Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai: Chủ động ứng phó với hạn hán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Trước dự báo về nguy cơ hạn hán trên diện rộng trong vụ Đông xuân 2023-2024, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai đang tập trung triển khai các phương án sẵn sàng ứng phó khi hạn hán xảy ra.

Các hồ chứa đảm bảo nước tưới

Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai hiện đang quản lý, khai thác 16 hồ chứa lớn cùng 18 đập dâng tại các địa phương. Theo kế hoạch, cấp nước tưới, tiêu sản xuất nông nghiệp năm 2024, Công ty sẽ cung cấp nước tưới cho hơn 31.587 ha cây trồng các loại. Trong đó, vụ Đông xuân 2023-2024 là hơn 19.239 ha và vụ mùa 2024 là hơn 12.289 ha.

Theo thông tin từ Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai, đến thời điểm này mực nước tích trữ tại 16 hồ chứa hiện đang mở nước tưới phục vụ sản xuất đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới. Tuy nhiên, một số đập dâng mực nước bắt đầu suy giảm phải điều tiết tưới luân phiên như hệ thống thủy lợi đập dâng An Phú- Chư Á (TP.Pleiku); Ia Pet, Phạm Kleo (huyện Chư Sê)… Để đảm bảo nguồn nước tưới vụ Đông xuân 2023-2024, thời gian qua, Công ty đã chủ động phối hợp cùng các địa phương mở nước theo kế hoạch sản xuất, tưới tiêu từng loại cây trồng phù hợp. Tuyên truyền, vận động người dân gieo sạ sớm nhằm tránh hạn cuối vụ.

Nguồn nước từ kênh chính công trình thủy lợi Ayun Hạ vẫn đang dồi dào. Ảnh: Nguyễn Diệp

Nguồn nước từ kênh chính công trình thủy lợi Ayun Hạ vẫn đang dồi dào. Ảnh: Nguyễn Diệp

Điển hình như những năm trước, cánh đồng lúa nước của 2 xã Ia Lâu và Ia Piơr (huyện Chư Prông) thường xuyên bị hạn vào cuối vụ. Để hạn chế thiệt hại cho người dân, Chi nhánh Thủy lợi Chư Prông (thuộc Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi Gia Lai) phối hợp với ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền địa phương 2 xã tuyên truyền, vận động người dân gieo sạ vụ Đông xuân sớm hơn 1 tháng nên đã giúp người dân tránh được hạn hán.

Ông Lê Thành Công- Chủ tịch UBND xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) cho biết: Trên địa bàn xã có 2 công trình thủy lợi gồm đập dâng Ia Lâu và hồ chứa Plei Pai do Chi nhánh Thủy lợi Chư Prông quản lý. Để tránh hạn cuối vụ, những năm qua, Chi nhánh thường xuyên phối hợp với ngành nông nghiệp huyện và UBND xã tuyên truyền, vận động người dân gieo sạ 550 ha lúa Đông xuân 2023-2024 sớm hơn 1 tháng. Đến nay, diện tích lúa trên đã thu hoạch được 85% và hiện đang tiếp tục thu hoạch mà không lo thiếu nước tưới.

Nhờ nguồn nước tưới ổn định từ hồ chứa Plei Pai, người dân làng Me ( xã Ia Piơr) không còn lo thiếu nước tưới cây lúa vụ Đông xuân 2023-2024. Ảnh: Nguyễn Diệp

Nhờ nguồn nước tưới ổn định từ hồ chứa Plei Pai, người dân làng Me ( xã Ia Piơr) không còn lo thiếu nước tưới cây lúa vụ Đông xuân 2023-2024. Ảnh: Nguyễn Diệp

Còn ông Hà Văn Tin- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Piơr-thông tin: Vụ Đông xuân 2023-2024, toàn xã xuống giống 650 ha lúa nước từ hồ chứa Plei Pai. Đến thời điểm này, nông dân của xã đã thu hoạch xong diện tích lúa Đông xuân 2023-2024 với năng suất và sản lượng đạt khá.

Sẵn sàng ứng phó hạn hán

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, từ tháng 1 đến tháng 6-2024 trên địa bàn tỉnh Gia Lai lượng mưa phổ biến thấp hơn so với trung bình những năm trước, khả năng khô hạn xảy ra trên diện rộng trong các tháng của mùa khô. Bên cạnh đó, trong 3 tháng tới, trên các sông, suối tỉnh Gia Lai có khả năng cao xảy ra trạng thiếu hụt nguồn nước. Từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 có khả năng xảy ra hạn cục bộ tại một số địa phương nếu không chủ động được nguồn nước và xa các công trình thủy lợi.

