Cựu chiến binh Nguyễn Kỳ Ngộ: Những ký ức không quên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ông Nguyễn Kỳ Ngộ-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) TP. Pleiku được mời ra Hà Nội tham dự buổi gặp mặt biểu dương CCB, cựu thanh niên xung phong tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Lên đường nhập ngũ trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến tận bây giờ, ông Ngộ không thể nào quên những ký ức đấu tranh gian khổ mà rất đỗi hào hùng.

Ông Nguyễn Kỳ Ngộ sinh năm 1955 tại xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. 14 tuổi, ông Ngộ đã tham gia cách mạng, đảm nhiệm việc lấy thông tin, dẫn đường cho bộ đội hành quân qua vùng địch. Năm 1972, ông Ngộ lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 17 tuổi, được biên chế vào Tiểu đội Trinh sát thuộc Tiểu đoàn Trinh sát 55 (Tỉnh đội Bình Định).

“Đây là đơn vị thường trực tiếp đối đầu với quân địch nên cần lý lịch chính trị gia đình tốt, truyền thống cách mạng cao. Chúng tôi huấn luyện chủ yếu vào ban đêm, độc lập tác chiến, cùng lắm là theo tổ khoảng 3-5 người; vũ khí cũng khá gọn nhẹ như: súng gấp báng, dao găm, thuốn, cọc, móc...

Với khẩu hiệu huấn luyện là “mình đồng, da sắt” nên có khi chỉ quần đùi, chân đất mà vùi mình dưới cát, bùn, nước hay lăn mình trên dây thép gai, mảnh sành sắt nhọn”-ông Ngộ nhớ lại.

anh-2.jpg
Ông Nguyễn Kỳ Ngộ ôn lại những trang sử hào hùng của giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Ảnh: H.B

Lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ trinh sát Đồn Chánh Khoan (thuộc xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ), vì là lính mới nên ông Ngộ chỉ được phân công cảnh giới ở vòng ngoài để các đồng đội luồn sâu vào đồn. Ở ngoài, ông cẩn thận nghe ngóng từng động tĩnh, phòng khi địch phát hiện.

Sau lần đó, ông tiếp tục tác chiến cùng đồng đội, dần dày dạn kinh nghiệm hơn. Có khi chỉ một mình ông vào tận sào huyệt của địch để vẽ sơ đồ về địa hình, cách bố trí hỏa lực, lực lượng của địch... để báo cáo với chỉ huy lên phương án tác chiến, tiến công.

Nhớ lại một trận đánh vào năm 1974, ông Ngộ kể: Hôm đó, đơn vị tôi tấn công đồn địch tại trụ sở Mỹ Chánh, nơi có 1 đại đội địch rải quân chiếm đóng, canh gác từ thôn Trung Thứ của xã Mỹ Chánh giáp với thôn Trung Thành của xã Mỹ Quang thì bị địch dùng các loại vũ khí, hỏa lực phản công rất mạnh. Khi tiếp giáp nhau, chúng dùng lựu đạn ném vào vị trí chiến đấu của ta.

Trước phản kích quyết liệt của địch, quân ta rơi vào thế yếu vì lực lượng không tương quan. Bởi đêm trước đó, ta đi trinh sát thì chỉ có một đại đội địch nhưng không biết được rằng chúng đã tăng cường thêm 1 đại đội nữa về trú quân tại đồn Giông Tranh.

Trong hoàn cảnh ấy, bộ đội ta vẫn dũng cảm, mưu trí đánh thắng địch nhưng cũng đã bị tiêu hao nhiều. 15 đồng chí hy sinh và gần 20 đồng chí bị thương. Trong đó, anh Truyền (quê Hoài Ân, Bình Định), cùng Tiểu đội Trinh sát của tôi đã bị trúng lựu đạn với nhiều mảnh đâm vào khắp cơ thể, phải cắt mất 2 chân cùng 1 tay.

“Lúc phát hiện anh Truyền bị thương, tôi là người trực tiếp bò vào đưa anh về tuyến sau; cùng quân y chăm sóc suốt đêm nhưng đến sáng hôm sau vẫn phải nhìn anh trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay mình...”-ông Ngộ nghẹn ngào nói.

