Ông Nguyễn Quốc Hưng (phường Hội Phú, TP. Pleiku) cho biết: “Tối 3-2-2025, tôi phát hiện 1 con tê tê chạy lạc vào nhà mình. Tôi tự nguyện giao nộp cá thể này cho cơ quan chuyên môn chăm sóc, nuôi dưỡng sớm thả về môi trường tự nhiên”.
Còn bà Nguyễn Thị Lệ Thu (tổ 4, phường Hội Phú) thông tin: Khoảng 6 năm nay, bà thường xuyên chăm sóc các loại động vật hoang dã trong Công viên Diên Hồng như khỉ đuôi lợn, trăn gấm, nai, rùa núi… Vừa rồi, số cá thể động vật này được đơn vị tự nguyện đưa về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh để chăm sóc trước khi thả về môi trường tự nhiên sinh sống. Theo bà, đây là việc làm phù hợp nhằm bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

Theo thông tin từ Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh), năm 2024, đơn vị đã tiếp nhận, cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên 430 cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm do người dân và các tổ chức tự nguyện giao nộp. Trong đó có 405 cá thể chim chào mào, 1 cá thể tê tê Java, 15 cá thể kỳ đà vân, 1 cá thể khỉ đuôi lợn, 2 cá thể rùa đất lớn, 3 cá thể rùa núi vàng, 1 cá thể trăn gấm, 1 cá thể rùa núi viền… Những ngày đầu năm 2025, người dân và các đơn vị tiếp tục giao nộp 1 cá thể tê tê, 14 cá thể khỉ đuôi lợn, trăn gấm, nai, rùa núi...
Ông Trần Văn Thụ-Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật-thông tin: Những năm gần đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên phối hợp với Trung tâm tiếp nhận, cứu hộ nhiều loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm do người dân và các đơn vị trên địa bàn tỉnh tự nguyện giao nộp. Sau khi tiếp nhận, Trung tâm thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng tập cho động vật làm quen với môi trường sống tự nhiên rồi mới thả về rừng.
Khó khăn hiện nay là nguồn kinh phí phục vụ hoạt động tiếp nhận cứu hộ, tái thả các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ về môi trường sống tự nhiên đã bị cắt giảm nên quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn. Vì vậy, Trung tâm mong muốn các cấp, ngành quan tâm cấp thêm kinh phí cho hoạt động cứu hộ động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học một cách bền vững.

Trao đổi với P.V, ông Trương Thanh Hà-quyền Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh-cho biết: Những năm gần đây, lực lượng Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong Sách đỏ cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện giao nộp các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm cho cơ quan chuyên môn để chăm sóc, thả về môi trường tự nhiên.
“Thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân nhận biết các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Khi phát hiện, người dân cần báo cơ quan chuyên môn cứu hộ, bảo tồn, tránh tình trạng vi phạm pháp luật. Đồng thời, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích người dân và tổ chức tự nguyện giao nộp động vật rừng nguy cấp, quý hiếm cho cơ quan chuyên môn để tránh bị xử lý theo quy định của pháp luật”-ông Hà thông tin.