Chư Prông quyết tâm "không để ai bị bỏ lại phía sau"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm giúp người nghèo từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, những năm qua, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều chương trình thiết thực với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Hỗ trợ sinh kế để thoát nghèo
Chúng tôi tới thăm gia đình chị Rơ Lan H’Phyen (làng La, xã Ia Drăng) khi mặt trời đã đứng bóng. Dù vậy, chị H’Phyen vẫn tranh thủ đi cắt cỏ cho đàn bò để buổi chiều còn kịp chăm sóc vườn cà phê. Trước đây, cuộc sống của gia đình chị rất khó khăn vì chỉ có 5 sào cà phê già cỗi. Đây là nguồn thu nhập chính để chị nuôi 2 con nhỏ cùng mẹ già và anh trai bị bệnh tâm thần. Thấu hiểu hoàn cảnh của chị, UBND xã đã hỗ trợ cây giống, phân bón để tái canh cà phê và tặng 1 con bò giống. “Nhờ huyện, xã quan tâm hỗ trợ nên cuộc sống của gia đình tôi từng bước ổn định. Cuối năm 2020, gia đình tôi đã thoát nghèo”-chị H’Phyen bày tỏ.
Cũng như chị H’Phyen, 4 hộ dân tại xã Ia Tôr rất phấn khởi khi được tham gia mô hình “Hỗ trợ sinh kế” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ 2 con dê giống. Chị Kpuih Nho (làng Nẻrh Xo) cho biết: “Khi được hỗ trợ dê giống, mình rất phấn khởi, bắt tay ngay vào làm chuồng và trồng cỏ. Mới hơn 6 tháng nhưng đàn dê đã đẻ được 3 con. Mình sẽ chăm sóc đàn dê thật tốt để thoát nghèo”.
Chỉ sau hơn 6 tháng, đàn dê của chị Nho đã phát triển lên 5 con. Ảnh: Nhật Hào
Chị Kpuih Nho (làng Nẻrh Xo, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: Nhật Hào
Ông Kpuih Hồ Công Thông-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Prông-cho biết: Những năm qua, huyện đặc biệt quan tâm hỗ trợ về sinh kế để giúp người nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Ngoài thực hiện các chương trình, dự án do các ngành hỗ trợ, huyện còn cấp cây-con giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật để người dân tái canh cà phê, cải tạo vườn tạp, trồng xen cây ăn quả. Năm 2021, ngoài hỗ trợ các hộ dân thực hiện mô hình “Hỗ trợ sinh kế” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cấp với tổng kinh phí 200 triệu đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện còn giúp 3 hộ dân tại xã Ia Ga thực hiện mô hình nuôi dê (mỗi hộ 3 con dê giống) với kinh phí 45 triệu đồng. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện còn phối hợp triển khai mô hình trồng lúa nước trên diện tích 17 ha cho các hộ dân tại xã Ia Boòng và Ia Vê.  Nhờ đó, người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để thoát nghèo. Đến cuối năm 2021, toàn huyện có 531 hộ thoát nghèo.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Bên cạnh hỗ trợ sinh kế, năm 2021, huyện đã hỗ trợ xây mới 56 căn nhà, sửa chữa 10 căn nhà cho người nghèo, người có công với cách mạng với tổng trị giá gần 2,5 tỷ đồng. Anh Nguyễn Văn Diệu (thôn Hòa Bình, xã Bàu Cạn) cho biết: Gia đình không có đất sản xuất nên thu nhập chỉ trông vào việc làm thuê. Căn nhà tôn dựng tạm đã xuống cấp nhiều năm nhưng không có điều kiện để sửa chữa. Giữa năm 2021, anh được huyện hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà mới. “Cùng với tiền hỗ trợ của huyện, người thân giúp hơn 30 triệu đồng, tôi đã xây được căn nhà rộng rãi. Từ nay, gia đình tôi không còn lo nhà bị dột nữa”-anh Diệu bày tỏ.
Đặc biệt, trong dịp Tết Tân Sửu 2021, huyện đã cấp hơn 132 tấn gạo cứu đói và giáp hạt; tặng hàng trăm suất quà cho người nghèo nhân các dịp lễ, Tết; vận động quyên góp 903 triệu đồng cùng gần 70 tấn hàng hỗ trợ người nghèo thực hiện cách ly để phòng-chống dịch Covid-19.
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Prông vận động doanh nghiệp hỗ trợ tặng quà Tết cho người dân. Ảnh: Nhật Hào
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Prông vận động doanh nghiệp hỗ trợ tặng quà Tết cho người dân. Ảnh: Nhật Hào
Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022, UBND huyện đã trích ngân sách trên 1,19 tỷ đồng để tặng quà cho người nghèo, các đối tượng yếu thế, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các y-bác sĩ làm nhiệm vụ phòng-chống dịch bệnh. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cũng trích kinh phí từ Quỹ “Vì người nghèo” và vận động các Mạnh Thường Quân tặng 450 suất quà trị giá 215 triệu đồng cho người nghèo.
Ông Kpuih Hồ Công Thông cho biết thêm: Ngoài các suất quà của huyện, dịp Tết Nguyên đán năm nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn tặng 35 suất quà trị giá 17,5 triệu đồng cho người nghèo; đồng thời, hỗ trợ bà con khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với tổng số tiền 300 triệu đồng. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025, huyện vẫn còn 5.707 hộ nghèo (chiếm 18,26%). Do đó, thời gian tới, huyện tiếp tục tranh thủ các nguồn lực và vận động các nhà hảo tâm đóng góp để hỗ trợ về sinh kế nhằm giúp đỡ người dân từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Hồ nuôi cá của gia đình ông Phan Đình Đại (thôn 5, xã Ia Tô). Ảnh: N.H

Ia Grai phát triển nghề nuôi cá nước ngọt

(GLO)- Tận dụng nguồn nước mặt dồi dào từ lòng hồ thủy điện, hồ thủy lợi và sông suối, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư nuôi cá nước ngọt để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Việt Nam đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á về mức độ an toàn với 59,2 điểm. Ảnh: Phương Vi

Việt Nam xếp thứ 4 Đông Nam Á về mức độ an toàn

(GLO)- Trang web Numbeo-một trang web chuyên thống kê về chỉ số mức sống tại các thành phố và quốc gia vừa công bố danh sách các quốc gia an toàn nhất thế giới. Trong đó, xếp theo khu vực, Việt Nam đứng thứ 4 Đông Nam Á với 59,2 điểm.

Y-bác sĩ Bệnh viện Nhi tỉnh động viên chị Siu Bếp (bìa trái, làng O Grưng, xã Ia Ko, huyện Chư Sê) cố gắng cho con nằm viện điều trị. Ảnh: N.N

Điểm tựa cho bệnh nhân nghèo

(GLO)- Chứng kiến những bệnh nhân nghèo, khó khăn không có tiền điều trị, đội ngũ y-bác sĩ tại các bệnh viện trong tỉnh Gia Lai đã không ngần ngại đứng ra giúp đỡ, trở thành điểm tựa cho bệnh nhân an tâm điều trị.

Gương sáng làng Nang

Ông Rơ Châm Thơnh - Gương sáng làng Nang

(GLO)- Ông Rơ Châm Thơnh (SN 1966, làng Nang, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) rất được dân làng kính trọng, quý mến. Không chỉ có công trong việc xây dựng khối đoàn kết ở khu dân cư, ông Thơnh còn là tấm gương sáng về phát triển kinh tế tại địa phương.