Chuyện chưa biết về nghề huấn luyện cảnh khuyển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hình ảnh người chiến sĩ Công an dắt chú chó nghiệp vụ luôn để lại những ấn tượng đẹp trong mắt quần chúng nhân dân. Thế nhưng, đằng sau vẻ oai vệ, hùng dũng ấy là cả một hành trình đầy nhọc nhằn.

Coi chó như con trẻ

Chúng tôi đến thăm Đội Huấn luyện sử dụng động vật nghiệp vụ thuộc Phòng Cảnh sát Cơ động (Công an tỉnh Gia Lai) vào một buổi sáng tháng ba. Trên “thao trường”, các chiến sĩ đang say mê huấn luyện những chú chó của mình, từ những động tác nghiêm, nghỉ, nằm, bò hay ngửi, theo vết, sủa, cắn…

0bg.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đội Huấn luyện sử dụng động vật nghiệp vụ thuộc Phòng Cảnh sát Cơ động (Công an tỉnh Gia Lai) và các cảnh khuyển trước giờ huấn luyện. Ảnh: V.N

Lau vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán, Thượng úy Phùng Ngọc Tuấn đưa tay vuốt ve chú chó tên Rich của mình. Theo giấy khai sinh, Rich thuộc dòng Malinois, năm nay tròn 7 tuổi. Gần 6 năm trước, Rich đã được giao cho Thượng úy Tuấn huấn luyện. Khi ấy, Rich là một “tờ giấy trắng”. Thượng úy Tuấn đã cùng chú chó trải qua 6 tháng huấn luyện ròng rã ở chuyên khoa bảo vệ và truy vết. Sau thời gian này, cả thầy và “trò” còn phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp trước khi Rich được bàn giao về cho địa phương quản lý sử dụng.

“Lúc ấy, tôi cũng còn trẻ và chưa lập gia đình. Rich cũng còn nhỏ chưa biết các động tác gì nên tôi coi nó như con mình vậy. Chó cũng giống con trẻ, mỗi con có một tính cách khác nhau, con thì điềm đạm, có con lại tinh ranh. Huấn luyện nó cũng cần phải kiên trì, nhẫn nại chứ cũng không thể nóng tính rồi dùng đòn roi. Nhiều khi còn phải động viên, khen thưởng để nó biết mình đã làm tốt”-Thượng úy Tuấn chia sẻ.

Theo quy định chung của ngành Công an, mỗi chiến sĩ đều phụ trách riêng 1 chú chó của mình từ khi còn là chó non (khoảng 16-18 tháng) chưa được huấn luyện. Sau khi trở về phục vụ công tác, trong tất cả hoạt động từ tập luyện hàng ngày đến khi đi thực hiện nhiệm vụ, chó phải gắn liền với chủ. Mỗi ngày, các chiến sĩ duy trì chế độ đều đặn từ việc cho chó đi vệ sinh, huấn luyện thường xuyên, cho ăn, tắm rửa, nghỉ ngơi và thường xuyên tổ chức những buổi hành quân dã ngoại để chó nâng cao thể lực.

Trung úy Ứng Ngọc Quỳnh tâm sự: “Chúng tôi vẫn thường tếu táo với nhau rằng, thời gian ở bên chó còn nhiều hơn ở bên người yêu hay vợ con. Mỗi chiến sĩ đều rất dễ nhận diện bởi luôn ám… mùi chó, vì chó với chủ quần thảo bên nhau cả ngày. Tắm cho chó cũng mất công hơn nhiều so với trẻ con bởi bộ lông rất dày, sau khi tắm còn phải sấy khô cho bộ lông của chúng. Hàng ngày, chúng tôi còn phải theo dõi sát sao tình hình sức khỏe, tình trạng phân nhằm phát hiện chó đau ốm để kịp thời có hướng xử lý”.

Còn với Thượng úy Ksor Lâm, anh vẫn chưa thể nguôi ngoai sự mất mát khi chú chó mang tên Miler của mình đột ngột tử vong, bởi anh coi nó như một người thân trong gia đình. “Miler là con chó đầu tiên trong nghề huấn luyện cảnh khuyển của tôi nên có nhiều kỷ niệm. Miler thông minh, dũng mãnh nhưng cũng rất ngoan ngoãn, biết nghe lời. Gắn bó với nhau 5 năm nên lần ấy nó chết do bị bệnh gan và dạ dày khiến tôi hụt hẫng, trống vắng vô cùng. Suốt mấy tháng liền, tôi cứ nhớ nó da diết, kể cả sau này khi đã nhận huấn luyện chú chó mới”-Thượng úy Lâm buồn bã kể.

Giữ bình yên cuộc sống

Hiện tại, Đội Huấn luyện sử dụng động vật nghiệp vụ đang có 11 chú cảnh khuyển ở 2 dòng Becgie và Malinois. Theo Trung tá Vũ Hùng Minh-Đội trưởng Đội Huấn luyện sử dụng động vật nghiệp vụ: Tại đây, cảnh khuyển được đào tạo qua 4 chuyên khoa gồm: giám biệt mùi hơi người; phát hiện chất ma túy; bảo vệ và truy vết; phát hiện thuốc nổ.

