xã biên giới Ia Lâu, Ia Mơ, Ia Piơr), quốc lộ 14C kết nối các huyện biên giới và nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn được quan tâm đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nhựa hóa, bê tông hóa... Nhờ đó, người dân đi lại thuận tiện và vận chuyển nông sản, kết nối, giao thương hàng hóa.

Trao đổi với P.V, ông Bùi Văn Dương-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu-cho biết: Ia Lâu có 14 dân tộc anh em sinh sống với trên 92% dân số là người dân tộc thiểu số. Trong đó, đa phần là người Mường, Tày, Nùng đến từ các tỉnh phía Bắc theo diện kinh tế mới. Những năm qua, bên cạnh sự quan tâm đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất của các cấp, các ngành thì cộng đồng các dân tộc nơi đây luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống của người dân thay đổi nhanh chóng. Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm đa số, đến nay đã giảm còn hơn 6% dân số; thu nhập bình quân đầu người tăng lên trên 50 triệu đồng/năm. Năm 2020, Ia Lâu được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

“Thời gian tới, UBND xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Cùng với đó, chú trọng triển khai lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn, cùng nhau xây dựng quê hương Ia Lâu ngày càng giàu đẹp”-Phó Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Ia Pa kết nạp 18 đảng viên trong quý I-2025

Ia Pa kết nạp 18 đảng viên trong quý I-2025

(GLO)- Ngày 31-3, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị (mở rộng) nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I và nhiệm vụ trọng tâm công tác quý II-2025.

Đường liên xã Kon Gang-Hải Yang đang được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: N.D

Khởi sắc Kon Gang

(GLO)- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Kon Gang (huyện Đak Đoa) là vùng căn cứ cách mạng vững chắc của tỉnh Gia Lai. Sau ngày giải phóng, cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày một khởi sắc.

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua, đợt thi đua đặc biệt chào mừng các ngày lễ lớn và hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hơn 100 cán bộ, hội viên phụ nữ của 2 xã Ia Piar và Ia Peng (huyện Phú Thiện).