Công ty Điện lực Gia Lai: Gấp rút "dọn đường" cho thiết bị điện gió

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, Công ty Điện lực Gia Lai gấp rút cải tạo nâng độ cao một số đường dây nhằm đảm bảo an toàn cho xe vận chuyển thiết bị phục vụ thi công các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh.

Theo thông tin từ các đơn vị vận chuyển thiết bị điện gió, xe siêu trường, siêu trọng có độ cao nhất khoảng 6,5 m; cánh quạt dài từ 60 đến 86 m, nặng khoảng 25 tấn; trụ tháp-máy phát dài từ 20 đến 30 m, nặng khoảng 49 đến 115 tấn.

Ông Phan Tuấn Linh-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn-cho biết: “Với những thiết bị này, phương tiện vận chuyển là loại chuyên dụng dài tới 70 m. Theo đó, việc vận chuyển khá khó khăn, nhất là vướng các đường dây điện trên tuyến quốc lộ 19 và tỉnh lộ từ đèo An Khê đến các công trình”.

 Xây dựng dự án điện gió tại huyện Chư Prông. Ảnh: Hà Duy
Xây dựng dự án điện gió tại huyện Chư Prông. Ảnh: Hà Duy


Ông Lê Quang Trường-Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai-thông tin: “Ngay sau khi tiếp nhận đề nghị từ Cảng Quy Nhơn về việc hỗ trợ nâng đường dây điện, chúng tôi đã làm việc cụ thể với các đơn vị vận chuyển, sau đó phối hợp cùng các đơn vị viễn thông đi khảo sát thực tế. Từ đó, đề ra giải pháp hợp lý về việc nâng độ cao các đường dây để đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định vận chuyển thiết bị điện gió”.

Theo đó, Công ty Điện lực Gia Lai phối hợp cùng các đơn vị vận chuyển và các đơn vị viễn thông đi chung cột điện khảo sát thực tế đường dây điện, đường dây viễn thông vượt qua đường dọc quốc lộ 19, đường Nguyễn Chí Thanh, quốc lộ 14B dẫn đến chân công trình các nhà máy điện gió HBRE Chư Prông, Ia Pết 1-2 Đak Đoa, Ia Bang 1.

Qua khảo sát, có khoảng hơn 200 điểm đảm bảo độ cao, còn lại hơn 1.600 điểm không đạt độ cao, trong đó có hơn 1.000 điểm liên quan đến điện lực, còn lại là đường dây viễn thông. “Trên tuyến đường từ An Khê đến Dự án điện gió HBRE (huyện Chư Prông) và Dự án điện gió Ia Pết (huyện Đak Đoa) có 1.046 vị trí đường điện vượt qua đường giao thông. Công ty Điện lực Gia Lai đã lập giải pháp thiết kế, dự toán để nâng độ cao vượt đường đảm bảo theo quy định của các đường dây điện 0,2-110 kV, bao gồm cả đường dây điện là tài sản của ngành điện và dây điện của khách hàng, dây hạ áp và dây chuyên dùng, dây chiếu sáng… Theo đó, kinh phí dự toán gần 19 tỷ đồng. Các điểm khác đang tiếp tục khảo sát để lập giải pháp thiết kế cũng như dự toán”-Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai thông tin thêm.

Tập kết thiết bị điện gió về công trường Nhà máy điện gió Ia Pếch (Đak Đoa)
Tập kết thiết bị điện gió về công trường Nhà máy Điện gió Ia Pếch (huyện Đak Đoa). Ảnh: Hà Duy

Trong ngày 3 và 4-5, Điện lực Mang Yang đã tích cực triển khai xử lý nâng độ cao các đường dây trung áp, hạ áp, xóa bỏ toàn bộ dây sau công tơ vượt qua quốc lộ 19. Ông Nguyễn Thanh Thảo-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kỹ thuật (Điện lực Mang Yang) chia sẻ: “Khi có chỉ đạo của Giám đốc Công ty, Điện lực Mang Yang nhanh chóng phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát và lên phương án thi công. Khu vực huyện Mang Yang có gần 30 km đường dây trên quốc lộ 19 thuộc diện xử lý đảm bảo độ cao khi vận chuyển thiết bị quá khổ, quá tải. Đơn vị đã tích cực phối hợp, xử lý nâng độ cao các đường dây trung áp, hạ áp vượt qua quốc lộ 19, xóa bỏ toàn bộ dây sau công tơ vượt qua quốc lộ đảm bảo an toàn sử dụng điện và con người, phương tiện tham gia giao thông”.


Tuy nhiên, quá trình thi công cũng xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc. Ông Lê Quang Trường cho hay: “Để nâng độ cao đường dây sau công tơ của khách hàng và đường dây viễn thông, giải pháp là xây dựng mới đường dây hạ áp đi bên kia đường và chuyển công tơ của các khách hàng vượt đường sang đường dây hạ áp mới. Lúc này, việc trồng mới trụ điện hạ áp sẽ nằm trên hành lang quốc lộ 19 và quốc lộ 14B. Việc thi công những trụ này phải xin cấp phép của cơ quan chức năng theo quy định với thời gian gần 1 tháng.

Bên cạnh đó, tuyến đường vận chuyển thiết bị đi qua nhiều huyện, thị xã, thành phố, chiều dài tuyến đường lớn, khối lượng dây cáp vượt đường rải rác khắp tuyến nên công tác thi công nâng độ cao gặp khó khăn khi cắt điện, bố trí nhân công thực hiện, trong thời gian khá gấp. Chưa kể việc cắt điện trên diện rộng để nâng độ cao đường dây sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện. Chúng tôi đã đề xuất Sở Công thương hỗ trợ để khắc phục những vướng mắc này”.
 

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm