Cựu Bí thư Bình Định: Bán cảng Quy Nhơn "rẻ như cho", phải xử lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cựu Bí thư tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà - người từng phản ứng mạnh mẽ việc cho chuyển nhượng toàn bộ vốn nhà nước tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho Công ty CP Đầu tư và Khoảng sản Hợp Thành (Công ty Hợp Thành, ở Hà Nội) kiến nghị, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức dính líu sai phạm khi bán cảng Quy Nhơn “rẻ như cho”.
Cảng Quy Nhơn bị bán “rẻ như cho”
Sáng 24.2, trao đổi với phóng viên Dân Việt, cựu Bí thư tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà (nhiệm kỳ 2005-2010) cho biết, hiện nay rất nhiều cán bộ, Đảng viên và người dân tỉnh Bình Định đang thắc mắc, tại sao đến bây giờ vẫn không thể thực hiện được kết luận của Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về vụ việc sai phạm cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.
Dân Việt từng thông tin, kết luận này được Thanh tra Chính phủ ban hành vào tháng 9.2018 đã chỉ rõ nhiều vi phạm, khuyết điểm của các cá nhân, tổ chức trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại cảng Quy Nhơn. Trong đó, có kiến nghị thu hồi cảng Quy Nhơn về lại thuộc sở hữu của Nhà nước và xử lý trách nhiệm hàng loạt cá nhân, đơn vị liên quan đến sai phạm.
“Việc này đã khiến cán bộ, nhân dân có suy nghĩ không tốt, đây là điều rất bức xúc cần giải quyết nhanh chóng”, ông Hà nói.
 
Cựu Bí thư Bình Định Vũ Hoàng Hà: "Bán cảng Quy Nhơn “rẻ như cho”, không nên lấy tiền thuế của dân mua lại cảng". Ảnh: Dũ Tuấn.
Cựu Bí thư Bình Định cho rằng, cần khẩn trương thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước (theo kết luận của Thanh tra Chính phủ) để lấy lại niềm tin trong nhân dân. Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân, cán bộ dính líu trong vụ việc mang cảng Quy Nhơn bán “rẻ như cho”, phải bị xử lý nghiêm minh và công khai trước dư luận.
“Theo tôi, việc lấy lại cảng cần có những biện pháp thỏa đáng, nhà nước ngồi lại đàm phán, thương thảo với Công ty Hợp Thành. Tính toán đến việc, so với số tiền ban đầu mà Công ty Hợp Thành bỏ ra mua cảng thì đến nay lãi suất là bao nhiêu, từ khi mua cảng nhà đầu tư đã đầu tư vào đây những gì, các vấn đề liên quan cần tính toán cẩn thận… để hai bên đi đến thống nhất.
Đặc biệt, cần xem xét số tiền bán cổ phần cảng trước đây đang nằm ở đâu. Khi nhà nước giao cho doanh nghiệp thuộc nhà nước lấy lại cảng thì họ phải bỏ tiền ra, chứ không được lấy tiền thuế của dân. Có nghĩa rằng, nhà nước không nên lấy tiền ngân sách để mua lại cảng”, ông Hà kiến nghị.
 
Hoạt động bên trong cảng Quy Nhơn. Ảnh: Dũ Tuấn
Có hay không lợi ích nhóm (?)
Ông Vũ Hoàng Hà nhận định, theo Thanh tra Chính phủ đề xuất thì sau khi thu hồi nhà nước sẽ nắm 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn. Trong khi đó, nếu cộng với khoảng 5% cán bộ, công nhân viên (được mua theo chủ trương cổ phần hóa), có trên 80% cổ phần được doanh nghiệp nhà nước nắm giữ.
“Nếu như vậy, tôi lo ngại rằng sẽ không có nhà đầu tư nào dám bỏ tiền ra mua để sở hữu dưới 20% cổ phần đó vì họ không có quyền điều hành. Theo tôi, nhà nước chỉ cần nắm giữ 51% cổ phần chi phối. Mặc dù, đây là cảng quân sự mang tính chất kinh tế, nhưng phải tính toán đến việc nhà đầu tư họ đầu tư vào, được sở hữu 49% cổ phần cảng thì họ mới dám mua. Sau lấy cảng, phải đánh giá lại toàn bộ giá trị, tài sản của cảng theo giá trị hiện nay rồi đưa ra tổ chức đấu thầu công khai”, ông Hà đề xuất.
 
