Đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau gần 2 năm thi công, cuối tháng 9 vừa qua, Nhà máy nước thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro) chính thức đi vào hoạt động. Công trình này bước đầu đã đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của hơn 500 hộ dân khu vực nội thị và đang từng bước mở rộng phạm vi cấp nước cho các vùng lân cận.

Những năm gần đây, nguồn nước sông Ba đoạn chảy qua huyện Kông Chro trở nên ô nhiễm và cạn kiệt khiến cho chất lượng nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt bị giảm sút. Trong khi đó, Nhà máy nước cũ sau thời gian dài hoạt động đã có dấu hiệu xuống cấp, quy mô và công suất chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong vùng.

Nhà máy nước cũ với công suất nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Ảnh: Mộc Trà.
Nhà máy nước cũ với công suất nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Ảnh: Mộc Trà

Trước thực trạng ấy, tháng 10-2014, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước thị trấn Kông Chro được UBND tỉnh phê duyệt với tổng kinh phí 40 tỷ đồng, có công suất thiết kế 3.500 m3/ngày đêm nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho 27.000 người dân tại thị trấn Kông Chro, xã Ya Ma cũng như cho các công trình công cộng và dịch vụ khác trên địa bàn. Nguồn nước giờ đây được lấy từ sông Đak Pơ Kơ (xã Ya Ma) thay vì ở sông Ba, với lượng nước khá dồi dào và chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm.

Quy mô công trình gồm: trạm bơm cấp 1 được xây dựng trên sông Đak Pơ Kơ; trạm bơm cấp 2 (chuyển tiếp nước thô) xây dựng gần UBND xã Ya Ma; 2 khu xử lý và hệ thống đường ống với tổng chiều dài 14.995,68 mét (tuyến ống nước thô dài 8.398 mét, tuyến ống truyền tải và phân phối chính dài 6.597,68 mét)…

Dù chỉ mới đi vào vận hành gần 2 tháng, song công trình đã tạo được sự phấn khởi trong nhân dân khi chất lượng nguồn nước sinh hoạt được cải thiện đáng kể. Bà Nguyễn Thị Thiều (tổ dân phố 3, thị trấn Kông Chro) chia sẻ: “Gia đình tôi sử dụng nước máy từ những ngày đầu tiên huyện có công trình này. Trước đây, nguồn nước có lúc bị ô nhiễm, đục vàng nên hầu như chỉ dùng để tắm rửa chứ không dám nấu ăn, uống. Giờ có Nhà máy mới hiện đại, nguồn nước lấy từ sông Đak Pơ Kơ sạch và trong, người dân chúng tôi cũng thấy yên tâm về sức khỏe khi dùng nước”.

Tuy nhiên, bên cạnh bày tỏ niềm vui mừng, một số hộ dân lại chưa thật sự hài lòng vì nguồn nước máy khá yếu, không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. “Không thể phủ nhận chất lượng nước máy hiện tại so với trước là khá tốt nhưng tôi chưa biết nguyên nhân tại sao nước về rất ít và yếu, có thời điểm bơm chẳng có nước. Hầu hết chúng tôi ở khu vực này đều phải tích trữ thêm vài bồn nước mưa hoặc đào giếng để có thể đủ nước dùng”-chị Võ Ngọc Mận (tổ dân phố 1, thị trấn Kông Chro) phản ánh.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hội-Phó trưởng Trạm Quản lý nước và Công trình đô thị huyện Kông Chro, cho hay: “Các hộ bị thiếu nước chủ yếu là khu vực cuối nguồn thuộc tổ dân phố 1 đoạn gần Ngã ba Ya Ma, bởi khi nước được cấp xuống, những hộ ở đầu đường ống thường tập trung lấy và thậm chí còn phung phí lượng nước cần dùng. Ngoài ra, để giảm chi phí tiền điện trong khi giá nước vẫn giữ ở mức cũ, Nhà máy phải bơm nước tránh giờ cao điểm và có gửi thông báo đến tận các tổ dân phố về lịch cấp nước để tổ báo cho dân. Thế nhưng có một số hộ lại chưa chú ý dẫn đến mở van trước hoặc sau thời gian cấp nước nên không thể bơm được nước. Dẫu vậy, khi nắm được thông tin hộ nào có nhu cầu về nước, chúng tôi đều kịp thời xử lý và cấp nước cho bà con”.

Thời gian tới, nhiều hộ dân trên địa bàn sẽ được sử dụng nguồn nước máy sinh hoạt hợp vệ sinh sau khi huyện mở rộng phạm vi cấp nước. Ảnh: Mộc Trà
Thời gian tới, nhiều hộ dân trên địa bàn sẽ được sử dụng nguồn nước máy sinh hoạt hợp vệ sinh sau khi huyện mở rộng phạm vi cấp nước. Ảnh: Mộc Trà

Để thuận tiện trong việc quản lý cũng như tránh thất thoát nước, Trạm Quản lý nước và Công trình đô thị đã đề xuất và được UBND huyện Kông Chro đồng ý phương án lắp đặt mới cũng như thay thế lại toàn bộ công tơ số sang công tơ từ với giá lần lượt là 1 triệu đồng và 650.000 đồng. Cùng với đó, Trạm sẽ tiếp tục triển khai mở rộng phạm vi cấp nước theo lộ trình, nâng dần số lượng hộ gia đình được sử dụng nguồn nước máy sinh hoạt tại khu vực nội thị và vùng lân cận.

“Hiện tại Trạm đang quản lý 600 công tơ nước và sắp tới sẽ nâng lên khoảng 1.200 công tơ, mở rộng ra các tuyến gồm: đường Trần Phú 120 công tơ, đường Nguyễn Văn Trỗi 200 công tơ, đường Lê Lai 100 công tơ và khu vực theo tuyến đường ống 80 công tơ. Mặc dù hiện tại số hộ ở xa vẫn chưa sử dụng được nguồn nước máy nhưng trong tương lai gần, Nhà máy sẽ phấn đấu cấp nước cho toàn thị trấn và một phần của xã Ya Ma nhằm giúp người dân có được nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh”-ông Hội cho biết thêm.

Mộc Trà

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.