Công khai xử lý trách nhiệm người bao che khai thác khoáng sản trái phép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Công văn gửi các sở, ngành và UBND cấp huyện về việc thực hiện công tác quản lý khoáng sản triển khai theo Công văn số 2547/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ.

Theo Công văn, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND cấp huyện thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại các quyết định, chỉ thị về phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cũng như tăng cường công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai-Kon Tum.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đề nghị công khai xử lý trách nhiệm người bao che khai thác khoáng sản trái phép. Ảnh: Hoành Sơn

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đề nghị công khai xử lý trách nhiệm người bao che khai thác khoáng sản trái phép. Ảnh: Hoành Sơn

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt tiền hoàn trả chi phí điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước theo Quyết định số 04/2018/QĐ-TTg ngày 23-1-2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định phương pháp xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả, phương thức hoàn trả; quy định chế độ thu, quản lý, sử dụng chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do nhà nước đã đầu tư. Kiểm tra, rà soát các giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đã cấp và các quyết định, văn bản cho phép thu hồi khoáng sản trong quá trình thực hiện dự án đầu tư đã được phê duyệt, cho phép để bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi: khai thác khoáng sản khi không có thiết kế mỏ, không đúng thiết kế và công nghệ khai thác đã duyệt; khai báo sai sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, không thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản. Kiến nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép theo quy định đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản gây mất an toàn lao động; gây tổn thất lớn khoáng sản; gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tác động xấu đến cảnh quan môi trường, di tích lịch sử-văn hóa, di sản địa chất. Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm đối với các cơ quan hành chính tại địa phương, đặc biệt người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công khai việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi bao che, tiếp tay để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý, qua đó nâng cao nhận thức, khuyến khích nhân dân trong công tác đấu tranh, tố giác tội phạm.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất UBND tỉnh báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, hướng dẫn việc khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng nếu phát hiện khoáng sản đảm bảo yêu cầu về chất lượng, trữ lượng làm đá ốp lát, nguyên liệu sản xuất xi măng và với công nghiệp trong quá trình quản lý quy hoạch, cấp phép và hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn.

Các Sở: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ của ngành chủ trì và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với hành vi khai thác khoáng sản. Đồng thời, các đơn vị tích cực tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các nội dung liên quan nhằm đảm bảo thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khoáng sản.

Có thể bạn quan tâm