'Chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2:

Cựu phó phòng thuộc Cục Hàng không nhận 'bôi trơn' 20 tỷ, chia cho cấp dưới 244 triệu đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Theo kết luận điều tra, ông Vũ Hồng Quang, cựu Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, đã hưởng lợi 20 tỷ đồng từ các chuyến bay giải cứu và đã chia cho cấp dưới 244 triệu đồng.

'Bôi trơn' để được chở thêm khách

Trong giai đoạn 2 của vụ án “Chuyến bay giải cứu”, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố hai bị can tại Cục Hàng không Việt Nam, gồm Vũ Hồng Quang, cựu Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không và chuyên viên dưới quyền Nguyễn Mạnh Trường.

Nhiều cán bộ hưởng lợi tiền tỷ từ "Chuyến bay giải cứu".
Nhiều cán bộ hưởng lợi tiền tỷ từ "Chuyến bay giải cứu".

Kết luận điều tra chỉ ra rằng, ông Vũ Hồng Quang có trách nhiệm tiếp nhận và xem xét cấp phép bay cho các hãng hàng không thực hiện các chuyến bay "Combo" do doanh nghiệp tổ chức. Trong quá trình triển khai, một số doanh nghiệp không thể thuê được tàu bay lớn, dẫn đến việc họ phải thuê hai tàu nhỏ, gây phát sinh chi phí trong khi vẫn còn ghế trống.

Để tăng lợi nhuận, Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Giám đốc Công ty Bluesky) và Nguyễn Tiến Mạnh (Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Việt) đã thỏa thuận với ông Quang để cấp phép bay cho số lượng khách vượt quy định, với mức phí "bôi trơn" 2 triệu đồng cho mỗi khách.

Theo chỉ đạo của Vũ Hồng Quang, Nguyễn Mạnh Trường đã làm thủ tục cấp phép bay trái quy định cho 1.019 khách theo yêu cầu của Hằng và Mạnh, nhận hối lộ gần 2 tỷ đồng. Sau đó, Quang đã chuyển khoản cho Trường 244 triệu đồng qua bốn lần, dựa trên số khách được cấp phép vượt quy định.

Mặc dù ông Quang cũng bị xác định có hành vi nhận hối lộ, nhưng tội danh này đã được xét xử trong giai đoạn 1 của vụ án. Ở giai đoạn 2, Quang bị đề nghị truy tố với tội danh Đưa hối lộ, cụ thể là hơn 7,4 tỷ đồng để nhờ Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ Bộ Y tế) giúp xin văn bản cho 624 công dân trở về nước trên các chuyến bay riêng lẻ.

Cơ quan điều tra cho biết, từ những hành vi này, ông Quang đã hưởng lợi gần 20 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, ông đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác và tự nguyện nộp lại 8 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Nữ chuyên viên nhận hối lộ để tham mưu chấp thuận "cách ly"

Cơ quan điều tra cũng xác định, Lê Thị Phượng, cựu chuyên viên thuộc Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương có hành vi nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng liên quan đến vụ án “chuyến bay giải cứu” và đề nghị truy tố bị can này về tội “Nhận hối lộ”.

Kết luận điều tra cho thấy, để thực hiện chủ trương tổ chức các chuyến bay "Combo" đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về cách ly tại địa phương, UBND các tỉnh, thành phố có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và ra văn bản chấp thuận cho các doanh nghiệp. Và Văn phòng UBND tỉnh được giao thực hiện nhiệm vụ này, trong đó Lê Thị Phượng có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và tham mưu lãnh đạo tỉnh chấp thuận các chuyến bay đưa công dân về.

Khoảng đầu tháng 6/2021, sau khi nhận được yêu cầu từ Võ Thị Hồng (bị can trong giai đoạn 1), Phượng đã đồng ý xin cấp phép cho Công ty Cổ phần dịch vụ và Thương mại du lịch Sora và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Quốc tế Biển Bạc. Bùi Huy Hoàng (bị can giai đoạn 1) đã liên hệ với Phượng để nhờ xin công văn chấp thuận.

Từ tháng 6 đến cuối tháng 11/2021, Hoàng đã hai lần đưa tiền cho Phượng, tổng cộng 650 triệu đồng. Lần đầu, vào ngày 8/6/2021, Phượng nhận 300 triệu đồng tại nhà riêng để xin công văn chấp thuận cho 158 công dân về nước trên chuyến bay của Công ty Sora, cách ly tại khách sạn Kim Sơn, TP Hải Dương.

Lần thứ hai vào cuối tháng 11/2021, Phượng nhận 350 triệu đồng tại phòng làm việc để đề xuất cách ly cho 425 công dân trên hai chuyến bay dự kiến tổ chức vào tháng 12/2021 và tháng 1/2022 của Công ty Biển Bạc.

Tuy nhiên, do Hồng không tổ chức chuyến bay nên đã đề nghị Hoàng trả lại tiền chi phí xin công văn. Hoàng đã yêu cầu Phượng hoàn trả nhưng chỉ nhận lại được 50 triệu đồng. Số tiền này, Hoàng nhờ em trai là Bùi Huy Hiếu đến gặp Phượng để nhận lại.

Theo Minh Đức (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực miền Trung-Tây Nguyên

Hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực miền Trung-Tây Nguyên

(GLO)- Ngày 9-11, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Ủy ban Dân tộc tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (giai đoạn 2021-2025) khu vực miền Trung-Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn 2026-2030.

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.