Đây đều là những nhiệm vụ quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự thường trực mà lực lượng Công an đảm nhiệm. Để có được những chú chó tinh thông về nghiệp vụ và đảm bảo nghe lời chủ tuyệt đối, các chiến sĩ đã phải trải qua những giờ huấn luyện công phu không biết mệt mỏi, bất kể nắng mưa.

chuyen-chua-biet-ve-nghe-huan-luyen-canh-khuyen-2.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đội Huấn luyện sử dụng động vật nghiệp vụ trong 1 bài tập cho cảnh khuyển. Ảnh: V.N

Giống chó được sử dụng trong nghiệp vụ ngành Công an đều nhập từ nước ngoài. Dù được tiến hành cho sinh sản ở Việt Nam, song những chú chó này khi đưa về Gia Lai cũng chịu sự tác động nhất định do thay đổi thời tiết. Trong khoảng vài tháng đầu, chó bị ảnh hưởng về sức khỏe cũng như tinh thần nên đòi hỏi sự khéo léo, nhẫn nại của người huấn luyện. Chưa kể, trong quá trình huấn luyện, các chiến sĩ còn phải đối mặt với những rủi ro nghề nghiệp không tránh khỏi.

Trung tá Minh bày tỏ: “Trong quá trình huấn luyện, hầu như ai cũng đã từng bị chó cắn hay cào xước tay chân. Tất cả chó đều đã được tiêm phòng thường xuyên, song để đảm bảo an toàn nhất, mỗi khi bị thương, các chiến sĩ đều phải tiêm vắc xin. Làm cái nghề này phải thực sự đam mê, kiên trì mới có thể theo đuổi được”.

chuyen-chua-biet-ve-nghe-huan-luyen-canh-khuyen-3them.jpg
Các chú cảnh khuyển phải luyện tập liên tục để trau dồi nghiệp vụ của mình. Ảnh: Văn Ngọc

Hiện nay, những chú cảnh khuyển đang tham gia vào nhiều hoạt động của lực lượng Cảnh sát Cơ động như: tuần tra hàng đêm, bảo vệ tại các sự kiện lớn có đông người tham gia. Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh trật tự tại các sự kiện, lực lượng cảnh khuyển cũng để lại hình ảnh đẹp trong lòng quần chúng nhân dân. Đặc biệt, cảnh khuyển đã nhiều lần góp phần vào thành công trong công tác đấu tranh, truy bắt tội phạm của lực lượng Công an.

Đơn cử như việc bắt giữ đối tượng Trần Phi Hùng (SN 1992, trú tại xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vào năm 2017. Đây là đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma túy với khối lượng heroin lớn nhất tỉnh vào thời điểm đó. Trong quá trình khám xét, các chú cảnh khuyển đã được điều động đến nhà của đối tượng và góp phần vào việc phát hiện, thu giữ 140 gram heroin. Hoặc như việc truy bắt 2 đối tượng bỏ trốn khỏi nhà tạm giữ của Công an huyện Krông Pa vào năm 2021.

Thượng úy Phùng Ngọc Tuấn nhớ lại: “Khi chúng tôi xuống đến hiện trường, các đối tượng đã bỏ trốn từ nhiều giờ trước nên gặp không ít khó khăn trong việc đưa chó truy vết theo mùi chúng để lại. Từ nguồn tin của các trinh sát, chúng tôi đã đưa chó nghiệp vụ khoanh vùng ở nhiều điểm để đảm bảo không để bỏ lọt. Nhờ sự phối hợp của các đơn vị, 2 đối tượng sau đó đã bị tóm gọn sau 3 ngày lẩn trốn”.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện 2 ngôi làng đặc biệt trên biên giới Ia Mơ

Chuyện 2 ngôi làng đặc biệt trên biên giới Ia Mơ

(GLO)-Ở xã biên giới Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), làng Ring và làng Khôn được thành lập theo những cách khác nhau nhưng đều rất đặc biệt. Mặc dù làng hình thành chưa lâu nhưng những người dân ở đây sinh sống hòa thuận, cùng nhau đoàn kết bảo vệ biên cương Tổ quốc và xây dựng cuộc sống mới.

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong giữ gìn trật tự an toàn giao thông

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong giữ gìn trật tự an toàn giao thông

(GLO)- Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, với quyết tâm chính trị cao, toàn thể cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ cơ sở Cảnh sát giao thông đã đoàn kết, thống nhất triển khai có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Hồi hương trong tình người và hy vọng

Hồi hương trong tình người và hy vọng

(GLO)- Khi mùa khô năm 2024 vừa chớm, ở buôn Ia Rnho (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) có một người lặng lẽ rời đi. Đó là Nay Tri-người từng vướng vào vụ phá rừng, luôn sống trong nỗi lo sợ bị pháp luật trừng trị.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh: Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh: Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống đơn vị được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

34 tỉnh, thành phố mới trên toàn quốc có 145 Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực

34 tỉnh, thành phố mới trên toàn quốc có 145 Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực

Việc xây dựng dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 11 luật về quân sự, quốc phòng là bước đi cần thiết trong bối cảnh các địa phương đang tiến hành điều chỉnh địa giới hành chính và tái cấu trúc lực lượng vũ trang theo luật định kể từ ngày 1/7/2025, bảo đảm theo hướng tinh, gọn, vững mạnh và hiện đại.

null