Ia Grai: “Nóng” tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm qua, Ia Grai là “điểm nóng” về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Để ngăn chặn tình trạng này, huyện đang siết chặt hơn nữa công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.

Làng Bi Ia Nách (xã Ia Krai) từng xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép rất phức tạp. Nhận thấy một bãi đá nằm lẩn khuất giữa rẫy điều, cà phê và cách xa khu dân cư, một số hộ dân trong làng lén lút đào đất, múc đá cục lên rồi chẻ làm đá xây dựng. Dù lực lượng chức năng của huyện nhiều lần xử phạt hành chính nhưng tình trạng khai thác đá trái phép nơi đây vẫn tiếp diễn. Phải đến năm 2022, điểm khai thác đá trái phép tại làng Bi Ia Nách mới bị xóa sổ.

Ông Nguyễn Đức Tấn-Chủ tịch UBND xã Ia Krai-thông tin: “Một số người dân tộc thiểu số ở làng Bi Ia Nách lợi dụng việc cải tạo đồng ruộng để khai thác đá bán cho các hộ dân trong vùng. Vì vậy, xã trở thành “điểm nóng” về khai thác khoáng sản trái phép. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện trong các cuộc giao ban hàng tháng, chúng tôi triển khai nhiều biện pháp để xử lý dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, nhất là ở làng Bi Ia Nách. Đầu tiên, xã làm việc với hệ thống chính trị các thôn, làng thông báo kết luận của UBND huyện về việc triển khai các hoạt động ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn và đề nghị mọi người cùng chung tay thực hiện. Tiếp theo, chúng tôi thành lập tổ xử lý khai thác khoáng sản trái phép, tiến hành kiểm tra 2 lần/tuần và quay phim, chụp ảnh để có căn cứ xử lý. Vì thế, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn không còn xảy ra tình trạng khai thác đá trái phép. Chúng tôi cũng đang kiến nghị cấp trên cho đấu giá khai thác khoáng sản tại làng Bi Ia Nách để có nguồn thu ngân sách, tránh tình trạng khai thác trái phép tái diễn”.

Hiện trường 1 vụ khai thác cát trái phép tại xã Ia Khai. Ảnh: Thiên Di

Hiện trường 1 vụ khai thác cát trái phép tại xã Ia Khai. Ảnh: Thiên Di

Xã Ia Khai cũng từng là “điểm nóng” về khai thác khoáng sản trái phép, chủ yếu là khai thác cát. Do xã có nhiều sông suối bao quanh với trữ lượng cát lớn, người dân đã khai thác trái phép làm vật liệu xây dựng, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến công tác quản lý khoáng sản tại địa phương. Trước tình trạng đó, xã đề nghị UBND huyện tổ chức đấu giá khai thác cát trên địa bàn và triển khai nhiều phương án nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi khai thác trái phép. “Hiện ở xã có 3 vị trí đang khai thác cát được đấu giá và có 1 vị trí đang thăm dò. Kể từ khi có doanh nghiệp, cá nhân khai thác cát theo giấy phép được cấp, trên địa bàn xã không còn xảy ra các vụ khai thác cát trái phép. Tuy vậy, năm 2022 vẫn xảy ra 1 vụ khai thác đá trái phép. Chúng tôi đang tiếp tục triển khai các hoạt động để phòng ngừa khai thác khoáng sản trái phép như: giao trách nhiệm cho các thôn, làng; tổ chức kiểm tra, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật của Nhà nước về quản lý khoáng sản; lập quy hoạch để đề nghị huyện đấu giá khai thác”-bà Nguyễn Mai Lương-Chủ tịch UBND xã Ia Khai-cho hay.

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường, năm 2022, trên địa bàn huyện xảy ra 5 vụ khai thác khoáng sản trái phép. Huyện đã xử phạt hành chính với số tiền hơn 10,9 triệu đồng và tịch thu 350 viên đá chẻ, 10 m3 đá cục. Riêng từ đầu năm đến nay, huyện phát hiện 2 vụ khai thác đá trái phép ở xã Ia Bă và Ia Hrung.

Một vụ khai thác khoáng sản trái phép tại xã Ia Hrung vừa được phát hiện. Ảnh: Thiên Di

Một vụ khai thác khoáng sản trái phép tại xã Ia Hrung vừa được phát hiện. Ảnh: Thiên Di

Ông Thái Anh Tuấn-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện-cho biết: “Tại xã Ia Bă và xã Ia Hrung vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, chủ yếu là khai thác đá chẻ phục vụ xây dựng. Từ đầu năm 2023, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương chú trọng hơn nữa vào công tác quản lý khoáng sản, giao Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm việc này. Nếu xảy ra khai thác trái phép tại địa phương, Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm cao nhất. Ủy ban nhân dân huyện cũng đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản trên địa bàn. Tới đây, đoàn sẽ đi kiểm tra thực tế, làm việc với UBND các xã và đôn đốc, nhắc nhở thực hiện quy định của Nhà nước về quản lý khai thác khoáng sản. Phòng cũng đã khảo sát, đề xuất 31 vị trí để tổ chức đấu giá khai thác khoáng sản trong năm 2023. Chỉ có đấu giá khai thác thì mới giảm thiểu tình trạng khai thác trái phép”.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Xử phạt 3 cơ sở nha khoa 142,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động 3 tháng

Gia Lai: Xử phạt 3 cơ sở nha khoa 142,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động 3 tháng

(GLO)- Vi phạm trong cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, 3 cơ sở nha khoa trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) vừa bị Sở Y tế ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 142,5 triệu đồng.