Sau cổ phần hóa, lãnh đạo tỉnh Bình Định liên tục "than phiền" bởi gặp phải quá nhiều lúng túng trong câu chuyện quản lý. Ảnh: Dũ Tuấn.
Cựu Bí thư Bình Định cũng cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần điều tra, làm rõ có hay không lợi ích nhóm trong phi vụ bán cảng Quy Nhơn “rẻ như cho”? Nếu có chuyện doanh nghiệp tư nhân dùng tiền “chi phí” bên ngoài với mục đích mua cảng giá rẻ thì thanh tra, cơ quan điều tra có thẩm quyền phải làm rõ và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với việc xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị có liên quan, cơ quan có thẩm quyền sẽ cân đối với những sai trái của các vụ án khác. Nếu thấy rằng, mức độ xử lý cán bộ có trách nhiệm còn nhẹ thì cần có quyết định mạnh tay hơn, để có sức răn đe làm gương cho các cán bộ đương chức.
Thời gian qua, Dân Việt đã nhiều lần phản ánh và dư luận cũng bức xúc trước việc quá trình cổ phần hóa đưa cảng Quy Nhơn vốn là tài sản lớn của Nhà nước trở thành tài sản của tư nhân với giá "bèo". Sau cổ phần hóa, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng cùng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng liên tục "than phiền" bởi gặp phải quá nhiều lúng túng, khó khăn trong câu chuyện quản lý và mong muốn Nhà nước sớm can thiệp để nắm cổ phần chi phối tại cảng.
Tháng 9.2018, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra, chỉ rõ nhiều vi phạm, khuyết điểm của nhiều cá nhân, tổ chức trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại cảng Quy Nhơn. Trong đó, có trách nhiệm của một số lãnh đạo tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì chỉ đạo, thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước vì Bộ GTVT đã cho phép Vinalines chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp trái thẩm quyền, vi phạm quy định của pháp luật.
Hủy văn bản nhưng không phải là hết trách nhiệm (!)
Liên quan đến vụ việc mà Dân Việt đã đưa tin, Bộ GTVT hủy bỏ 2 văn bản hành chính do Bộ này ban hành, gồm: văn bản 16937/BGTVT-QLDN ngày 27.12.2014 về chuyển nhượng 26,01% cổ phần và văn bản số 6327/BGTVT-QLDN ngày 20.5.2015 về chuyển nhượng 49% cổ phần vốn sở hữu nhà nước (Vinalines đại diện phần vốn) tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho Công ty CP Đầu tư và Khoảng sản Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp, trái thẩm quyền.
Quyết định này được Bộ GTVT đưa ra trong bối cảnh, Thanh tra Chính phủ đã kết luận và kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét, hủy bỏ 2 văn bản trên với lý do có nội dung trái thẩm quyền, vi phạm quy định của pháp luật (vào tháng 9.2018).
Cựu Bí thư tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà cho biết, đây là động thái “tích cực” thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT khi Bộ này nhận thấy được, việc ban hành 2 văn bản trên mang tính chất tiêu cực, gây tác hại không tốt.

“Hủy văn bản sẽ ngăn chặn được cái sai và hậu quả tiếp theo. Tuy nhiên, khi ban hành văn bản mang tính chất vi phạm pháp luật và đã được thực hiện thì không phải Bộ GTVT hủy là xong, là an toàn và không có trách nhiệm gì. Phải nhìn nhận rằng, văn bản đó đã ban hành và nó dẫn đến hậu quả như thế nào để có hướng xử lý phù hợp, kể cả trách nhiệm những cán bộ có liên quan”, ông Hà khẳng định.

Dũ Tuấn (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xe máy điện VinFast Motio gây sốt giới trẻ, giá chỉ 17,9 triệu đồng

Xe máy điện VinFast Motio gây sốt giới trẻ, giá chỉ 17,9 triệu đồng

(GLO)- Trung tuần tháng 1-2025, VinFast đã bổ sung một mẫu xe điện hai bánh mới là Motio. Sự xuất hiện của Motio đã khuấy động phân khúc xe máy điện cho học sinh, sinh viên. Với thiết kế nổi bật, nhiều trang bị hữu ích, mức giá tốt, mẫu xe này hứa hẹn dễ dàng chinh phục nhóm khách hàng trẻ tuổi.