Chuyện về nữ thương binh Trần Thị Ánh Hừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đón tôi, nữ thương binh Trần Thị Ánh Hừng (hẻm 03 Lê Lai, TP. Pleiku)-1 trong 100 nữ chiến sĩ của Tiểu đoàn vận tải thuộc Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) ngày trước-không giấu được xúc động. Đặc biệt là trong những ngày tháng 7 này, khi chúng tôi cùng nhau nhắc nhớ kỷ niệm về những năm tháng chiến đấu nơi chiến trường cam go, ác liệt.

Chị Hừng mở đầu câu chuyện: Năm 1966, giữa giai đoạn chiến tranh ác liệt, tại Quảng Nam, Tiểu đoàn vận tải thuộc Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) được bổ sung 1 đại đội nữ với quân số 100 người, trong đó có chị. Các cô gái từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... tuổi đời còn rất trẻ. Nhưng, chiến trường đã rèn luyện họ trở thành những kiện tướng “chân đồng, vai sắt” gùi đạn, tải thương, phục vụ chiến đấu.

Chị kể, quê hương Sơn Tịnh của chị nằm bên dòng sông Trà Khúc, con sông lớn nhất ở tỉnh Quảng Ngãi. Nó phát nguồn từ núi Đak Tơ Rôn với đỉnh cao trên 2.000 m so với mực nước biển, hợp nước của 4 con sông lớn là: Rhe, Xà Lò, Rinh, Tang; chảy theo hướng Đông qua ranh giới các huyện: Sơn Tây, Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và TP. Quảng Ngãi trước khi đổ ra cửa Đại Cổ Lũy. Xa quê, xa gia đình, những ngày đầu, chị không tránh được nỗi buồn. Tuy nhiên, khi được biên chế vào một đơn vị vận tải thuộc Tiểu đoàn vận tải (sau đổi thành d19), tất cả đều là nữ, trẻ, nhiều chị em xinh đẹp, cùng cảnh ngộ, việc rèn luyện, học tập rồi lao vào công tác đã dần vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê.

Tết Mậu Thân năm 1968, chị Hừng bị thương rất nặng, khi đang cùng chị em trong đơn vị làm nhiệm vụ tải thương từ Duy Xuyên ra vùng an toàn. Thương binh khi ấy là các cán bộ, chiến sĩ chiến đấu trong nội thành Đà Nẵng đưa ra. “Hành trình” từ người đi tải thương thành thương binh để đồng đội “tải”. Chẳng biết địch có phát hiện chính xác nơi đơn vị làm nhiệm vụ hay không, mà đang trên đường đưa thương binh, tử sĩ về phía sau thì chúng dội bom đúng vào đội hình đơn vị (hòn Bình-sông Tranh).

Trận tập kích bằng bom ấy đã gây cho đơn vị tổn thất nặng. Riêng chị bị thương rất nặng, vỡ xương đầu, gãy xương đùi bên trái, nhiều mảnh bom trên cơ thể. Nhiều ngày nằm trên cáng của đồng đội, vượt qua những chặng đường trong vùng địch chiếm, một hành trình, sau này, chị mới được biết, đó là từ Duy Xuyên (Quảng Nam) đến căn cứ ở sông nước Mỹ. Ít lâu sau, chị tiếp tục được đồng đội đưa sang Lào (đường Tây Trường Sơn-Đoàn 559) để ra Bắc chữa trị các vết thương.

Vừa điều trị vết thương-chị Hừng kể tiếp-vừa học tập văn hóa, xong lớp 10/10, chị lại một lần nữa tình nguyện trở lại miền Nam phục vụ chiến đấu, đó là đầu năm 1974. Tỉnh đội Quảng Ngãi là nơi chị chọn để trở về.