Rồi những trận đánh tại phía Nam Phù Mỹ, phía Bắc Phù Cát để giải phóng các xã: Mỹ Tài, Mỹ Chánh, Mỹ Cát, Cát Tài, Cát Minh, Cát Khánh và các huyện phía Bắc của tỉnh Bình Định cũng vô cùng gay go ác liệt. Đầu tháng 3-1975, phối hợp với Mặt trận Tây Nguyên, Sư đoàn 3 (Quân khu 5) đã mở chiến dịch tiến công Bình Định nhằm kìm chân Sư đoàn 22 của quân đội Việt Nam Cộng hòa; khống chế, chiếm đóng, làm chủ Sân bay Phù Cát, cắt đứt đường 19 nối Bình Định với Gia Lai, góp phần giải phóng Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định vào tối 31-3-1975.

anh-5.jpg
Niềm vui gặp lại đồng đội tại Hà Nội của CCB Nguyễn Kỳ Ngộ (ngoài cùng bên trái). Ảnh: H.B

Năm 1982, sau khi được đào tạo ngắn hạn tại Trường Quân sự Quân khu 5, ông Ngộ về công tác tại Sư đoàn Bộ binh 2 (Quân khu 5). Ông được giao nhiệm vụ tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giải phóng Nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng và giúp bạn hồi sinh đất nước (từ năm 1982 đến 1988).

Năm 1993, ông chuyển về công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai; đến năm 2010 thì nghỉ hưu khi đang giữ chức Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP. Pleiku. Tháng 8-2017, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội CCB thành phố cho đến nay.

Khép lại cuộc trò chuyện cùng CCB Nguyễn Kỳ Ngộ vào một ngày tháng Tư lịch sử, tôi nhìn thấy trong ánh mắt người CCB già đã ngấn lệ. Gấp lại cuốn nhật ký, cố kìm nén cảm xúc, ông Ngộ bộc bạch: “Chiến tranh ác nghiệt quá. Lứa bạn chúng tôi lên đường nhập ngũ năm 1972 có 20 người thì chỉ về được 9 người, còn 11 người đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Những ngày này, tôi lại da diết nhớ những đồng đội”.

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 34 nâng cao chất lượng huấn luyện chuyên ngành

Quân đoàn 34 nâng cao chất lượng huấn luyện chuyên ngành

(GLO)- Thời điểm này, các đơn vị thuộc Quân đoàn 34 đang bước vào cao điểm huấn luyện chuyên ngành. Quân đoàn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, sát thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện cho bộ đội kỹ năng xử lý tình huống, khai thác, làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại được biên chế.

Ra mắt bộ máy mới của Công an Gia Lai

Ra mắt bộ máy mới của Công an Gia Lai

(GLO)- Chiều 29-6, tại TP. Quy Nhơn, Công an tỉnh Gia Lai tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an và Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai về sắp xếp tổ chức cán bộ Công an cấp tỉnh và Công an cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Các chiến sĩ Lữ đoàn Pháo phòng không 234 trong giờ đọc báo. Ảnh: đơn vị cung cấp.

Lữ đoàn Pháo phòng không 234 chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

(GLO)- Những năm gần đây, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Lữ đoàn Pháo phòng không 234 (Quân đoàn 34) đã có bước chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội trong cán bộ, chiến sĩ.

Sắp xếp, tổ chức quân sự địa phương: Đảm bảo ổn định, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Sắp xếp, tổ chức quân sự địa phương: Đảm bảo ổn định, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Việc tổ chức lại cơ quan quân sự địa phương theo mô hình mới là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa mang tính cấp bách trước mắt vừa có ý nghĩa lâu dài trong xây dựng quân đội nói chung và lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai (mới) “tinh, gọn, mạnh” nói riêng.

Trường Quân sự Quân đoàn 34: Hướng đến chính quy, thông minh, hiện đại

Trường Quân sự Quân đoàn 34: Hướng đến chính quy, thông minh, hiện đại

Trong hai ngày 24 - 25.6, Ðảng ủy Trường Quân sự Quân đoàn 34 sẽ tổ chức Ðại hội đại biểu Ðảng bộ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ðây là dấu mốc đặc biệt quan trọng, khởi đầu cho quá trình xây dựng và phát triển của đơn vị; hướng đến mục tiêu xây dựng nhà trường “Chính quy, thông minh, hiện đại”, đáp ứng yêu cầu,
Chuyện 2 ngôi làng đặc biệt trên biên giới Ia Mơ

Chuyện 2 ngôi làng đặc biệt trên biên giới Ia Mơ

(GLO)-Ở xã biên giới Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), làng Ring và làng Khôn được thành lập theo những cách khác nhau nhưng đều rất đặc biệt. Mặc dù làng hình thành chưa lâu nhưng những người dân ở đây sinh sống hòa thuận, cùng nhau đoàn kết bảo vệ biên cương Tổ quốc và xây dựng cuộc sống mới.

null