Thông tin từ Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai, kết thúc mùa mưa 2023, các hồ chứa do Công ty quản lý đều tích nước đúng theo quy trình vận hành, đáp ứng được nước tưới cho vụ Đông xuân 2023-2024 và vụ mùa 2024. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, Công ty đang chủ động triển khai các biện pháp phòng-chống hạn trên từng công trình do đơn vị quản lý. Trong đó, tập trung một số công trình thủy lợi có thể xảy ra hạn hoặc thiếu nước từ đầu tháng 3 đến cuối vụ Đông xuân 2023-2024 và các tháng mùa khô, như: hệ thống thủy lợi An Phú- Chư Á (TP.Pleiku), Ia Pet, Phạm Kleo (huyện Chư Sê), đập dâng Ia Vê (huyện Chư Prông), khu tưới cuối kênh công trình Ia Hrung (huyện Ia Grai), Kênh N29 Ayun Hạ, Kênh N33 nối dài Ia Mláh…

Nguồn nước về hệ thống thủy lợi An Phú- Chư Á đang giảm dần. Ảnh: Nguyễn Diệp

Nguồn nước về hệ thống thủy lợi An Phú- Chư Á đang giảm dần. Ảnh: Nguyễn Diệp

Để khắc phục, tại công trình Ia Pet, Phạm Kleo (huyện Chư Sê) ưu tiên điều tiết tưới cho cây lúa và bắp sinh khối của người dân và đẩy nhanh tiến độ cấp nước tưới đợt 1 và 2 cho cây cà phê trong giai đoạn nguồn nước đến công trình còn dồi dào. Từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4, nếu nguồn nước thiếu hụt sẽ áp dụng tưới luân phiên để tưới hết đợt 3. Trường hợp nếu không đảm bảo điều tiết nước để tưới theo kế hoạch thì điều chỉnh lịch tưới kéo dài áp dụng tưới luân phiên giữ ẩm chờ mưa. Vận động người dân sử dụng nguồn nước giếng đào, nước sông, suối trong khu vực để chống hạn cuối vụ. Còn hệ thống thủy lợi An Phú- Chư Á, tập trung điều tiết đưa nước vào mặt ruộng. Ưu tiên chuyển nước đến khu tưới của các đập dâng phía dưới hệ thống trong giai đoạn nguồn nước còn dồi dào để duy trì mực nước ngầm trong ruộng. Các công trình có khả năng thiếu nước trong hệ thống công trình thủy lợi Ayun Hạ ở những vùng cao, vùng xa sẽ lắp đặt trạm bơm điện tạm thời để bơm nước tưới nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

Ông Nguyễn Năng Dũng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai- cho biết: Để triển khai các giải pháp chống hạn kịp thời, phù hợp với diễn biến thời tiết và thủy văn trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã củng cố kiện toàn Ban Chỉ huy phòng- chống hạn năm 2024. Bên cạnh đó, các chi nhánh thủy lợi trực thuộc Công ty phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, doanh nghiệp và hộ dùng nước cùng tham gia chống hạn. Tổ chức kiểm tra thực hiện nghiêm lịch cấp nước vụ Đông xuân 2023-2024, nhất là cấp nước tưới cho cây cà phê, hồ tiêu đảm bảo theo kế hoạch các đợt tưới. Chấn chỉnh các hành vi gây lãng phí, thất thoát nước và thường xuyên kiểm tra các công trình có nguy cơ xảy ra hạn, thiếu nước tưới. Tập trung huy động nhân lực, tổ chức khơi thông dòng chảy, điều tiết nước đảm bảo nhu cầu sinh trưởng của cây trồng. Tổ chức điều tiết tưới luân phiên trên hệ thống công trình khi nguồn nước không còn khả năng phân phối. Vận động nhân dân tưới nước tiết kiệm, nạo vét kênh mương nội đồng, các hồ chứa chấp hành nghiêm lệnh điều tiết mở cống đầu mối đúng lưu lượng cho phép.

Người dân xã Ayun( huyện Chư Sê) nạo vét kênh mương nội đồng dẫn nước sản xuất vụ Đông xuân 2023-2024.Ảnh: Nguyễn Diệp

Người dân xã Ayun( huyện Chư Sê) nạo vét kênh mương nội đồng dẫn nước sản xuất vụ Đông xuân 2023-2024.Ảnh: Nguyễn Diệp

“ Trong thời gian tới, Công ty tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trên địa bàn có công trình thủy lợi do Công ty quản lý. Cập nhật dự báo của cơ quan Khí tượng Thủy văn về tình hình nguồn nước hiện có tại các công trình hồ chứa để ưu tiên cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao, cây lương thực. Xây dựng kế hoạch điều tiết nước, điều chỉnh mùa vụ hợp lý đảm bảo cấp nước tưới ổn định cho vụ Đông Xuân 2023-2024. Đồng thời, chủ động tích trữ nước sản xuất vụ mùa 2024, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra”- Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai cho biết thêm

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.