Chị Trần Thị Ánh Hừng (thứ 2 từ phải sang). Ảnh: Đoàn Minh Phụng

Chị Trần Thị Ánh Hừng (thứ 2 từ phải sang). Ảnh: Đoàn Minh Phụng

Trong số 100 chị em ngày đầu thành lập đơn vị ấy, giờ còn trên 60 người, các chị đã ngoài 70 tuổi. Hàng năm, chị em cùng nhau trở về một trong những nơi trước đây các chị đã từng sống, chiến đấu, hoạt động, lần gặp mặt năm chưa xảy ra dịch Covid-19 là hồi 2018 tại Đà Nẵng. Chị Lê Thị Thu-nữ chính trị viên đầu tiên của đơn vị-không kìm được nước mắt khi gặp lại những đứa em thuở nào. Chị Thu thốt lên: “Ngày ấy, ai cũng trẻ lắm vậy mà can trường không thua kém nam nhi. Ăn uống kham khổ, nhiều cô sốt rét xanh xao, vậy mà bảo ở nhà, không ai chịu”.

Còn Trung tướng Nguyễn Trung Thu-nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân khu 5 lại trở thành nhân vật đặc biệt trong cuộc gặp năm đó. Là chiến sĩ Sư đoàn 2 trong những năm tháng chiến tranh, ông vẫn nhớ như in những kỷ niệm. Nắm tay cựu nữ quân nhân Nguyễn Thị Phi, Bùi Thị Nhung gầy gò vì bệnh tật triền miên, Trung tướng nhắc nhở Ban liên lạc đơn vị phải tìm hiểu hết những trường hợp bị chất độc da cam để báo với cơ quan chức năng làm các chế độ đãi ngộ xứng đáng, thêm vào mức hưởng thương bệnh binh ít ỏi hiện nay, góp phần cải thiện cuộc sống của các chị.

Mấy năm lại đây, cứ tới tháng 7, các chị lại tề tựu cùng nhau, ôn nhớ chuyện xưa, chia sẻ chuyện nay. Để tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh, các chị chung tiền xây dựng nhà bia tưởng niệm liệt sĩ ở xã Hiệp Thuận, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, nơi có 52 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi bom B52 của giặc Mỹ dội vào đội hình đứng chân của đơn vị. Các chị còn tìm đến đồng đội, những người chưa liên lạc được, thăm hỏi động viên nhau trong cuộc sống thường ngày. Chị Đặng Thị Hoa (quê ở Điện Phước, Điện Bàn, Quảng Nam), là Đại đội trưởng, vừa mới qua đời vì bệnh hiểm nghèo và tuổi già. Nhắc về đồng đội của mình, chị Hừng không cầm được cảm xúc.

Chuyển ngành sau ngày trở về Nam, rồi trở về với cuộc sống đời thường, theo lời chị Hừng là “chị may mắn hơn các đồng đội khác đã vĩnh viễn nằm lại ngoài mặt trận, được học tập, lập gia đình, giờ có cuộc sống tạm ổn định, thế là mừng lắm”. Sau hồi ngẫm nghĩ, chị Hừng nói vui: “Hồi học ở trường Thương binh ngoài Nam Hà, chị là Bí thư chi bộ, thấy trong lớp có anh chàng thương binh chịu học, chịu làm.

Sau khi tìm hiểu, chị biết được gia đình anh ấy là gia đình cách mạng, có cha tập kết, bản thân là chiến sĩ bộ đội địa phương Bình Định. Vậy là, chị bàn với chi ủy phân công đảng viên tuyên truyền, bồi dưỡng để kết nạp Đảng cho anh. Tưởng chuyện có thế, ai ngờ một ngày nọ, có đoàn cán bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai tìm đến nhà chị (ở Quảng Ngãi), chị bất ngờ khi thấy anh chàng thương binh ngày xưa mình giới thiệu kết nạp Đảng xuất hiện.

Từ lần gặp gỡ tưởng như tình cờ đó, anh thương binh không lâu sau đã là cha của 2 con gái chị bây giờ. Đó là anh Trần Đình Hiệu-nguyên Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai. Và, tôi còn biết, đơn vị của chị đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; anh chị đều là đảng viên 50 và trên 50 tuổi Đảng. Căn nhà nằm trong hẻm 03 Lê Lai (TP. Pleiku) có 2 người thương binh nặng, luôn bên cạnh nhau, chăm sóc cho nhau lúc trái gió trở trời, vết thương tái phát và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, để các con, các cháu yên tâm công tác, học tập. Chào anh chị, 2 người thương binh, 2 người bạn... già của tôi, chúng tôi hẹn nhau dịp 27-7 này hội ngộ.

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.