Sau 10 ngày xét xử, HĐXX vụ án chuyến bay giải cứu đang nghị án và dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 28-7 tới đây.
Trong số 54 bị cáo, Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) là người bị VKS đề nghị mức án nặng nhất - tử hình với tội nhận hối lộ.
253 lần nhận hối lộ
Bị cáo Phạm Trung Kiên bị đưa ra xét xử với cáo buộc nhận hối lộ 253 lần, tổng số tiền 42,6 tỉ đồng trong quá trình cấp phép chuyến bay. Trong phần luận tội, VKS đánh giá hành vi của bị cáo là nhận hối lộ nhiều nhất, thủ đoạn trắng trợn nhất. VKS cũng phản bác các quan điểm bào chữa của luật sư và bị cáo, rằng 'không thể vô ý mà nhận hối lộ tới 253 lần'.
Lời sau cùng, bị cáo Kiên nói rằng: ''Đó là bản án rất nghiệt ngã. Bị cáo không nghĩ mình vi phạm đến mức phải loại trừ ra khỏi cuộc sống, loại trừ khỏi xã hội khi mới ngoài 40 tuổi''.
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: CTV |
Trong quá trình xét xử, bị cáo trình bày, khi có thông tin CQĐT khởi tố vụ án, tâm lý bị cáo chịu sức ép rất nặng. Bị cáo thường xuyên phải làm việc với CQĐT. Qua tìm hiểu quy định pháp luật, bị cáo biết tội nhận hối lộ rất là nặng, từ 20 năm, chung thân đến tử hình.
"Bị cáo bị ám ảnh vì mức án tử hình nên bị cáo sợ... Bị cáo chỉ muốn chết để thoát khỏi áp lực đó. Do vậy, bị cáo có một thời gian điều trị trong bệnh viện tâm thần''- bị cáo Kiên vừa nói vừa nghẹn ngào.
Lời sau cùng, Phan Thị Kim Ngân, một bị cáo đã đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên cũng nói rằng ''khi nghe VKS đề nghị mức án đối với anh Kiên, bị cáo bàng hoàng, vô cùng sợ hãi''.
Nữ bị cáo nói rằng đã suy nghĩ suốt, chỉ vì việc làm sai của bản thân, ảnh hưởng sinh mạng người khác nên xin HĐXX xem xét hình phạt cho bị cáo Kiên.
HĐXX vụ án ''chuyến bay giải cứu''. Ảnh: CTV |
Cựu Thư ký Thứ trưởng có thoát án tử?
Suốt quá trình diễn ra phiên xử, điều dư luận quan tâm là sau khi VKS đề nghị mức án tử hình thì liệu Phạm Trung Kiên có cơ hội thoát án tử hay không?
Về vấn đề này, khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ có quy định: Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
Trong đó, "chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ" là trường hợp người phạm tội đã tự mình nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ sau khi phạm tội. Cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ đối với trường hợp người phạm tội sau khi phạm tội đã tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại hoặc không phản đối việc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại ít nhất 3/4 tài sản mà mình tham ô, nhận hối lộ.
"Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” là sau khi phạm tội, người phạm tội đã chủ động cung cấp những tin tức, tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội (như: chỉ đúng nơi cất giấu vật chứng quan trọng giúp cơ quan chức năng thu hồi được vật chứng đó; khai báo và chỉ đúng nơi đồng phạm khác đang bỏ trốn; khai báo về tội phạm và người phạm tội mới liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội...). Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” nhưng Tòa án phải nhận định rõ trong bản án.
“Lập công lớn” là trường hợp người phạm tội đã giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm không liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên của Nhà nước, của tập thể, của cá nhân trong thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác; có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “lập công lớn” nhưng Tòa án phải nhận định rõ trong bản án.
Như vậy, trước khi HĐXX tuyên án, nếu Phạm Trung Kiên đã nộp lại 3/4 số tài sản đã nhận hối lộ (3/4 của 42,6 tỉ đồng nhận hối lộ là 31,95 tỉ) và được HĐXX ghi nhận một trong hai tình tiết là "hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm" hoặc "lập công lớn" thì về nguyên tắc bị cáo này có khả năng thoát án tử hình.
Trường hợp bị cáo không đáp ứng đủ điều kiện nêu trên và HĐXX đánh giá hành vi của bị cáo đến mức phải loại bỏ vĩnh khỏi xã hội thì tòa vẫn có thể tuyên bị cáo mức án tử hình. Và sau khi đã bị kết án tử hình, nếu bị cáo đáp ứng đủ điều kiện về việc chủ động nộp lại 3/4 tài sản nhận hối lộ, "hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm" hoặc "lập công lớn" thì theo điểm c khoản 3 Điều 40 BLHS, hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Đặc biệt, nếu bị cáo Kiên hợp tác, khai ra người phạm tội khác giúp cơ quan tố tụng phát hiện, điều tra, xử lý người này thì bị cáo đương nhiên được áp dụng tình tiết "hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm" nói trên. Cộng với việc bị cáo đã chủ động nộp lại 3/4 tài sản nhận hối lộ", tình tiết này có thể giúp bị cáo thoát án tử hình.
Trong vụ án này, trong quá trình điều tra, khởi tố vụ án, bị cáo Phạm Trung Kiên đã trả lại cho các doanh nghiệp số tiền hơn 12 tỉ đồng, sau đó bị cáo và gia đình đã nộp lại 23 tỉ.
Khi nói lời sau cùng, bị cáo hứa sẽ cố gắng cùng gia đình khắc phục nốt số tiền còn lại và ''xin HĐXX cho bị cáo một cơ hội được sống, để trở về phụng dưỡng bố mẹ, dạy dỗ con cái''.